(Baonghean.vn) - Làm gốm là nghề truyền thống từ lâu đời gắn bó với đời sống sản xuất nông nghiệp của người dân xã Trù Sơn của huyện Đô Lương. Trước sự cạnh tranh của nhiều dòng sản phẩm làm từ nhôm, đồng... sản phẩm gốm cổ Làng Trù vẫn có sức hấp dẫn riêng.
Làng Trù Sơn cách thị trấn Đô Lương chừng 20 km về phía đông nam. Đây là nơi hiếm hoi còn làm ra các loại nồi bằng đất ở xứ Nghệ. Vì thế, ngoài tên Trù Sơn, nơi đây còn được gọi là làng "Nồi đất". (Ảnh: Sách Nguyễn). Để có sản phẩm ưng ý, người làm nghề phải vượt cả quãng đường dài tới các huyện khác như Nghi Lộc hoặc lên tận Yên Thành để lấy đất. Tất cả các công đoạn để làm nồi đều đang hoàn toàn thủ công. và chủ yếu do người phụ nữ trong gia đình thực hiện. Nghề cũng chỉ được truyền cho con gái hoặc con dâu; còn đàn ông chỉ giữ nhiệm vụ vận chuyển đất sét và đem nồi ra chợ bán. (Ảnh: Sách Nguyễn). Đất sau khi lấy về được những người thợ nhồi kỹ cho lên bàn xoay để tạo ra hình dáng ban đầu của những chiếc nồi, ấm siêu. (Ảnh: Sách Nguyễn) Ngoài bàn xoay, công cụ làm ra sản phẩm còn có vài miếng giẻ nhỏ và những khoanh nứa mỏng để tạo dáng và làm nhẵn. (Ảnh: Lương Mai). Cung đoạn đầu tiên là làm vỏ chay, phơi nắng 30 phút- 1 tiếng, sau đó vào lau thơm lần 2, phơi nắng 30 phút và cung đoạn cuối là gọt lau trơn lần 3. Cuối cùng sẽ đưa vào lò nung. Một mẻ nung, khoảng 250 - 300 chiếc được xếp vào trong lò hình tam giác xây bằng đá ong, bên ngoài phủ một lớp rơm để giữ nhiệt. Gốm được đun bằng lá thông từ 4 đến 5 tiếng liên tục sẽ hoàn thành. (Ảnh: Sách Nguyễn). Để có mẻ gốm đạt chất lượng khâu quan trọng nhất là nung gốm, muốn gốm "chín" đều người thợ phải biết cách xem lửa và dừng đúng lúc. (Ảnh: Sách Nguyễn). Mỗi một sản phẩm được hình thành gửi gắm biết bao tấm huyết, niềm đam mê và cũng đầy hy vọng của bà con làng nồi đất nơi đây. Sản phẩm làng nồi đất Trù Sơn hội tụ vẻ đẹp và chất lượng hiếm có. (Ảnh: Lương Mai). Mấy năm gần đây, trước sự cạnh tranh của nồi nhôm, đồng, quy mô các hộ làm nghề có giảm song theo đánh giá của các ban ngành có liên quan thì sản phẩm làng nồi đất Trù Sơn vẫn được giữ vững. Với giá cả ổn định 15 - 20 ngàn đồng/sản phẩm, thị trường của làng nồi đã vươn ra ngoại tỉnh như Hà Tĩnh, Hà Nội, các tỉnh phía bắc... Đặc biệt nhiều đoàn tham quan người nước ngoài đã tìm về đến đây để học tập. (Ảnh: Lương Mai). Để làng nồi đất được tiếp tục phát triển và khẳng định thương hiệu, góp phần tao việc làm cho lao động, bà con nhân dân nơi đây rất mong nhận được sự quan tâm thiết thực và sự đầu tư có định hướng lâu dài. (Ảnh: Lương Mai).
Lương Mai - Sách Nguyễn