Chiều 2/12, Bộ Y tế tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dịch hạch, trước nguy cơ dịch bệnh này có thể xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Cuộc họp có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành và một số tỉnh có cửa khẩu, cảng biển. Vấn đề được nhấn mạnh tại cuộc họp này là tăng cường kiểm soát chuột trên các tàu thủy vì qua những vụ dịch trước đây cho thấy, những ca bệnh dịch hạch đầu tiên ở Việt Nam là do chuột mang mầm bệnh từ các tàu thủy từ nước ngoài vào.
Tại cuộc họp, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ cuối tháng 8 đến nay, tại nước Madagascar đã ghi nhận khoảng 50 trường hợp tử vong do bệnh dịch hạch. Gần đây, nước Mỹ cũng phát hiện 4 bệnh nhân và Trung Quốc ghi nhận 1 trường hợp tử vong, có kết quả dương tính với dịch hạch. Trong khi đó, Trung Quốc có hơn 1.300km đường biên giới với Việt Nam vẫn đang tồn tại các ổ dịch hạch trên các loài động vật hoang dại trong thiên nhiên. Do vậy, dịch hạch thể phổi có thể từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam như dịch SARS năm 2003.
Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam từng ghi nhận 5 thời kỳ lưu hành bệnh dịch hạch, trong đó lần đầu tiên vào năm 1898 tại Nha Trang do tàu thuyền từ Hồng Kông (Trung Quốc) xâm nhập vào. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các hoạt động thương mại và du lịch diễn ra liên tục; chuột mang mầm bệnh có thể theo các phương tiện vận chuyển hàng hóa và du lịch như tàu biển, tàu hỏa, ô tô, máy bay xâm nhập và lây bệnh cho các loài gặm nhấm khác và lây sang người thông qua vật trung gian truyền bệnh là bọ chét.
Vì vậy, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ và các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải cần tăng cường kiểm soát, giám sát các nguồn lây bệnh từ nước ngoài vào. Đặc biệt hướng dẫn chi tiết về việc diệt chuột tại các cảng biển, bến tàu, hướng dẫn các tàu nước ngoài diệt chuột trước khi nhập cảnh và các tàu trong nước đi từ vùng có dịch hạch về Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần triển khai các biện pháp diệt chuột để loại trừ mầm bệnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Đối với phòng chống bệnh dịch hạch thì điều quan trọng là phải ngăn chặn không cho xâm nhập vào nước ta. Tôi đề nghị hệ thống giám sát cũng như các đơn vị, địa phương cần phải quan tâm ngăn chặn nguồn lây bệnh từ bên ngoài vào, nhất là những tỉnh có nguy cao xâm nhập dịch bệnh này như có cảng biển, sân bay như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng… và cả những địa phương có cửa khẩu đường bộ. Tôi đặc biệt lưu ý đối với các địa phương có cảng biển cần phải lưu tâm”.
Bệnh dịch hạch là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A, tối nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Trước đây có thể phòng bệnh dịch hạch bằng vắc xin vi khuẩn chết và vắc xin giảm độc lực, tuy nhiên hiệu lực vắc xin thấp, thời gian miễn dịch ngắn và không phòng được dịch hạch thể phổi, nên hiện nay không còn được sử dụng.
Vì vậy, việc phòng chống dịch hạch chủ yếu là giám sát vật chủ, véc tơ và vi sinh vật, phát hiện sớm bệnh nhân và điều trị kịp thời bệnh nhân mắc dịch hạch. Điều trị dự phòng với người tiếp xúc và có nguy cơ lây bệnh, đồng thời diệt chuột và diệt bọ chét./.
Theo VOV