Ngày mai, 25/9/2015, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị phổ biến Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn sẽ tham dự Hội nghị, cùng với đại diện của các cơ quan chủ quản báo chí ở Trung ương và địa phương.
 
Tại Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước tháng 8/2015 của Bộ TT&TT vừa diễn ra mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết Thủ tướng đã giao Bộ TT&TT xây dựng kế hoạch làm việc với các Bộ, ngành, cơ quan chủ quản về việc triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. 
 
Trong tháng 9/2015, Bộ TT&TT sẽ tham mưu để Chính phủ chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành, cơ quan chủ quản để phổ biến nội dung chính của Quy hoạch.
 
"Tài liệu về nội dung Quy hoạch sẽ được biên tập và gửi các cơ quan chủ quản. Trong tháng 10/2015, các cơ quan chủ quản sẽ phải báo cáo Bộ TT&TT về lộ trình triển khai nội dung Quy hoạch của mình. Đầu tháng 10/2015, Bộ TT&TT sẽ trực tiếp đến một số tỉnh, thành, Bộ, ngành có nhiều cơ quan báo chí để đôn đốc việc triển khai quy hoạch báo chí", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói. 
 
images1387418_quy_hoach_bao_chi.jpgĐề án Quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến 2025 cần được triển khai nhằm đảm bảo cho các cơ quan báo chí phát triển lành mạnh, đúng hướng hơn
Chia sẻ về sự cần thiết phải có quy hoạch báo chí, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn từng phân tích: "Thời gian qua, thực tiễn báo chí nước nhà đã có nhiều đóng góp tích cực, làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền quan điểm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là tiếng nói của Đảng, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp, và diễn đàn của nhân dân. 
 
Nhưng bên cạnh đó, báo chí cũng có rất nhiều khuyết điểm, yếu kém. Nhiều cơ quan báo chí chưa làm đúng tôn chỉ mục đích; chưa thể hiện được vai trò là tiếng nói của Đảng, tổ chức chính trị, chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp; chưa bảo đảm thực hiện tốt vai trò là diễn đàn của nhân dân. 
 
Năm 2014, nhiều cơ quan báo chí, nhất là các ấn phẩm phụ có sai phạm về nội dung, gây bức xúc cho xã hội. Nhiều cơ quan chủ quản từ bỏ hoặc giảm trách nhiệm của mình, thậm chí lệ thuộc vào kinh tế của báo chí để hoạt động. 
 
Bởi vậy, Đề án Quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến 2025 cần được triển khai nhằm đảm bảo cho các cơ quan báo chí phát triển lành mạnh, đúng hướng hơn".
 
Được biết, nhiệm vụ xây dựng và triển khai Quy hoạch báo chí được thực hiện theo Điều 17 của Luật Báo chí. Chủ trương này đã thực hiện từ cách đây 9 năm, trước khi có Bộ TT&TT. Ngay từ tháng 10/2006, Bộ Chính trị khóa X đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch báo chí trong cả nước. 
 
Tháng 1/2014, Bộ Chính trị khóa XI đã đưa vào chương trình làm việc và thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển, quản lý báo chí toàn quốc. Khi xem xét Đề án, Trung ương đã tập trung thảo luận làm rõ, tạo thống nhất cao về sự cần thiết ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
 
Trong đó, Đề án nêu rõ các nội dung chủ yếu như đánh giá toàn diện tình hình báo chí, quan điểm, mục tiêu quy hoạch báo chí và định hướng quy hoạch với từng loại hình báo chí (hiện có 4 loại hình báo chí gồm báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình); phương án sắp xếp các loại hình báo chí.
 
Ngày 12/3/2015, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án Quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến 2025 do Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT trình lên.
 
Tuy nhiên, tháng 6/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: "Bộ TT&TT trên cơ sở đề án trình Bộ Chính trị và Trung ương, làm việc với từng cơ quan báo chí, xem từng cơ quan đề xuất việc sắp xếp thế nào, nội dung sắp xếp, yêu cầu, giải pháp, lộ trình thế nào để từ đó tổng hợp lên. Thủ tướng sẽ phê duyệt khi đã đồng thuận. Chúng ta sẽ cùng nhau chung sức làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, căn chỉnh. Khi vào thực tiễn, nếu nảy sinh vướng mắc thì sẽ lắng nghe và tìm cách giải quyết. Tinh thần là chấp hành chủ trương của Trung ương để báo chí làm tốt nhiệm vụ, chức năng, phát triển tốt hơn, đội ngũ người làm báo phát huy tốt hơn. Hiện có 35.000 người làm báo, 18.000 nhà báo. Khi sắp xếp, không thể đẩy họ ra đường.. Mong các đồng chí vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp”.
 
Cuối tháng 8 mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ TT&TT khẩn trương thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện đề án quy hoạch báo chí. Theo đó, Bộ TT&TTphải  báo cáo về việc thực hiện đề án về quy hoạch báo chí trước ngày 30/10/2015./.
 
Bộ Giao thông Vận tải là đơn vị cấp Bộ đầu tiên thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí. Theo đó, từ ngày 1/4/2015, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ TT&TT xem xét, quyết định dừng xuất bản đối với 6 báo, tạp chí thuộc Bộ, chuyển 1 tạp chí thuộc doanh nghiệp sang hiệp hội quản lý.
 
Bộ TT&TT cũng đã tích cực thực hiện việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí, với việc chuyển giao nguyên trạng Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC về Đài Tiếng nói Việt Nam; bàn giao báo điện tử e-Info thuộc Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử về báo Nhân Dân; chuyển báo điện tử VnMedia thuộc Tập đoàn VNPT thành trang thông tin điện tử. 
 

Theo Infonet