Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Đẩy lùi “vàng hóa”
Điểm mới của dự thảo, ngoài việc đơn giản hóa thủ tục hành chính với hoạt động kinh doanh vàng thì tại khoản 3, điều 4 được sửa đổi bổ sung “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản”.
Quy định này được đánh giá là để đảm bảo lợi ích chung của nền kinh tế, trật tự an toàn xã hội. Việc quy định Nhà nước độc quyền thực hiện hai hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và độc quyền hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản nhằm tiếp tục duy trì các kết quả tích cực của Nghị định 24, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, không làm tăng sức hấp dẫn của vàng miếng và nguy cơ “vàng hóa” trong nền kinh tế.
Trong đánh giá của mình, NHNN cũng cho rằng sau 5 năm triển khai Nghị định 24, sức hấp dẫn của vàng miếng đã giảm hẳn, tình trạng vàng hóa nền kinh tế đã được đẩy lùi. Sóng vàng không còn nên hoạt động đầu cơ, lướt sóng chìm hẳn, các cơn sốt không còn diễn ra. Đáng mừng nhất là tín dụng vàng – mối nguy thanh khoản treo lơ lửng trên đầu nhiều ngân hàng cách đây 5 năm - đã được gỡ bỏ. Toàn bộ quan hệ huy động - cho vay vàng đã chuyển sang quan hệ mua - bán…
Đánh giá cao hiệu quả của việc triển khai Nghị định 24, chuyên gia kinh tế -TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong quá khứ, sàn vàng đã gây ra rất nhiều hệ lụy do hoạt động đầu cơ tăng mạnh. Chính vì vậy, trong lần sửa đổi mới này, việc NHNN độc quyền kinh doanh vàng tài khoản là hợp lý và việc độc quyền sẽ giúp NHNN tiếp tục ổn định thị trường, khống chế đầu cơ. Song, vị chuyên gia này cũng cho rằng, NHNN chỉ nên độc quyền trong vòng 5 năm, sau đó, nếu kiểm soát được vấn nạn đầu cơ thì dần xem xét mở rộng cho phép các cá nhân, tổ chức được kinh doanh vàng tài khoản, đưa thị trường vàng Việt Nam “hòa nhập” với thị trường vàng thế giới.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến không đồng thuận, điển hình là Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam mới đây đã có văn bản đóng góp ý kiến. Theo đó, Hiệp hội này cho rằng trên thế giới không có ngân hàng Trung ương nào sản xuất vàng miếng, chức năng của các ngân hàng Trung ương trên thế giới không trực tiếp kinh doanh mà chỉ là quản lý, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, tổ chức.
Do vậy quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng ngay từ Nghị định 24 là hoàn toàn không phù hợp với thông lệ quốc tế, đi ngược lại tiến trình phát triển của thị trường. Bởi vậy, Hiệp hội kiến nghị nên cho phép doanh nghiệp xuất khẩu vàng miếng nhằm huy động nguồn lực vàng trong dân và tăng thu ngoại tệ ngăn chặn được tình trạng xuất lậu vàng miếng...
Có nên phát hành chứng chỉ vàng?
Từ nhiều năm nay, câu chuyện huy động 500 tấn vàng trong dân, biến thành nguồn lực để đưa vào sản xuất kinh doanh vẫn là vấn đề được đặt ra nhiều lần. NHNN cũng đã nhiều lần “hứa” nhưng vẫn chưa thấy thực hiên.
Mới đây, khi giải trình trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng giải pháp huy động vàng trong dân căn cơ nhất, bền vững, khả thi nhất đó là Chính phủ và các bộ ngành cần kiên định mục tiêu điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó tạo lập niềm tin cho người dân vào đồng Việt Nam.
Trên cơ sở đó người dân cũng hạn chế việc bỏ vào tài sản tài chính như vàng, ngoại tệ. Tuy nhiên, Thống đốc cho rằng việc này cần có lộ trình để chuyển hóa phù hợp nguồn lực và cho biết thêm những năm qua, vấn đề điều hành vàng rất thành công. Trước đây chúng ta tốn rất nhiều ngoại tệ để mua vàng nhưng nay đã hạn chế, vàng đã chuyển hóa được một phần rất lớn cho vài nền kinh tế. Thị trường vàng ổn định, tự điều tiết.
Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cho rằng giải pháp “đợi ổn định kinh tế vĩ mô” là chưa thực sự hợp lý, vì việc chuyển hóa vàng thành nguồn vốn sản xuất kinh doanh trong thời điểm khó khăn mới cần các giải pháp, còn khi kinh tế đã ổn định, thì không cần NHNN tìm giải pháp huy động nào, vàng cũng sẽ tự động biến thành nguồn lực. Bởi vậy, NHNN nên có một kế hoạch cụ thể để triển khai sớm.
Hai chuyên gia có uy tín về tài chính, ngân hàng là TS Nguyễn Trí Hiếu và TS Cấn Văn Lực đưa ra giải pháp phát hành chứng chỉ vàng và người dân sử dụng chứng chỉ này để cầm cố, thế chấp. Với phương án này, vốn vàng sẽ được sử dụng linh hoạt thay vì “chết” trong dân, đồng thời người dân vẫn đảm bảo được quyền tích trữ tài sản của mình. Song, bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng, vàng ngoài chức năng tiền tệ còn chức năng hầm trú ẩn, bảo toàn tài sản. Huy động vàng trong dân vào sản xuất là không nên và tiềm ẩn nhiều rủi ro./.
Theo Công an nhân dân