(Baonghean.vn) - Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và sụt lún ven sông trên các sông Bắc Trung Bộ và ngập lụt sâu diện rộng tiếp tục diễn ra ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đó là nhận định của chuyên gia thời tiết - ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ.
PV:Thưa ông, xin ông đánh giá tình hình khí tượng thủy văn, nguy cơ do thời tiết gây ra hiện nay?
Ông Nguyễn Xuân Tiến: Hiện nay, lũ trên hạ lưu sông Cả ở xu thế lên chậm; Trên các sông khác trong khu vực Bắc Trung Bộ ở xu thế xuống. Mực nước lúc 07h00 ngày 13/10 trên các sông như sau:
- Trên sông Mã tại Lý Nhân: 8.27m, dưới mức BĐ1: 1.23m; tại Giàng: 4.10m, dưới mức BĐ1: 0.10m.
- Trên sông Bưởi tại Kim Tân: 13.34m, trên mức BĐ3: 1.34m.
- Trên sông Cả tại Dừa: 21.86m trên mức BĐ1: 01.36; tại Đô Lương: 15.01m trên mức BĐ1: 0.50m; tại Nam Đàn: 6.37m trên mức BĐ1: 0.97m.
Dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên sông Cả tại Nam Đàn sẽ đạt đỉnh ở mức 6.45m, trên BĐ1 1.05m và sau đó dao động ở mức đỉnh; trên các sông trong khu vực tiếp tục ở xu thế xuống.
Mực nước trên các sông có khả năng như sau:
- Sông Bưởi tại Kim Tân ở mức 12.6m (trên BĐ3: 0.60m);
- Sông Mã tại Lý Nhân ở mức 6.80m, dưới mức BĐ1: 2.70m; tại Giàng: 3.40 dưới mức BĐ1: 0.60m;
- Sông Cả tại Dừa ở mức 21.50 m, trên mức BĐ1: 1.00m; tại Nam Đàn ở mức 6.35m, trên BĐ1: 0.95m.
PV:Ông có nhận định như thế nào về cơn bão số 11 đang hình thành và mạnh dần lên hiện nay?
Ông Nguyễn Xuân Tiến: Sáng nay, bão Khanun đã vượt qua phía Bắc đảo Lu-dông (Philippines) và đi vào Biển Đông, cơn bão số 11.
Hồi 07 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 120,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển Tây Bắc đảo Lu-dông (Philippines), cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 880km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km và mạnh lên. Đến 07 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 117,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 540km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão; gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 13. Biển động rất mạnh. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 14,0 đến 21,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng15km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
P.V: Như vậy tình hình thời tiết khu vực Bắc Trung Bộ ngày và đêm nay (13/10) như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Tiến: Do chịu ảnh hưởng của luỡi áp cao lạnh lục địa tăng cường, kết hợp với rìa phía Bắc của Dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 13 – 15 độ vĩ bắc nên ở khu vực Trời nhiều mây. Có mưa, mưa rào và dông rải rác. Gió Đông đến Đông Bắc cấp 3, vùng ven biển có nơi cấp 4.
Cảnh báo: Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và sụt lún ven sông trên các sông Bắc Trung Bộ và ngập lụt sâu diện rộng tiếp tục diễn ra ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
P.V:Đây có phải là hình thái thời tiết bất thường? Trong quá khứ đã từng xảy ra hiện tượng thời tiết tương tự hay chưa?
Ông Nguyễn Xuân Tiến: Tháng 9, 10 là thời kỳ lũ chính vụ ở Bắc Trung Bộ, nên đợt mưa lũ này ở Nghệ An không có gì bất thường. Tuy nhiên, đợt mưa này lan rộng ra cả Bắc Bộ và Tây Bắc là ít thấy. Trong quá khứ đã có các trận lũ lớn xuất hiện vào thời kỳ này trên các sông ở Nghệ An như các năm: 1988, 2010, 2013.
PV: Ông có dự báo gì về các hiện tượng thời tiết trong thời gian tới?
Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ có nhiều tác động lớn tới Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng số lượng các cơn bão có cường độ lớn, gia tăng các hiện tượng KTTV (khí tượng thủy văn) khác như tố, lốc, mưa đá, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, ngập lụt, ngập úng, hạn hán, rét đậm rét hại…
Xin cảm ơn ông!
Việt Phương