(Baonghean) - Ngày 10/9/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký sắc lệnh số 27 về việc “lập ra một Sở Thuế quan và thuế gián thu” đặt nền móng đầu tiên cho sự ra đời, trưởng thành và phát triển của Ngành Thuế Việt Nam. Đáp ứng nguyện vọng của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức thuế, ngày 6/8/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 1370/QĐ-TTg lấy ngày 10/9 hàng năm là “Ngày truyền thống của ngành Thuế Việt Nam”. Ở Nghệ An, Cục Thuế mới được thành lập 25 năm, nhưng kế thừa và phát huy tốt truyền thống ngành Thuế Việt Nam, đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả...
Ngày đầu tiên khi mới giành được độc lập, ngân khố quốc gia do chính quyền phong kiến để lại chỉ có 1.250.000 đồng Đông dương, trong đó có đến 580.000 đồng tiền rách chờ tiêu hủy. Vận mệnh quốc gia như “ngàn cân treo sợi tóc”, Chính phủ lâm thời cách mạng đã bãi bỏ nhiều sắc thuế của chế độ cũ để giảm bớt khó khăn cho nhân dân; đồng thời để đảm bảo nhu cầu chi tiêu cho Nhà nước, phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, Chính phủ đã kêu gọi lòng tự hào dân tộc, tinh thần ái quốc của đồng bào, phát động nhiều phong trào động viên nguồn lực của nhân dân cho Ngân sách phục vụ cách mạng mà mãi lịch sử dân tộc còn ghi nhận như: “Quỹ Độc lập”, “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo nuôi quân”, “Công phiếu kháng chiến”, “Công trái quốc gia”… nhờ đó mà chính quyền cách mạng non trẻ vượt qua khó khăn về ngân sách để lãng đạo cách mạng thành công.
Hệ thống chính sách thuế Việt Nam được xây dựng và đã dần đồng bộ, hoàn thiện, phù hợp hơn với tình hình và định hướng phát triển của quốc gia, phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mở rộng; trở thành công cụ thúc đẩy nền kinh tế phát triển, ổn định chính trị, thực hiện công bằng xã hội và phân bổ hiệu quả các nguồn lực vì mục tiêu phát triển bền vững.
Trong 10 năm trở lại đây, hợp tác quốc tế về thuế với các nước và các tổ chức quốc tế và khu vực được triển khai ngày càng mạnh mẽ. Tính đến ngày 7/2015, Việt Nam đã ký kết được 72 Hiệp định Thuế với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó 60 Hiệp định đã có hiệu lực thi hành; Đã kết thúc đàm phán và hoàn thành các thủ tục cho việc ký kết chính thức 13 Hiệp định Thuế và Nghị định thư của Hiệp định thuế; Đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động hợp tác về thuế cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với các nước và các tổ chức quốc tế và khu vực như: Lào, Hàn Quốc, Cu Ba, IFC, OECD, SGATAR, JICA,... Thông qua việc tham gia các diễn đàn thuế do các tổ chức quốc tế tổ chức, ngành Thuế Việt Nam được học hỏi kinh nghiệm, hợp tác về các mặt, tiếp cận với những vấn đề mang tính chuẩn mực và thời đại trong xây dựng chính sách thuế cũng như quản lý thuế.
Đối với ngành thuế Nghệ An, được thành lập từ 21/8/1990 (bấy giờ là Cục Thuế Nghệ Tĩnh) trên cơ sở sáp nhập 3 tổ chức: Chi cục Thuế Công Thương nghiệp; Chi cục thu Quốc doanh; Chi cục Thuế Nông nghiệp. Và, ngành thuế Nghệ An chính thức thành lập từ ngày 27/8/1991 (sau khi tách tỉnh), theo Quyết định số 308 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Cục Thuế Nghệ An đến nay đã có 25 năm, ngành thuế đã nổ lực hết mình luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách được giao.
Tỉnh đánh giá rất cao vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương về lập dự toán thu ngân sách Nhà nước, về công tác quản lý thuế trên địa bàn; tổ chức thực hiện dự toán thu thuế hàng năm; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định của pháp luật của ngành Thuế Nghệ An. Nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, giải thích chính sách thuế của Nhà nước, hỗ trợ người nộp thuế cũng được ngành thực hiện tốt. Chính điều đó làm cho doanh nghiệp có điều kiện phát triển, nuôi dưỡng tốt nguồn thu và số thu ngân sách ngày càng được nâng lên.
Trong những năm gần đây, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đang nỗ lực phấn đấu và có những bước phát triển mạnh mẽ, tăng tốc, nhất là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Nghệ An đến 2020. Được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền các cấp, của hệ thống chính trị, tinh thần vượt khó khăn, thi đua làm giàu của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân tỉnh nhà, hình ảnh, diện mạo Nghệ An đã có sự đổi mới phát triển nhanh chóng, để lại những ấn tượng mới mẻ, tốt đẹp. Nghệ An đã có sân bay quốc tế, Cảng Cửa Lò đã đón được tàu 2,3 vạn tấn cập cảng, hệ thống cầu vượt, đường giao thông hiện đại đồng bộ; có trang trại bò sữa lớn nhất Đông Nam Á, Tập đoàn TH được xác nhận kỷ lục châu Á “Trang trại bò sữa tập trung lớn nhất” ứng dụng công nghệ cao, chỉ số PCI năm 2014 tăng 18 bậc so năm 2013 (thứ 46 lên thứ 28), thu hút đầu tư trong 2 năm qua đạt kết quả cao nhất với nhiều dự án lớn: 2 Nhà máy tôn Hoa Sen, Xi măng Sông Lam, Xi măng 12/9; Dự án Khu công nghiệp dịch vụ và đô thị VSIP Nghệ An; Nhà máy chế biến gỗ, Nhà máy thực phẩm Masan, Nhà máy chế biến hải sản Thái Lan Royal Foods, hệ thống khách sạn Mường Thanh - Sông Lam,... đã tạo làn sóng đầu tư vào Nghệ An với tốc độ cao. Đăng ký doanh nghiệp toàn tỉnh đến nay đạt 13.537 đơn vị, các chương trình đề án đang được triển khai quyết liệt, Nghệ An đã hình thành các trung tâm như tài chính ngân hàng, giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa thể thao Bắc Trung bộ... Toàn tỉnh đã có 77 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 51 xã đã có quyết định công nhận; cuối năm 2015 sẽ có 114 xã đạt nông thôn mới (chiếm 27%).
Thành tựu kinh tế đó cũng nhờ sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, nhân dân, có vai trò quan trọng của ngành Thuế tỉnh nhà, nhất là trong vấn đề “đồng hành cùng doanh nghiệp và người nộp thuế”. Đồng thời cũng quay trở lại phục vụ tốt hơn cho đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, từ đó thu hút được nguồn lực mới cho nguồn thu của tỉnh nhà trong nhiệm kỳ tới.
Trong 25 năm qua, đặc biệt là trong những năm gần đây, Cục Thuế Nghệ An luôn khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Từ năm 1991 đến năm 2015, Cục Thuế Nghệ An thu ngân sách luôn vượt dự toán được giao, số thu năm sau cao hơn năm trước với mức tăng trưởng bình quân gần 25%/năm. Nếu như năm 1991, số thu ngân sách nhà nước mới chỉ đạt 68,901 tỷ đồng, thì đến năm 2015, ngành Thuế cam kết cùng các ngành hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ với số thu 10.000 - 10.500 tỷ đồng. Ngành Thuế Nghệ An cũng đã quản lý tốt nguồn thu, thực hiện chống thất thu hiệu quả, có nhiều sáng kiến, đề án cải tiến công việc, ứng dụng cao vào việc thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt Cục Thuế Nghệ An dẫn đầu trong cả nước trong việc triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế điện tử. Gần 100% doanh nghiệp trên địa bàn đang hoạt động thực hiện khai thuế qua mạng và 92% doanh nghiệp đăng ký thành công dịch vụ nộp thuế điện tử. Cục Thuế Nghệ An đã và đang phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ, Chi cục Đo lường, chất lượng và cơ quan Quản lý thị trường để có biện pháp chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu có hiệu quả; phối hợp với Công an tỉnh trong Đề án chống khai man, gian lận trốn lậu thuế của các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu và chuyển giá như gỗ, xăng dầu,…
Ngành Thuế Nghệ An cũng thể hiện là tập thể kỷ luật, kỷ cương, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, đi đầu trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành; tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, tổ chức chính quyền đoàn thể vững mạnh, toàn diện, xây dựng đội ngũ các bộ thuế vừa hồng,vừa chuyên.
Thời gian tới, để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao, ngành Thuế Nghệ An cần tiếp tục tập trung cao độ vào cải cách hành chính, nhất là ở cấp cơ sở; siết chặt kỷ cương, kỷ luật; tăng cường đào tạo nâng cao trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, tạo sự vững mạnh trong toàn ngành; áp dụng công nghệ thông tin phục vụ tốt doanh nghiệp, doanh nhân, quản lý tốt các nguồn thu, giảm nợ đọng thuế. Đồng thời tham mưu hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền thu hút nguồn lực, tăng nhanh nguồn thu trên địa bàn.
H.Đ.P