(Baonghean) - Với tổng nguồn vốn quản lý đạt trên 6.089 tỷ đồng, tăng 362 tỷ đồng so với đầu năm, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Nghệ An là một trong những đơn vị có dư nợ lớn trong toàn hệ thống. Nguồn vốn thông qua NHCSXH đã thực sự góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh...
Ngân hàng Chính sách xã hội là tổ chức tín dụng Nhà nước có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được Chính phủ giao quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư cho mục tiêu xoá đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với toàn hệ thống, sau 11 năm đi vào hoạt động, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An đã có mạng lưới hoạt động trên địa bàn 21 huyện, thị xã, thành phố, với 480 điểm giao dịch đóng tại UBND cấp xã, có 8.154 tổ TK&VV hoạt động tại 100% xóm, bản trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2013, mặc dù tình hình kinh tế trong nước vẫn còn khó khăn, nhưng dưới sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh, NHCSXH tỉnh Nghệ An vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt, đáp ứng tốt nguồn vốn cho nhu cầu phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về nhà ở, học tập, cải thiện môi trường... của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn tỉnh.
Đến cuối năm 2013, NHCSXH Nghệ An đang thực hiện cho vay 15 chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó có 12 chương trình do Chính phủ giao và 3 chương trình tín dụng ưu đãi nhận ủy thác tại địa phương, với tổng nguồn vốn quản lý là 6.089 tỷ đồng, tăng 362 tỷ đồng so với năm 2012. Là một chi nhánh có dư nợ lớn, đối tượng chính sách trên địa bàn còn nhiều nên hoạt động giải ngân - thu nợ trong năm của đơn vị rất lớn, thể hiện:
Doanh số cho vay đạt 1.628 tỷ đồng, các chương trình có doanh số giải ngân lớn là cho vay hộ nghèo 618 tỷ đồng, cho vay HSSV 378 tỷ đồng và cho vay hộ cận nghèo 313 tỷ đồng. Doanh số thu nợ đạt 1.281 tỷ đồng, nguồn vốn thu nợ chiếm 78% nguồn vốn giải ngân, giúp đơn vị chủ động tốt về nguồn vốn, đồng thời giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.
Năm 2013, bên cạnh đảm bảo tốt cho các hoạt động thường xuyên về giải ngân - thu nợ - thu lãi - tăng trưởng tín dụng, NHCSXH tỉnh Nghệ An xác định là năm cần phải tập trung nâng cao chất lượng tín dụng bằng giải pháp, trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới tổ TK&VV; chất lượng tín dụng ủy thác; xử lý, thu hồi tốt nợ đến hạn, nợ xấu tồn đọng lâu ngày, nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại xã. Nhờ vậy, đến nay 98% dư nợ của NHCSXH Nghệ An đã được ủy thác một số khâu công đoạn qua 4 tổ chức chính trị xã hội (Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên), mạng lưới tổ TK&VV được thành lập ở tất cả các thôn (bản), Ban quản lý tổ là những người nhiệt tình, có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, luôn được ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn, tập huấn về nghiệp vụ nên đã phát huy tốt vai trò và chức năng của mình trong việc chuyển tải vốn đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giúp hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ tài chính, cũng như giám sát quá trình sử dụng vốn vay, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Người vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ - trả lãi tốt nên nợ xấu tiếp tục được khống chế ở mức thấp, chỉ chiếm 0,36% tổng dư nợ.
Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp cho gần 1 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, trong đó có trên 500 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, góp phần giúp 70 ngàn hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 15 ngàn lao động; hơn 170 ngàn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; gần 8 ngàn lao động được đi XKLĐ; 75 ngàn hộ tại vùng nông thôn được vay vốn xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh để cải thiện môi trường, 26 ngàn hộ nghèo được vay vốn để làm nhà ở. Các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ do NHCSXH thực hiện thực sự là kênh vốn quan trọng, là “bà đỡ” cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn. Hiệu quả của các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện đã khẳng định nguồn lực đầu tư của Chính phủ cho người nghèo và các đối tượng chính sách là giải pháp quan trọng kích thích người nghèo sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao trình độ dân trí. Từ đó, giúp họ từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu, hòa nhập cộng đồng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, ổn định xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và xây dựng xã hội công bằng -dân chủ - văn minh.
Bước sang năm 2014, năm cuối cùng tập trung thực hiện bằng được các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng các cấp, trong đó có chỉ tiêu xoá đói giảm nghèo; năm đầu thực hiện Nghị quyết 26- NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và Quyết định số 2355/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển miền Tây Nghệ An đến 2020, mục tiêu đặt ra của NHCSXH tỉnh Nghệ An là tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ từ 7-10% so với năm 2013; phát triển chi nhánh theo hướng ổn định, bền vững; đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu quốc gia XĐGN và đảm bảo ASXH trên địa bàn tỉnh.
Không ngừng tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, nợ quá hạn dưới mức 0,5% so với tổng dư nợ. Tăng cường côspng tác kiểm tra, giám sát công tác quản lý tín dụng chính sách tại các cấp, đến tận hộ vay nhằm quản lý chặt chẽ, an toàn cho nguồn vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền cấp xã đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước về tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đến với người dân, giúp người dân tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ cũng như nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ mà người dân phải thực hiện khi được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.
Trần Khắc Hùng (Giám đốc NHCSXH tỉnh)