Trích bài phát biểu của Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội thảo “Báo chí Bắc Miền Trung - nâng cao trình độ chuyên môn - nghiệp vụ trong cách mạng công nghiệp 4.0” diễn ra tại Thành phố Vinh ngày 8/12.
Cách mạng 4.0 và những tác động tới báo chí(*)
Thời gian qua, khái niệm “Cách mạng công nghiệp 4.0” được nhắc đến nhiều trên truyền thông và mạng xã hội với những kỳ vọng về sự thay đổi lớn lao. Vậy cuộc cách mạng này nên được hiểu như thế nào? - Cách mạng công nghiệp 4.0 chính là cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần thứ hai diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần thứ ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm: Công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. Trong cuộc cách mạng này, vai trò của các hệ thống thông minh là một phần thiết yếu và quan trọng nhất.
Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra những cơ hội mới vô cùng to lớn nhưng cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt. Trước hết là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng. Đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động, hàng trăm triệu người sẽ mất việc làm. Sau những bất ổn về kinh tế nảy sinh từ Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ dẫn đến những bất ổn về đời sống xã hội. Hệ lụy của nó sẽ là những bất ổn về chính trị. Nếu Chính phủ các nước không hiểu rõ và chuẩn bị đầy đủ cho làn sóng công nghiệp 4.0, nguy cơ xảy ra bất ổn trên toàn cầu rất lớn.
Bên cạnh đó, những thay đổi về cách thức giao tiếp trên không gian mạng, trên internet cũng đặt con người vào nhiều thách thức và hiểm nguy. Thông tin cá nhân nếu không được bảo vệ một cách an toàn sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Phải khẳng định rằng: Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ đến báo chí, truyền thông từng quốc gia với những cơ hội và thách thức. Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra một lớp công chúng tương thích với thời kỳ truyền thông số. Công nghệ cảm ứng, sự phát triển của hạ tầng viễn thông, công nghệ 3G, 4G, 5G phát triển. Song song với nó là mạng xã hội thịnh hành, thân thiện với người dùng, làm tăng đột biến số công chúng tiếp cận với thông tin qua thiết bị thông minh. Hiện nay có 60 triệu người Việt Nam đang tham gia mạng xã hội.
Người làm báo vẫn là yếu tố cốt lõi, quyết định (*)
Chính vì vậy, các cơ quan báo chí, những người tham gia trong quy trình sản xuất thông tin buộc phải thay đổi quy trình, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh...Trong thời gian tới, báo chí truyền thông cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm sau đây:
Trong bất cứ một thể chế nào, thời đại nào thì con người vẫn là yếu tố cốt lõi, quyết định. Vì vậy, việc tăng cường đào tạo và bồi dưỡng nhân lực ngành truyền thông có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng và năng lực chuyên môn cao là vấn đề đầu tiên và hết sức quan trọng để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có sức lan tỏa trong đời sống xã hội. Công tác đào tạo, bồi dưỡng người làm báo ở trên 3 khía cạnh lớn, đó là: Bản lĩnh chính trị; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là công nghệ thông minh phục vụ tác nghiệp, xuất bản; đạo đức nghề nghiệp.
Cần xây dựng môi trường pháp lý cho nền báo chí truyền thông kỷ nguyên số. – Trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin, bên cạnh báo chí chính thống còn rất nhiều “dòng chảy” thông tin khác, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội. Cần nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp khoa học nhằm tư vấn chính sách quản lý báo chí truyền thông trong môi trường truyền thông số một cách kịp thời và hiệu quả.
Lãnh đạo các cơ quan báo chí thường xuyên nắm bắt sự thay đổi quy trình làm báo trong bối cảnh phát triển mạng xã hội, tận dụng mạng xã hội để tổ chức nội dung tác phẩm, tạo liên kết và hiệu ứng lan tỏa thông tin, góp phần chuyển đổi được thực trạng báo chí truyền thông thích ứng với môi trường truyền thông số. Vấn đề đặt ra, đó là các cơ quan báo chí cần xây dựng tòa soạn hội tụ...
Hiện nay, mạng xã hội là một thách thức lớn với báo chí. Báo chí không được chạy theo mạng xã hội mà phải thắng, vượt lên ở độ chính xác. Báo chí phải trả lời vấn đề mạng xã hội đưa ra. Trách nhiệm của báo chí là xác lập nên độ tin cậy của thông tin. Người làm báo phải chuẩn mực, trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội.
Nói cách khác, mọi cơ quan báo chí truyền thông cần nhận thức đúng về Cách mạng công nghiệp 4.0 và tính tất yếu của sự đổi mới, để xây dựng cách thức quản lý báo chí truyền thông trước thách thức và sự phát triển mạng xã hội, truyền thông xã hội.
Cuối cùng, tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp của những người làm báo. Bên cạnh việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ người làm báo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, tổ chức Hội đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên trong quá trình tác nghiệp, tạo niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho người cầm bút..../.
(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt