(Baonghean) - Cán bộ quản giáo trại tạm giam làm việc trong một môi trường đặc thù “không giống ai”. Chuyện mà Đại úy Nguyễn Thị Liên, có thâm niên 28 năm liên tục làm cán bộ quản giáo nhớ mãi. Hồi đó, mới 20 tuổi, vào nhận nhiệm vụ tại trại tạm giam, chị rất băn khoăn, bởi “có ông tóc hoa râm còn đeo hàm thượng sỹ?”, tìm hiểu mới biết, hóa ra ông này bị "kỷ luật liên đới", "kỷ luật trách nhiệm". Ông tủm tỉm với cô lính mới: “Thế mới là... quản giáo. Để "phạm" đánh nhau, "phạm" tự tử hay trốn thì coi như quản giáo "toi" công phấn đấu cả niên hạn lương. Chưa bị ra khỏi ngành là còn may!”.
Chẳng biết có phải gặp may hay không, nhưng gần 30 năm, kể từ ngày đó, chị Liên hiếm khi gặp "rủi". Theo như chị và các nữ cán bộ quản giáo ở đây thì chẳng có "bí quyết" gì. Điều quan trọng là mình coi can phạm như người thân, cần phải được trợ giúp. Ví như chuyện về can phạm Nguyễn Thị Hương cách đây vài ba năm. Hương người Vinh, bị bắt quả tang khi đang vận chuyển 3 bánh heroin. Người đàn bà này còn lôi kéo cô con gái đầu khá xinh, đang học một trường đại học ở Hà Nội vào chuyến "hàng" đó. Hai mẹ con thị phải vào trại. Những ngày đầu mẹ con thị Hương hoảng loạn ghê gớm bởi lượng ma túy mang trong người khi bị bắt lớn gấp 7 lần mức án tử hình theo quy định của pháp luật.
Đại úy Liên, nữ Trung úy Thu cùng mấy chị trong tổ quản giáo tâm sự, động viên nên hai mẹ con họ tinh thần dần ổn định, khai báo thành khẩn. Từ đó cơ quan điều tra đã bóc gỡ cả một đường dây ma túy lớn từ nước ngoài về Nghệ An. Sau khi mẹ nhận án chung thân, con được tòa tuyên hết hạn giam; từ phiên tòa về trại, thị Hương ôm lấy Đại úy Liên và từng nữ cán bộ quản giáo mà nức nở. Thị mừng đến phát khóc. Với thị, đó là một hồng phúc. Nếu không có sự động viên của các chị quản giáo chắc thị đã tìm cách tự sát.
Với trường hợp Hồ Thị Bích Khương (43 tuổi, trú ở Nam Đàn) lại khác. Từ bức xúc về chuyện đất đai ở quê, Khương ra Hà Nội khiếu kiện. Tại đây, thị bị bọn xấu kích động rồi lôi kéo vào con đường chống phá nhà nước. Được bọn xấu tôn vinh thị là từ "dân oan" đến "nhà đấu tranh dân chủ" rồi tung hô là “nữ văn sỹ” thị càng hợm hĩnh. Thị cứ ngỡ mình là "văn sỹ" thật, tưởng là "quốc tế" ủng hộ mình thật nên thị càng hàm hồ. Động một tý là thị hò hét, chửi rủa với những từ thô tục. Biết đây là "nhân vật" phức tạp có chứng hoang tưởng chính trị, Đại úy Liên tìm cách tiếp cận, tỉ tê to nhỏ. Và cũng chẳng biết bằng cách nào mà người nữ đại úy ấy khiến cho "văn sỹ" Khương ngày càng nhu mì hơn. Hễ gặp cán bộ là thưa gửi đàng hoàng thay cho “con này, con kia” như trước.
Thực ra chuyện can phạm, nhất là những trường hợp mới vào trại và số tử tù xúc phạm cán bộ quản giáo không hiếm. Nhất là số tử tù, tính khí rất phức tạp, quái dị. Riêng với nữ tử tù, vũ khí của họ là "chửi". Bất cứ cái gì họ nhớ được đều đem ra mà gào cho hả dạ. Tử tù Nguyễn Thị B vốn là giáo viên ở miền núi, một mắt xích quan trọng trong 1 đường dây ma túy lớn bị bắt hồi năm 2013. Nằm buồng biệt giam, mấy ngày đầu B. la hét chửi rủa gần như không ngưng nghỉ; rồi cười đấy nhưng khóc đấy. Có lúc lại như mê sảng... Chị em trong tổ cán bộ quản giáo phải xúm vào làm "công tác tư tưởng", rồi nhờ cả những nữ phạm nhân khác mỗi người một câu "cảm thông". Bây giờ thì chị ta không những không "vi phạm kỷ luật" nữa mà còn được quản giáo thưởng thêm dăm mười phút ra thềm thể dục, giải lao.
Can phạm thì đủ thành phần ngoài xã hội: từ lang thang vô nghề nghiệp đến cán bộ, công chức, viên chức biến chất; từ giám đốc công ty đến chủ quán giải khát. Người đã thành án, kể cả án tử hình; kẻ đang bị tạm giam chờ điều tra. Tội lỗi cũng đủ hành vi, từ mại dâm cho đến cướp của, giết người; từ lừa đảo cho đến tham ô... Khó khăn nhất của quản giáo trại giam, nhất là quản giáo nữ là phải tiếp xúc với số can phạm nhân bị nhiễm HIV giai đoạn cuối. Phần lớn số đối tượng này biết mình mắc căn bệnh vô phương cứu chữa, nên thường tỏ ra bất cần, tuyệt vọng. Họ thường dựa vào bệnh để đòi yêu sách này nọ. Ðối với đối tượng này, ai tiếp xúc cũng đều thấy ngại. Nhưng với các nữ quản giáo, thực hiện phong trào: “Văn hóa, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, mọi người đã chủ động tự bảo vệ mình, vừa gần gũi, động viên, giúp các can phạm chữa bệnh, vừa trực tiếp cùng cán bộ y tế điều trị, chăm sóc, giúp họ chữa bệnh và cắt cơn nghiện...
Bài, ảnh: Lê Thạch Vĩnh