(Baonghean) - Xuất khẩu lao động đã và đang có tác động tích cực đem lại việc làm và thu nhập đáng kể cho người lao động, góp phần ổn định và phát triển kinh tế ở địa phương. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay đó là tình trạng đưa người di cư trái phép ra nước ngoài, trong đó có Úc…
Nhiều rủi ro
Mất một khoản tiền lớn với mơ ước đổi đời ở xứ sở chuột túi nhưng cuối cùng, điều mà những người dân vượt biên trái phép nhận được lại là nỗi lo lắng, sợ hãi và những thiệt hại cả về của cải lẫn tính mạng. Câu chuyện của chị N.T.H và một số nạn nhân khác mà chúng tôi được nghe kể tại buổi truyền thông tại phường Nghi Hòa (Thị xã Cửa Lò) là một ví dụ điển hình. Bản thân chị H chỉ ở nhà nội trợ, cuộc sống vất vả, nghe theo lời dụ dỗ của một số đối tượng, chị đã cắn răng vay gần 200 triệu đồng đề “lo lót” cho chuyến vượt biên sang Úc. Hành trình trên biển hết sức khổ cực. Càng không may, đến Úc, chị bị công an của nước sở tại bắt và bị áp giải về nước.
Ở phường Nghi Hòa hiện có 13 người đang làm việc tại Úc, trong đó có một số người đi theo con đường du học, một số khác vượt biên trái phép và hiện có 3 người bị trục xuất về nước. Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Nghi Hòa, cho biết: Việc người dân muốn được sang Úc làm việc là nhu cầu chính đáng, bởi đây là thị trường lao động dễ kiếm việc làm, thu nhập cao và đời sống khá ổn định. Chỉ có điều vì nhận thức còn nhiều hạn chế, thiếu thông tin nên họ dễ bị lợi dụng trở thành nạn nhân cho cò mồi lôi kéo hòng thu lợi bất chính.
Theo tìm hiểu, để nhập cư trái phép sang Úc người dân đi theo bằng ba con đường chính. Thứ nhất là vượt biên bằng thuyền và đi thẳng sang Úc. Thứ 2 đi thuyền đến Indonesia sau đó tiếp tục hành trình. Ngoài ra, họ còn đi bằng đường hàng không theo con đường du lịch và sau khi sang đến nơi sẽ trốn và ra ngoài sống chui lủi. Trong các hình thức này, việc vượt biên bằng thuyền là nguy hiểm nhất bởi quá trình di chuyển dài, tàu chở người có thể không đảm bảo đủ yêu cầu và rất dễ bị đắm. Hơn nữa, có thể gặp cướp biển hoặc có thể bị các lực lượng chức năng phát hiện. Trao đổi về vấn đề này, ông David Edwards, Bí thư thứ nhất, Bảo vệ chính trục trong nhập cư – Đại sứ quán Úc cảnh báo rằng: Đây là một hành trình rất nguy hiểm và hầu hết người đứng ra tổ chức hành trình không quan tâm về sự an toàn của hành khách trên những chuyến đi này. Trong quá trình trốn sang Úc thì số người này gặp rất nhiều rủi ro, nguy hiểm và hậu quả tiêu cực, không chỉ mất số tiền lớn cho các đối tượng đưa người di cư trái phép, họ còn bị bỏ đói nhiều ngày, bị đánh, bị bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục thậm chí mất mạng.
Rất nhiều người liều mình trên hành trình sang Úc đã tin lời của những kẻ tổ chức, đưa người trái phép qua biên giới rằng họ sẽ được chào đón tại Úc, được tạo việc làm, cấp nhà và được đi học. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết số người bị lôi kéo, lừa gạt xuất cảnh sang Úc trái phép đều bị các cơ quan chức năng của Úc phát hiện, bắt giữ, điều tra và trao trả về Việt Nam.
Theo thống kê của chính phủ Úc, từ năm 2009 đến 2013, có hơn 52.000 người đã đến Úc trái phép bằng tàu thuyền, trong đó có hơn 1.000 người từ Việt Nam. Trong đó, có khoảng 1.200 người đã thiệt mạng trên biển. Chỉ tính riêng trong tháng 4/2015, đã có 46 người Việt Nam tìm cách đến Úc trái phép bằng thuyền bị lực lượng chức năng Úc phát hiện và bị gửi trả về nước. Trong đó, Nghệ An là tỉnh có người dân di cư trái phép sang Úc đông nhất, chiếm tới gần 90% số người hỗ trợ trở về nước.
Từ năm 2010 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An đã khởi tố, điều tra, xét xử 42 vụ/83 bị can, trong đó có 6 vụ/10 bị can tổ chức hơn 70 công dân xuất cảnh trái phép sang Úc. Điển hình như vụ Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Văn Sơn, trú tại phường Nghi Tân (Thị xã Cửa Lò) vào năm 2011. Ngoài ra, phối hợp với Công an Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh điều tra, xử lý hàng chục vụ án khác về hoạt động tổ chức trốn cho gần 300 người sang Úc. Nổi bật như vụ án Hoàng Văn Ân, sinh năm 1956, trú tại xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc cùng đồng bọn tổ chức cho 21 người lao động sang Úc; vụ Bùi Văn Thuận, sinh năm 1954, trú tại xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc cùng đồng bọn tổ chức 11 người lao động từ Việt Nam sang Indonesia dùng thuyền vượt biển sang Úc; vụ án Đặng Hữu Bé, sinh năm 1976, trú tại Thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc cùng đồng bọn tổ chức cho khoảng 15 người Việt Nam xuất cảnh trái phép theo con đường du lịch sang Lào rồi sang Indonesia, từ đó sang Úc bằng đường biển. Hậu quả tác hại của hoạt động này đã gây hệ lụy rất lớn về kinh tế, an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước và quan hệ đối ngoại. Bởi vì, hiện nay hầu hết chính phủ các nước, trong đó có Anh, Úc, Canada... đang áp dụng các biện pháp cứng rắn để bảo vệ biên giới lãnh thổ và phòng chống đưa người di cư trái phép. Tất cả các trường hợp di cư trái phép không có visa sẽ không bao giờ được phép định cư, bất kể là ai và vì lý do gì.
Đẩy mạnh truyền thông
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương hết sức quan tâm và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Chính phủ các nước và cơ quan, ban ngành, các lực lượng có liên quan trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình di cư bất hợp pháp; triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, giải pháp để phát triển, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội; xóa đói nghèo... Đồng thời, tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động đưa người di cư, xuất cảnh trái phép; siết chặt công tác quản lý tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, vùng biển; chú trọng việc giám sát, quản lý hành chính trên từng địa bàn. Việc đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền cũng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giúp người dân có nhận thức rõ ràng và sâu sắc hơn về những hiểm nguy của những chuyến vượt biên trái phép sang Úc. Đại tá Trần Hải Bình, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng (BĐBP tỉnh) cho biết: Hiện nay, với sự hỗ trợ của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Chính phủ các nước có liên quan, nhất là Đại sứ quán Úc, Canada tại Việt Nam, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã và đang triển khai có hiệu quả các chiến dịch truyền thông tại cộng đồng. Tập trung đi sâu truyền thông tại cộng đồng khu dân cư, các bến bãi tàu thuyền, nhất là những địa bàn, những người dân có tiềm năng di cư trái phép với nhiều hình thức như áp phích, tờ rơi, báo chí, tư vấn trực tiếp, sân khấu hóa, bản tin đọc trên loa đài địa phương gắn với các văn bản pháp luật, cung cấp tài liệu liên quan đến việc di cư ra nước ngoài, xuất khẩu lao động...
Với những biện pháp cứng rắn từ phía Úc và pháp luật của Việt Nam hiện hành, người di cư trái phép sang Úc sẽ không được nhập cư dưới bất cứ một hình thức nào. Chính vì vậy, người dân cần biết để không bị rơi vào bẫy của những kẻ chuyên cò mồi, môi giới đưa người di cư, nhập cảnh trái phép ra ngước ngoài để rồi tiền mất, tật mang.
Khánh Ly - Mỹ Hà