(Baonghean) - Đẩy mạnh thu hút đầu tư để chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi hướng tập trung quy mô công nghiệp; chăn nuôi trang trại, gia trại, nông hộ... áp dụng kỹ thuật và công nghệ phù hợp, là hướng đi khá hiệu quả của lĩnh vực chăn nuôi trong thực hiện tái cơ cấu Ngành nông nghiệp trong 2 năm qua.
Hướng đi tất yếu
Đó cũng là định hướng của lĩnh vực chăn nuôi trong tái cơ cấu ngành, với mục đích chuyển dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân số cao đồng bằng đến nơi có mật độ dân số thấp ở trung du, miền núi; hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, khu dân cư; chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm trong đàn vật nuôi; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng; phát triển chăn nuôi gắn với vấn đề xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; tăng cường dịch vụ thú y; quy định chặt chẽ việc quản lý và sử dụng thuốc thú y; áp dụng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị; phát triển hệ thống lò giết mổ tập trung để quản lý dịch bệnh và kiểm soát giết mổ.Tập trung phát triển các sản phẩm chăn nuôi có lợi thế của tỉnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và chế biến, góp phần vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Bắt đầu chăn nuôi tập trung từ năm 2004, lúc đầu trang trại của gia đình anh Lê Quốc Tân, xóm 5 xã Hưng Tiến, Hưng Nguyên chỉ rộng 2 ha, được chăn nuôi tổng hợp cả lợn, gà vịt. Năm 2014, trước nhu cầu mở rộng quy mô, anh thuê thêm được 4 ha của các hộ dân trong xóm không có nhu cầu sản xuất, đồng thời 2 năm nay anh chuyển hẳn sang nuôi lợn thịt siêu nạc. Hiện tại, trang trại của anh thường xuyên có 200 - 300 con lợn, mỗi năm xuất bán khoảng 700 con, tương đương 70 tấn lợn thịt. Anh Tân chia sẻ: “Nuôi lợn tập trung có nhiều cái lợi và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Dù còn nhiều phụ thuộc vào những điều kiện khách quan như thời tiết, dịch bệnh, giá cả thị trường cả đầu ra và đầu vào, nhưng nếu tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, tiêm phòng đầy đủ, thức ăn lấy ở những địa chỉ tin cậy, chuồng trại thoáng mát sạch sẽ, lợn được cho ăn theo đúng nhu cầu từng giai đoạn... thì cơ bản đàn lợn phát triển thuận lợi, cho hiệu quả cao. Lượng sản phẩm tập trung nên việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn, chủ yếu là thương lái đến lấy tiêu thụ ở địa bàn TP Vinh. Hiện tôi đang xin phê duyệt dự án chăn nuôi 150 con lợn nái ngoại vì nhu cầu lợn giống trên thị trường hiện rất lớn. Ngoài ra sẽ phát triển quy mô lợn thịt lên khoảng 1.000 con. Hiện tại gia đình đang tập trung xây dựng chuồng trại, dự kiến khoảng tháng 4 năm sau thả lợn nái và tháng 10 có con giống bán ra thị trường“. Chủ trang trại Nguyễn Quang Đại ở xóm 7 Nam Xuân (Nam Đàn) cũng tập trung đầu tư lớn cho trang trại với tổng đàn lợn thịt có thời điểm hơn 300 con, ngoài ra còn tập trung đầu tư nguồn thức ăn thêm cho đàn gia súc tại trang trại. Theo anh Đại, làm trang trại lớn mới kết nối được với các đầu mối thức ăn và đầu ra cũng có cơ sở để cung ứng đủ lượng hơn khi có yêu cầu.
Hai năm 2014 - 2015, chăn nuôi Nghệ An được đánh giá có nhiều thành tựu đáng kể, tỷ trọng đạt 44,6%, tăng 3,38% so với năm 2013 và 8,52% so với năm 2012. Ông Lưu Công Hòa, Trưởng phòng Chăn nuôi - Sở NN&PTNT cho biết: “Những năm qua, chúng ta đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư doanh nghiệp để phát triển chăn nuôi theo hướng chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp. Các nội dung đề ra ở trong đề án tái cơ cấu của ngành đều đạt được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Trong 2 năm 2014 - 2015, chăn nuôi Nghệ An đã chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 44,6%. Tổng đàn chuyển dịch theo hướng duy trì, tăng tỷ trọng gia cầm trong đàn vật nuôi. Đàn trâu, bò, lợn toàn tỉnh ổn định, giảm nhẹ ở vùng đồng bằng và tăng nhẹ ở vùng miền núi; tổng đàn gia cầm cũng dần tăng so với những năm trước. Từ đó, tổng sản phẩm ngành chăn nuôi tiếp tục tăng. Nghệ An cũng đã tập trung phát triển các sản phẩm chăn nuôi có lợi thế của tỉnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và chế biến, góp phần vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đến nay, Trang trại bò sữa TH True milk đã có trên 30.000 con, Trang trại của Vinamilk có 3.000 con. Ngoài 2 doanh nghiệp lớn trên, còn có doanh nghiệp chăn nuôi bò thịt ở xã Nghi Lâm - Nghi Lộc có quy mô 7.500 con/năm; trang trại Tân Kỳ 4.500 con/năm; còn trang trại tại Quỳnh Lưu hiện đang khảo sát lập dự án. Hay các trang trại chăn nuôi lợn ngoại (liên kết với Công ty CP 9 trang trại lợn, 38 trang trại gà: liên kết với Công ty JAFA: 9 trang trại gà quy mô 5.000 - 8.000 con); Trang trại lợn Thái Dương 5.000 con... Đồng thời, thực hiện việc giao đất, cho thuê đất lâu dài, ưu tiên về thuế hoặc miễn tiền sử dụng đất đối với cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất, kinh doanh giống. Công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi cũng được tăng cường. Nghệ An cũng đã ban hành các quyết định quản lý nhà nước về giống gia súc; thức ăn chăn nuôi phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh. Triển khai công tác quản lý lợn đực giống, quản lý thức ăn chăn nuôi; các chính sách về hỗ trợ chăn nuôi.
Theo ông Vi Lưu Bình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, điều rất đáng ghi nhận là chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ lẻ đã giảm 30-35%, trong đó giảm nhiều nhất là nông hộ chăn nuôi lợn; chuyển dần hình thức chăn nuôi gia trại ra khỏi vùng dân cư, phổ biến nhất là hình thức gia trại ao - chuồng tại các huyện Nghi Lộc, Yên Thành, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương... và chăn nuôi theo mô hình VietGAP (thuộc Dự án Lifsap).
Toàn tỉnh có 457 trang trại chăn nuôi, chiếm 16,5% tổng trang trại cả tỉnh, trong đó có 121 trang trại đạt tiêu chí gồm 54 trang trại chăn nuôi lợn, 32 trang trại chăn nuôi gà vịt, 41 trang trại chăn nuôi tổng hợp. Đặc biệt, đã hình thành các chuỗi liên kết trong chăn nuôi lợn, gia cầm theo hình thức gia công (trang trại CP, Japfa); Liên kết đầu tư thu mua sản phẩm trong chăn nuôi lợn (trang trại Thái Dương, Yên Thành); Hiệp đồng cung cấp con giống, tiêu thụ sản phẩm sữa (Vinamilk). Thành lập các tổ hợp tác nhóm GAHP, HTX chăn nuôi (dự án Lifsap).
Việc tổ chức triển khai các quy định pháp quy về quản lý giống vật nuôi phù hợp điều kiện chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng. Nghệ An đã ban hành kế hoạch triển khai quản lý lợn đực giống trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời tiếp tục triển khai các chương trình cải tạo giống trâu, bò. Thực hiện truyền tinh nhân tạo cải tiến giống bò theo hướng Zêbu hóa... Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thức ăn chăn nuôi nhằm đảm bảo nguồn thức ăn chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển đàn cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, thông qua các chính sách, chương trình, dự án, các mô hình khuyến nông đã được triển khai khá đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ứng dụng công nghệ cao
Nhìn lại, Nghệ An đã tập trung khai thác tiềm năng và tận dụng lợi thế chăn nuôi vùng miền, xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh chăn nuôi quy mô vừa và lớn theo hình thức trang trại, gia trại và khu chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao về bò sữa, bò thịt chất lượng cao...; đồng thời duy trì quy mô và phương thức sản xuất nông hộ, đa dạng phù hợp với điều kiện vùng miền, với nhóm sản phẩm nội địa nhưng có khả năng cạnh tranh trung bình như sản phẩm chăn nuôi lợn, gia cầm... Do đó, ngành chăn nuôi đã đạt được những thành quả đáng khích lệ: các chỉ tiêu về tổng sản phẩm, giá trị thu nhập chăn nuôi tăng và đạt kế hoạch/năm; tổng đàn gia súc ổn định, đàn gia cầm tăng, các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng chuyển giao ngày càng rộng rãi trong sản xuất đạt chất lượng và hiệu quả cao.
Nghệ An phấn đấu đến năm 2020 đạt tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 30.000 tấn; tập trung phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao ở những vùng đủ điều kiện và tiếp tục phát triển các trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 đạt 147 nghìn con (90 nghìn con cho sữa), sản lượng sữa 850 nghìn tấn. Phát triển chăn nuôi lợn chất lượng cao để nâng cao giá trị gia tăng, tập trung phát triển nâng cao chất lượng đàn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và đực giống tốt để phối trực tiếp, phấn đấu sản lượng thịt hơi xuất chuồng đến năm 2020 đạt 180 nghìn tấn; sản lượng thịt hơi gia cầm xuất chuồng đến năm 2020 đạt 45 nghìn tấn. Đồng thời, tập trung chỉ đạo phát triển cây thức ăn phục vụ chăn nuôi, phấn đấu năm 2015 diện tích trồng cây thức ăn tập trung (ngô, cỏ) đạt 20 nghìn ha và 40 nghìn ha vào năm 2020.
Để đạt mục tiêu đó, Nghệ An xác định tiếp tục nghiên cứu phát triển và ứng dụng quy trình chăn nuôi lợn, gà theo tiêu chuẩn VietGAP. Phát triển chăn nuôi bò thịt theo quy mô trang trại tập trung, hiện đại từ khâu giống, sản xuất, chế biến thức ăn, chăm sóc, giết mổ. Phát triển các trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp, từng bước mở rộng chăn nuôi bò hộ gia đình theo mô hình liên kết với các doanh nghiệp thu mua chế biến sữa. Ứng dụng công nghệ cao vào phát triển chăn nuôi, kiểm soát và chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học, sử dụng men vi sinh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường,...
(Còn nữa)
Phú Hương