(Baonghean) - Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn dịch, viêm mạn tính tổ chức liên kết màng hoạt dịch, tổn thương chủ yếu ở khớp ngoại vi, bệnh tiến triển từ từ, dẫn đến teo cơ biến dạng dính và cứng khớp. Tại Bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An, bệnh viêm khớp dạng thấp được điều trị rất hiệu quả.
Ở Việt Nam, Hội nghị toàn quốc lần thứ 2 về các bệnh thấp khớp học tại Đà Lạt tháng 3/1996 đã thống nhất tên gọi viêm khớp dạng thấp trong toàn quốc và được sử dụng chính thức trong giảng dạy tại các trường đại học y khoa. Bệnh chiếm từ 0,5 - 3% dân số, ở Việt Nam tỷ lệ chung trong nhân dân là 0,5%, chiếm 20% số bệnh nhân mắc bệnh khớp điều trị ở bệnh viện. Bệnh gặp chủ yếu ở phụ nữ chiếm 70 - 80% và 70% số bệnh nhân mắc bệnh ở tuổi trung niên. Một số trường hợp mang tính chất gia đình.
Cho đến nay, nguyên nhân của bệnh viêm khớp dạng thấp còn chưa được biết rõ. Người ta coi viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn dịch với sự tham gia của nhiều yếu tố; gồm: Yếu tố tác nhân gây bệnh: có thể là một loại vi rút epstein-barr khu trú ở tế bào lympho, chúng có khả năng làm rối loạn quá trình tổng hợp globulin miễn dịch; Yếu tố cơ địa: bệnh có liên quan đến giới tính và tuổi; Yếu tố di truyền: ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có 60-70% bệnh nhân mang kháng nguyên này.
Bệnh thường khởi phát sau một yếu tố thuận lợi như: nhiễm khuẩn cấp tính, bán cấp tính, chấn thương, mổ xẻ, cảm lạnh, căng thẳng thể lực hay thần kinh bệnh có thể bắt đầu một cách từ từ tăng dần, có 70% bắt đầu bằng viêm một khớp, 15% bắt đầu đột ngột, 30% bắt đầu viêm khớp nhỏ: cổ tay, bàn ngón, khớp đốt gần. Bệnh nhân có thể sốt nhẹ, gầy sút, chán ăn, mệt mỏi. Các khớp bị viêm: sưng, hơi nóng, đau; đau tăng về đêm và sáng, có cứng khớp buổi sáng, có thể có tràn dịch ổ khớp. Thời kỳ này kéo dài vài tuần, có khi vài tháng. Tình trạng viêm khớp tăng dần và chuyển sang khớp khác.
Biểu hiện ngoài xuất hiện hạt thấp dưới da, là triệu chứng có giá trị trong chẩn đoán, gặp ở 10 - 20% trường hợp viêm khớp dạng thấp. Đó là những hạt hay cục nổi gồ lên mặt da, chắc, không di động vì dính vào nền xương, không đau, kích thước từ 5 - 10 mm. Hay gặp hạt thấp ở đầu trên xương trụ, gần khớp khuỷu; đầu trên xương chày, gần khớp gối; số lượng từ một đến hai hạt. Da teo hơi tím, móng khô dễ gẫy, gan bàn chân - bàn tay giãn mạch.
Biểu hiện nội tạng chiếm tỷ lệ thấp, thường không nặng nề. Lách to kèm theo giảm bạch cầu đa nhân trung tính gặp trong hội chứng felty (tỷ lệ 5%). Tim có thể viêm màng ngoài tim, rối loạn dẫn truyền, tổn thương màng trong tim, van tim rất ít. Viêm mống mắt tỷ lệ 1-2%, viêm kết mạc kèm theo teo tuyến lệ và tuyến nước bọt (hội chứng Sjogren); tràn dịch màng phổi, xơ phổi gặp 1-2%; thiếu máu nhược sắc.
Chẩn đoán phân biệt:
Trong giai đoạn sớm: cần phân biệt với thấp khớp cấp, viêm khớp phản ứng, hội chứng Reiter.
Giai đoạn muộn:
Bệnh khớp trong luput ban đỏ, bệnh gút; hội chứng Pierre-Marie, thấp khớp vẩy nến, thoái hoá khớp hoạt hoá, viêm cột sống dính khớp. Biểu hiện khớp của bệnh tiêu hoá, thần kinh, bệnh máu, ung thư.
Điều trị viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính kéo dài, việc điều trị phải kiên trì liên tục, có khi cả cuộc đời người bệnh. Sử dụng nhiều biện pháp: nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu, chỉnh hình, lao động liệu pháp, đông y châm cứu. Tùy theo từng giai đoạn bệnh mà điều trị: nội trú, ngoại trú, điều dưỡng, đông - tây y kết hợp. Phải có thầy thuốc theo dõi, phải được gia đình và xã hội quan tâm.
Điều trị nội khoa:
Giai đoạn I (nhẹ):Dùng một trong những thuốc chống viêm không corticoid sau: indomethacine, voltarel, profenid, piroxicam, meloxicam, ibuprofen, diclofenac, naprosen, nifluril, feldel.
Voltarel 25mg x 3 viên/ngày chia đều sáng – trưa - chiều, uống sau khi ăn no (loại 75mg uống 1 viên/ngày).
Delagyl (nivaquine, cloroquine): Là thuốc chống sốt rét, có tác dụng điều trị trong viêm khớp dạng thấp. Ức chế giải phóng men tiêu thể của các tế bào viêm; uống sau ăn viên 0,2g x 1-2 viên/ngày - uống trong nhiều tháng.
Có thể tiêm corticoid tại khớp viêm bằng hydrocortison acetat hoặc depo medrol (phải thực hiện ở buồng vô trùng của bệnh viện) 1ml hydrocortison acetat tương đương 25 mg prednisolon. 1ml depo medrol tương đương 40 mg methylprednisolon.
Tùy theo khớp: khớp lớn mỗi lần từ 1- 1,5ml; khớp nhỏ 1/2 - 1/3 ml. Mỗi khớp không tiêm quá 3 lần, mỗi lần chỉ tiêm 1-2 khớp.
Hydrocortison cách 2 ngày tiêm một lần, còn depo medrol 53-7 ngày tiêm một lần. Những khớp có tràn dịch bơm rửa ổ khớp bằng nước muối 0,9% trước khi tiêm (thực hiện ở tuyến bệnh viện).
Sau khi giảm đau tăng cường vận động, lý liệu, tập luyện.
Giai đoạn II (thể trung bình):
Dùng một trong những thuốc chống viêm không steroid sau: voltaren, profenid, piroxicam, (feldene); tenoxiam (tilcotil), meloxicam (mobic), rofecoxib (vioxx).
Delagyl 0,2 x 1 - 2v/ngày, dùng nhiều tháng.
Có thể tiêm ổ khớp bằng hydrocortison hoặc depo-medrol; hoặc dùng steroid liều trung bình. Prednisolon 5mg x 6v/ngày, sau đó giảm liều rồi cắt, không dùng kéo dài. Chỉ định điều trị khi dùng các thuốc chống viêm khác không hiệu quả.
Có thể điều trị kết hợp với methotrexat viên 2,5mg, 5mg mỗi tuần dùng một viên 7,5mg hoặc 3 viên 7,5mg và 10mg 2,5mg mỗi lần 1 viên, cách nhau 12 giờ.
Giai đoạn III, IV (thể nặng, tiến triển nhiều):
Prednisolon 1-1,5mg/kg/24h dùng cho những bệnh nhân tiến triển nhanh và nặng có sốt cao, thiếu máu hoặc có tổn thương nội tạng dùng liều cao giảm dần sau đó cắt - tiếp tục điều trị như giai đoạn I, II ở trên. Đồng thời sử dụng một trong những biện pháp sau:
Methotrexat viên 2,5 mg và 7,5 mg là một chất tương kỵ với axit folic. Thuốc có tác dụng điều trị hiệu quả bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, hiện tượng giảm bạch cầu trong hội chứng Felty. Mỗi tuần lễ uống một lần 7,5 mg. Thuốc thường có hiệu lực sau 1 tháng điều trị. Nếu không thấy tác dụng có thể nâng liều đến 20 mg mỗi tuần. Thuốc có tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch - thuốc được dùng trong nhiều tháng.
Salazopyrin viên 500 mg x 2 viên/ngày, sau 10 ngày uống 4 viên/ngày. Dùng kéo dài nhiều tháng.
D. penicilamin viên 300 mg (Trolovol kuprep) có tác dụng phá hủy phức hợp miễn dịch, yếu tố dạng thấp. Thuốc điều trị thể nặng, điều trị các thuốc khác không hiệu quả của bệnh viêm khớp dạng thấp.
Cách dùng: mỗi ngày uống 1 viên, kéo dài 1 - 2 tháng; nếu không tác dụng thì uống 2 viên/ngày, tiếp tục 2 - 3 tháng nếu không kết quả thì cắt thuốc.
Tác dụng phụ: viêm da, dị ứng, rối loạn tiêu hoá, viêm thận, giảm bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu.
Khi điều trị phải theo dõi, nếu có tai biến phải ngừng thuốc.
Các thuốc ức chế miễn dịch:
Làm giảm phản ứng miễn dịch, kìm hãm các tế bào miễn dịch dùng để điều trị thể nặng, các thuốc thông thường không cắt được sự tiến triển của bệnh. Khi dùng phải theo dõi chặt chẽ bệnh nhân, xét nghiệm máu hàng tháng. Dùng liều thấp và tăng dần.
Cyclophosphamid (endoxan) viên 50 mg. Liều bắt đầu 1,5-2 mg/kg/24h, uống thuốc nhiều nước để tránh viêm bàng quang, xuất huyết
Azathioprin viên 50 mg. Liều bắt đầu 1,5 mg/kg/24h nếu dung nạp tốt, sau 2-3 tháng thì nâng liều 2 mg/kg/ngày, khi bệnh thuyên giảm sẽ giảm dần liều.
Điều trị ngoại khoa:
Điều trị ngoại khoa được chỉ định trong trường hợp viêm một vài khớp kéo dài mà điều trị nội khoa không hiệu quả, khớp viêm và tràn dịch; thường mổ cắt bỏ màng hoạt dịch; Điều trị ngoại khoa để phục hồi chức năng một số khớp bị biến dạng nặng, phá hủy nhiều bằng phương pháp: thay khớp nhân tạo, cắt đầu xương, chỉnh hình khớp, hoặc làm dính một số khớp tránh biến chứng nguy hiểm; Điều trị bằng lý liệu và phục hồi chức năng: Trong viêm khớp dạng thấp điều trị bằng lý liệu và phục hồi chức năng là một biện pháp quan trọng và bắt buộc nhằm tránh được thấp nhất các di chứng, trả lại khả năng lao động nghề nghiệp cho bệnh nhân.
Sau khi dùng thuốc điều trị bệnh nhân giảm đau thì phải kết hợp vật lý trị liệu và vận động liệu pháp.
Bao gồm: Tắm nước nóng, nước ấm, bó parafin, dùng đèn hồng ngoại, tử ngoại chiếu vào khớp viêm, tắm bùn..., biện pháp này có tác dụng giãn mạch, tăng cường lưu thông máu, tăng tiết mồ hôi, giãn cơ và giảm đau tại chỗ.
Dùng dòng điện một chiều, xoay chiều, điện cao tần, siêu âm với cường độ và bước sóng khác nhau là biện pháp dùng năng lượng để điều trị; Xoa bóp và bấm huyệt: thầy thuốc làm và hướng dẫn bệnh nhân thực hiện, xoa bóp có tác dụng làm lưu thông máu, giảm đau, tăng tính đàn hồi của da, giảm xơ hoá da và dây chằng; Vận động liệu pháp và phục hồi chức năng: hướng dẫn bệnh nhân vận động thích hợp: Tập vận động bằng tay không, tập với các dụng cụ phục hồi chức năng: tập bằng gậy, tập tạ, tập trèo thang, co, kéo, bàn đạp.
Nước suối khoáng, nước biển và bùn trị liệu:
Nước khoáng: khi nguồn nước có độ hoà tan từ 1 gam chất rắn trở lên trong 1 lít nước, hoặc nước nóng > 300C ổn định. Thủy trị liệu toàn thân: Rất tốt trong phục hồi chức năng viêm đa khớp dạng thấp.
Điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp theo y học cổ truyền + y học cổ truyền gọi chung các bệnh khớp là chứng tý bao gồm: thấp tý, hàn tý, nhiệt tý, phong tý. Kê đơn theo từng loại bệnh kết hợp với châm cứu và bấm huyệt.
Các cây thuốc và vị thuốc có tác dụng chống viêm, giảm đau trong các bệnh khớp được ứng dụng như: Thiên niên kiện, thổ phục linh, ngũ gia bì, ý dĩ, độc hoạt, phòng phong, hy thiêm, ngưu tất, lá lốt...; Các loại cao động vật (hổ, trăn, rắn, khỉ, nai...); Cây trinh nữ, hạt mã tiền có tác dụng chống viêm trong các bệnh viêm khớp dạng thấp.
Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An được xây dựng theo mô hình “Bệnh viện - Khách sạn” Xanh - Sạch - Đẹp đầu tiên tại Nghệ An. Với tinh thần “Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh", đây thực sự là “Nơi người bệnh gửi gắm niềm tin” trọn vẹn. Địa chỉ: Số 220, đường Bình Minh, thị xã Cửa Lò, Nghệ An Đt liên hệ: ĐT Phòng khám: 0383.949.709; ĐT trực 24/24: 0383.952.020 Hotline: 0966.251.414; 0912.002.210; ĐT Giám đốc: 0912.487.568. |
P.V