163722-1.jpg

Tên lửa GSLV-F09 đang trên bệ phóng. Lần này tàu Chandrayaan-2 sẽ được đưa đi bằng tên lửa GSLV-F10 - Ảnh: ISRO

Dưới đây là một số sự kiện nổi bật theo trang BBC:

Ấn Độ thăm "chị Hằng"

Tàu Chandrayaan-2 (Ấn Độ), "hậu bối" của tàu thám hiểm mặt trăng Chandrayaan-1 năm 2008, lãnh trách nhiệm thám hiểm mặt trăng.

Trong khi "tiền bối" mới chỉ bay quanh mặt trăng, Chandrayaan-2 nhận nhiệm vụ đáp xuống bề mặt và tham quan nơi ở của "chị Hằng". Chiếc tàu được phát triển bởi Cơ quan không gian quốc gia Ấn Độ (ISRO) dựa trên con tàu cũ.

Tên lửa GSLV-F10 sẽ đưa chiến binh Chandrayaan-2 lên không gian từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Andhra có thể vào tháng 3 năm sau.

Kế hoạch chinh phục sao Hỏa của NASA - Ảnh: NASA

Rời Trái đất lên "hành tinh đỏ"

Vào tháng 5, NASA sẽ phóng tàu không gian InSight lên sao Hỏa dự kiến sẽ đến nơi vào tháng 11. InSight là viết tắt của cụm từ "Thám hiểm bên trong bằng phương pháp khảo sát địa chấn, đo đạc và vận chuyển nhiệt".

InSight sẽ sử dụng bộ thiết bị phức tạp để thăm dò độ sâu bên dưới bề mặt của "hành tinh đỏ" nhằm lý giải quá trình hình thành địa chất nơi đây.

InSight cũng sẽ lắng nghe những tín hiệu động đất trên sao Hỏa giúp cung cấp thêm thông tin về cấu trúc bên trong cho các nhà khoa học.

Tên lửa H-IIA được phóng lên năm 2014 mang theo tàu Hayabusa-2 - Ảnh: AP

Nhật, EU chinh phục thiên thạch

Vào tháng 7, tàu vũ trụ Hayabusa-2 thuộc Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) sẽ tiến đến thiên thạch tên 1162173 Ryugu.

Trước đó vào năm 2014 tàu không gian Hayabusa-2 phóng đi từ Trung tâm Không gian Tanegashima tại miền nam Nhật bằng tên lửa H-IIA.

Nhiệm vụ của tàu vũ trụ là thu thập các mẩu đất đá trên thiên thạch và quay về Trái đất dự kiến năm 2020.

"Tiền bối" Hayabusa-1 đã chụp được những khung hình ngoài sức tưởng tượng khi khám phá thiên thạch Itokawa. Mặc dù gặp một số rủi ro, Hayabusa-1 vẫn quay về Trái đất với những chiến lợi phẩm phong phú cho các nhà khoa học.

Các kĩ sư đã cải tiến Hayabusa-1 để tạo nên tàu không gian lần này với nhiệm vụ thu thập được nhiều dữ liệu hơn và có thể đưa nhiều robot mini lên bề mặt thiên thạch Ryugu.

Tàu vũ trụ Osiris-Rex của NASA được phóng vào năm 2016 - Nguồn: NASA

Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất thực hiện sứ mạng khám phá hành tinh nhỏ trong năm 2018. Tàu vũ trụ Osiris-Rex của NASA phóng năm 2016 sẽ tiếp cận thiên thạch Bennu vào tháng 8.

Thiên thạch Bennu được các nhà khoa học lựa chọn bởi bề mặt giàu carbon nhằm tìm hiểu thêm về sự hình thành hệ mặt trời.

Tàu OSIRIS-REx sẽ không hạ cánh mà sử dụng một thiết bị thăm dò giống chiếc vòi của con muỗi để lấy mẫu đất đá mang về Trái đất phân tích.

Tàu vũ trụ BepiColombo mang sứ mạng khám phá sao Thủy - Ảnh: ESA

Bắt tay khám phá sao Thủy

Cuối cùng, châu Âu và Nhật Bản sẽ thực hiện nhiệm vụ khám phá hành tinh đầu tiên của hệ mặt trời: sao Thủy.

Nhiệm vụ được thực hiện bởi nhiệm vụ tàu vũ trụ BepiColombo sẽ tìm kiếm những hiểu biết sâu rộng hơn về sao Thủy theo sau tàu Messenger của NASA.

Tàu có thiết kế khác thường khi chứa 2 tàu nhỏ - một của châu Âu và một của Nhật Bản.

Hai tàu này sẽ tách ra khỏi tàu mẹ khi đến sao Thủy và bay theo hai quỹ đạo khác nhau nhưng bổ sung cho nhau vòng quanh sao Thủy với nhiệm vụ bao gồm vẽ bản đồ chi tiết và khám phá từ trường của sao Thủy.

Tỉ phú Elon Musk tiết lộ mẫu tàu vũ trụ "khủng" trên Twitter - Ảnh: Twitter

Chạy đua hàng không vũ trụ tư nhân

2018 sẽ là năm công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk phóng một trong những tên lửa mạnh nhất từng được sản xuất trong dòng Falcon Heavy.

Vào tháng 12 vừa qua, Elon Musk đã công bố những bức ảnh về chiếc tàu khổng lồ này khi được kiểm tra ở trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida.

Một chiếc tàu dài 70m đã được thiết kế để có thể chở 57 tấn lên không gian cho phép SpaceX trở thành thị trường phóng tên lửa mới với mục tiêu đưa được phi hành gia lên quĩ đạo Trái đất.

Tuy nhiên, SpaceX và các hãng hàng không vũ trụ tư nhân khác rất có thể phải kéo dài sang năm 2019.

Tên lửa Soyuz hiện đảm nhiệm đưa phi hành gia của Mỹ lên trạm không gian quốc tế sau khi sứ mạng tàu con thoi của nước này chấm dứt - Ảnh: NASA

Hiện giờ, hãng SpaceX và Boeing đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phóng tàu không gian đầu tiên trên đất Mỹ kể từ khi tàu con thoi cuối cùng của NASA nghỉ hưu vào năm 2011. Kể từ đó Mỹ phải phụ thuộc vào tàu Soyuz của Nga để chuyển người lên ISS.

Cả 2 công ty lên kế hoạch cho chiến lược của mình: trước tiên thực hiện những chuyến bay thử nghiệm không người lái nhằm thu thập những thông tin kĩ thuật. Sau đó, họ dự định sẽ thử đưa phi hành gia bằng phương tiện của mình.

Do liên quan đến sinh mạng của các phi hành gia nên rất có thể tiến trình sẽ lùi lại.

Tuy nhiên bất cứ bước tiến nào của cả SpaceX và Boeing trong năm sau đều sẽ được ghi nhận và có thể bắt đầu mang lại những hợp đồng vận chuyển phi hành gia lên trạm không gian về sau.