Đối với Nghệ An, hơn 40 doanh nghiệp đang hoạt động xuất, nhập khẩu với thị trường các nước EU và hơn 150 doanh nghiệp xuất khẩu khác sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Đáng lưu ý, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, hoa quả chế biến, sản phẩm gỗ các loại có lợi thế hơn cả do bên cạnh xóa bỏ thuế nhập khẩu, các doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp các nước đang được hưởng ưu đãi thuế quan từ EU.
Hàng dệt may cũng đang có chiều hướng giảm so với cùng kỳ. Dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh góp phần tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho người lao động.
Trên địa bàn tỉnh có 20 dự án may đã đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 25.000 lao động chủ yếu ở nông thôn. Có 10 dự án hiện đang tiến hành thực hiện các thủ tục đầu tư để sớm đưa dự án đi vào sản xuất. Tuy nhiên, tác động của dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp may mặc đang chịu những ảnh hưởng nhất định do phần lớn nguồn nguyên, phụ liệu đầu vào và một số thiết bị của các dự án đang triển khai đầu tư chậm so với tiến độ.
Thực tế, sản phẩm dệt may của chúng ta chủ yếu là gia công xuất khẩu, giá trị gia tăng thấp, công nghiệp hỗ trợ cho ngành như sản xuất nguyên, phụ liệu, thiết bị, đào tạo nghề, thiết kế... phát triển chưa cao, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Đông, châu Phi.
Tiềm năng xuất khẩu hàng dệt may của các doanh nghiệp Nghệ An sang EU là rất lớn. Hiệp định EVFTA có hiệu lực, theo đó EU sẽ cắt giảm ngay về 0% đối với 42,5% số dòng thuế, còn lại sẽ giảm dần về 0% từ 5-7 năm. Như vậy, hàng dệt may Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh lớn hơn hoặc bằng so với các đối thủ cạnh tranh đó là Trung Quốc, Campuchia, Banglades.
Tuy nhiên, công tác xúc tiến thương mại vào thị trường EU mặc dù đã được UBND tỉnh quan tâm, song đây là khu vực thị trường rộng lớn, các tiêu chuẩn đặc thù kỹ thuật về công nghiệp và nông nghiệp rất khắt khe khiến nhiều sản phẩm hiện không đáp ứng được hoặc nhà sản xuất bị gia tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh về giá cả và dịch vụ đi kèm.
Ngoài ra, do tác động của dịch bệnh nên nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn đang lao đao, nguy cơ một số doanh nghiệp không tồn tại được cho đến khi hưởng lợi từ EVFTA. Vì thế, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần nắm lấy cơ hội, tận dụng lợi thế khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do để tăng năng lực sản xuất hàng xuất khẩu, đồng thời đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa. Tập trung phát triển mạnh các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên, phụ liệu, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm.
Đặc biệt, để được miễn thuế, dệt may phải đáp ứng quy tắc xuất xứ yêu cầu 2 công đoạn từ vải trở đi. Đó là, vải nguyên liệu được dùng để may quần áo xuất sang EU phải được dệt tại Việt Nam hoặc tại các nước thành viên EU, hoặc các nước đã có FTA với EU, nhưng vải sản xuất trong nước mới đủ đáp ứng 25-30% nhu cầu. Vì thế, để tận dụng được lợi thế về thuế quan, ngoài việc doanh nghiệp dệt may cần chuẩn bị sẵn sàng, đầu tư bài bản từ nhà xưởng, máy móc công nghệ cũng như nguồn nguyên, phụ liệu để nắm bắt cơ hội từ EVFTA, thì việc đầu tư công nghiệp dệt nhuộm là hết sức cần thiết.
Để đẩy mạnh xuất khẩu dệt may của Nghệ An sang EU, tăng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An, hiện nay ngành Công Thương đang xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó, xây dựng nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, địa phương. Về phía các doanh nghiệp cần nắm rõ quy tắc xuất xứ hàng hóa sang thị trường, quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm theo phân khúc cao cấp để tham gia chuỗi cung ứng của EU... Chúng tôi cũng mong các bộ, ngành, tỉnh quan tâm quy hoạch KCN dành cho các doanh nghiệp ngành dệt nhuộm làm nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may để đảm bảo tiêu chí xuất xứ; Quan tâm công tác xúc tiến xuất khẩu, kết nối cung - cầu cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tại thị trường EU.