Hiện nay, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đang có 14 chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ được Ngân hàng CSXH triển khai đến 100% thôn, bản của 21 xã, thị trấn. Bên cạnh các chương trình cho vay phát triển sản xuất, như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ SXKD vùng khó khăn... các chương trình cho vay đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết nhu cầu thiết yếu về đời sống cho người dân được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, đặc biệt là nhóm các chương trình tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong hơn 15 năm qua, các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Sơn thực hiện đã giải ngân 610 tỷ 313 triệu đồng với 30.736 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Dư nợ tín dụng chính sách do Ngân hàng CSXH thực hiện chiếm gần 53%/tổng dư nợ từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Bên cạnh việc giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho các đối tượng được thụ hưởng, chất lượng tín dụng luôn được quan tâm kiểm soát chặt chẽ.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Thanh Hoàng cho biết: Ngoài việc thụ hưởng các chính sách chung như các đối tượng khác (cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các chương trình vay vốn làm nhà....), đồng bào còn được thụ hưởng nhiều chương trình đặc thù riêng với mức lãi suất và thời hạn ưu đãi đặc biệt. Kể từ năm 2007 đến nay, sau khi Chính phủ cho phép triển khai các chương trình tín dụng đặc thù dành riêng cho vùng nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, và đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, tín dụng chính sách xã hội đã thực sự có những đóng góp to lớn đối với kết quả giảm nghèo toàn huyện nói chung và cải thiện đời sống cho đồng bào trên địa bàn huyện nói riêng; nhờ đó, trong giai đoạn 2010-2015 tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm của huyện Kỳ Sơn đạt 5,5%/mục tiêu đề ra là 4-5%; trong 02 năm 2016-2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm đạt 4,77%/mục tiêu đề ra là 4-5%.
Kiến nghị tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Thanh Hoàng đề nghị Ngân hàng CSXH xem xét, xóa, khoanh các khoản nợ do thiên tai bất khả kháng; có chính sách tiếp sức cho hộ thoát nghèo tiếp tục được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; Đồng thời ủng hộ thêm cho Kỳ Sơn nguồn vốn để đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi vừa và nhỏ, xuất khẩu lao động sang thị trường Trung Đông mà hiện nay một số hộ ở Keng Đu đã thực hiện rất tốt.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng khẳng định: Mặc dù địa bàn huyện rộng, chủ yếu tập trung đồng bào DTTS nhưng về cơ bản huyện Kỳ Sơn thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội, thể hiện qua một số chỉ số về dư nợ, tỷ lệ hộ nghèo,...
Mặc dù vậy, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cũng lưu ý, Kỳ Sơn là huyện có hộ nghèo cao. Tới đây, chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể phải làm tốt công tác vận động tuyên truyền bà con; có định hướng giúp bà con sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi phù hợp để hỗ trợ tốt hơn cho đồng bào. Cuộc chiến giảm nghèo đang rất vất vả không phải ngày một ngày hai mà hoàn thành, đòi hỏi sự kiên trì cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đồng hành của cán bộ ngân hàng chính sách.
“Về các kiến nghị, đề xuất của địa phương, đề nghị Ngân hàng CSXH tỉnh thành lập tổ công tác rà soát xử lý dứt điểm những món nợ rủi ro. Trước mắt bổ sung nguồn vốn 20 tỷ đồng giải ngân cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Kỳ Sơn. Các kiến nghị còn lại, Đoàn công tác Ngân hàng CSXH sẽ tiếp thu và nghiên cứu", Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh.