Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tham dự, chủ trì hội nghị cùng gần 600 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí toàn quốc và các bộ, ngành.
Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2018 và một số nhiệm vụ trọng tâm 2019 do đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày tại hội nghị cho biết, tính đến tháng 11-2018, cả nước có khoảng 19.000 nhà báo được cấp Thẻ Nhà báo; số lượng Hội viên Hội Nhà báo là 23.893. Cả nước hiện có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập.
Hiện có 189 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình. Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình; tại thời điểm hiện tại có 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền...
Trong năm 2018, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí đạt hơn 15.840 tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu của các cơ quan báo in và báo điện tử ước tính đạt khoảng 4.900 tỷ đồng; doanh thu của các đài phát thanh truyền hình đạt khoảng 10.940 tỷ đồng, trong đó doanh thu quảng cáo khoảng 9.631 tỷ đồng. Năm 2018, số lượng phát hành và quảng cáo của báo in tiếp tục giảm, đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của các cơ quan báo chí này.
Thời gian qua, rất nhiều các cơ quan báo chí đang thực hiện những chiến lược nhằm khai thác mạng xã hội để thu hút, gia tăng lượng người truy cập, quảng bá hình ảnh, thương hiệu chất lượng thông tin đến cộng đồng mạng. Tuy nhiên, khi những mạng xã hội lớn dùng tính năng hạn chế chia sẻ đường link báo chí trên nền tảng của họ thì báo chí có nguy cơ bị sụt giảm lượng người đọc và giảm khả năng tương tác.
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT và Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên nhân khách quan của những hạn chế, khuyết điểm gồm: Công tác tổ chức quản lý và cung cấp thông tin của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương còn thiếu chủ động, chưa kịp thời, thiếu sự phối hợp, nhất là với những tình huống, sự kiện quan trọng, phức tạp liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại, gây khó khăn cho cơ quan chỉ đạo và quản lý thông tin cũng như cơ quan báo chí. Một số cơ quan chủ quản thiếu kiên quyết trong xử lý sai phạm của cơ quan báo chí thuộc phạm vi phụ trách. Một số vấn đề gây bức xúc trong xã hội nhưng chậm được cơ quan chức năng giải quyết, thiếu sự phối hợp hoặc chưa có phương thức xử lý thông tin thỏa đáng, tạo thành vấn đề "nóng" trên báo chí, thậm chí gây "khủng hoảng" truyền thông.
Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn tiếp tục âm mưu, đẩy mạnh các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam bằng nhiều hình thức, trong đó có việc lợi dụng mạng xã hội để tổ chức truyền tải thông tin xấu, độc. Trang thiết bị, công nghệ của khá nhiều cơ quan báo chí, nhất là khối địa phương, còn thiếu; các cơ quan báo chí còn buông lỏng công tác quản lý hợp đồng quảng cáo, sử dụng phần mềm quảng cáo của các công ty quảng cáo xuyên biên giới, do vậy, không kiểm soát được nội dung quảng cáo, để lọt nhiều thông tin quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật.
Nguyên nhân chủ quan dẫn đến các hạn chế, khuyết điểm gồm: Ý thức chấp hành kỷ luật về thông tin của một số cơ quan báo chí không nghiêm. Một số cơ quan báo chí chưa thực hiện hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, kiểm chứng nguồn tin, không thực hiện đúng quy trình làm báo. Nguồn kinh phí được cấp chi cho hoạt động thường xuyên tăng chưa tương xứng; nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là báo, tạp chí của các hội không được cấp kinh phí hoạt động, không trả lương cho phóng viên, bị khoán thu, khoán hợp đồng quảng cáo. Nhận thức về kinh tế báo chí của các cơ quan báo chí hiện mới chỉ dừng ở việc tìm kiếm nguồn thu từ quảng cáo, từ hợp đồng truyền thông, chưa tính tới giải pháp căn cơ. Một số cơ quan báo chí quản lý văn phòng đại diện, sử dụng, tuyển dụng phóng viên thường trú và cộng tác viên dễ dãi, lỏng lẻo, gây khó khăn trong công tác quản lý của địa phương.
Năm 2018, Thanh tra Bộ TT-TT và các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra theo kế hoạch việc chấp hành quy định về báo chí 11 cơ quan báo chí, tiến hành xử lý vi phạm hành chính 46 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt là 638.100.000 đồng. Đồng thời trong năm 2018, Bộ TT-TT đã ban hành các quyết định thu hồi Thẻ Nhà báo đối với 4 nhà báo do có sai phạm và bị xử lý kỷ luật.