NGÀNH THANH TRA HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình dịch Covid-19, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ trên từng lĩnh vực công tác để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương.
Công tác thanh tra được chú trọng triển khai, bám sát chương trình kế hoạch và thanh tra đột xuất, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm. Kết quả công tác thanh tra tiếp tục đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và góp phần tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt; chú trọng công tác tiếp công dân thường xuyên và định kỳ, tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; qua đó, tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm, góp phần quan trọng trong việc củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai quyết liệt, gắn với việc thực hiện nhiều nhiệm vụ mới theo Luật Phòng, chống tham nhũng và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được thúc đẩy mạnh mẽ và đạt kết quả tốt. Công tác xây dựng ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra tiếp tục được quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao và đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, liêm chính.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như còn có cuộc thanh tra triển khai chậm, kéo dài thời gian báo cáo và kết luận thanh tra; tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm nhưng vẫn phức tạp; tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả, cơ cấu tổ chức và chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra còn bất cập…
KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, ĐỔI MỚI LINH HOẠT, SÁNG TẠO
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong năm 2021, bám sát chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản, chương trình, kế hoạch để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các nội dung liên quan đến công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Về công tác tiếp công dân, toàn tỉnh đã tiếp 6.354 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh (tăng 9,3% so với cùng kỳ); tiếp nhận 8.722 đơn (giảm 0,4% so với cùng kỳ), số vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh trong kỳ là 316 vụ việc (giảm 15,5% so với cùng kỳ).
Về công tác thanh tra, trong bối cảnh toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, Thanh tra Nghệ An đã có sáng tạo trong việc khai thác hồ sơ thanh tra, thay vì phải xuống trực tiếp tại đơn vị thanh tra như trước đây. Toàn ngành đã triển khai 294 cuộc thanh tra hành chính, 1.037 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và 104 cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ tướng các cấp, các ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng gắn với thanh tra công vụ...
Cùng đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể đã đề cao trách nhiệm, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân…
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cũng nêu các kiến nghị gửi đến Chính phủ, Thanh tra Chính phủ: sớm hoàn thiện và tham mưu trình Quốc hội thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã bộc lộ qua thực tiễn thực hiện Luật Thanh tra 2010; có văn bản hướng dẫn, định hướng xây dựng kế hoạch xác minh tài sản thu nhập để thực hiện thống nhất, kịp thời theo đúng quy định tại Nghị định số 130/2020/NĐ-CP; tiếp tục hoàn thiện thể chế về xử lý sau thanh tra, có quy định rõ về các chế tài bắt buộc thực hiện, có quy định để theo dõi hoặc xử lý đối với những khoản thu hồi không thể thực hiện được do đối tượng thanh tra đã dừng hoạt động, phá sản hoặc chết…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái biểu dương, đánh giá cao những kết quả tích cực mà ngành Thanh tra đã đạt được trong năm 2021 trong các lĩnh vực công tác, đồng thời đề nghị ngành tiếp tục làm rõ những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra, tìm hướng khắc phục trong thời gian tới.
Đối với năm 2022, dự báo tình hình bên cạnh những thuận lợi nhất định vẫn còn rất nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Thanh tra bám sát các chủ trương của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các Nghị quyết 01, 02, 127, 128, chương trình phục hồi kinh tế,… để triển khai nhiệm vụ, thực hiện thắng lợi định hướng nhiệm vụ đã được Thủ tướng phê duyệt. Cần chọn nội dung công việc có nhiều dư luận, có nhiều phản ánh, để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định của pháp luật. Giải quyết những vướng mắc trong kết luận thanh tra, chú trọng thanh tra trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, bất động sản…
Với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng chí Lê Minh Khái yêu cầu rà soát lại để giải quyết dứt điểm những vụ việc tồn đọng, không để trở thành phức tạp, kéo dài… Về công tác phòng, chống tham nhũng, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý về kiểm soát tài sản, thu nhập. Về công tác xây dựng thể chế và xây dựng ngành, Phó Thủ tướng đề nghị cần quan tâm hoàn thiện Luật Thanh tra (sửa đổi) với chất lượng cao nhất, đồng thời hết sức lưu ý trau dồi đạo đức nghề nghiệp, bên cạnh bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thanh tra.
Hội nghị cũng công bố các quyết định khen thưởng và trao thưởng cho các đơn vị đạt thành tích cao năm 2021./.