Phát hiện nhiều trường hợp tàng trữ, sử dụng “bóng cười”
Điển hình, vào hồi 22 giờ 30 phút ngày 30/1/2018, Đội cảnh sát Kinh tế (Công an thành phố Vinh) phối hợp với Công an phường Hưng Bình bất ngờ ập vào một quán bar có địa chỉ tại số 02 đường Lê Hồng Phong (TP.Vinh) để kiểm tra hành chính.
Bóng cười và dụng cụ liên quan như bình khí bơm bóng còn được rao bán công khai trên các trang facebook như "Bóng cười Vinh- Nghệ An", "Bóng cười Thành Vinh", "Bóng cười Vinh", "Bóng cười Vinh- Cửa Lò"...
Những nguy hại khó lường
“Bóng cười” khiến người sử dụng có cảm giác phấn khích, ảo giác gây cười nên được giới trẻ ưa chuộng khi đi bar, cà phê để tăng sức hấp dẫn, vui vẻ ở các bữa tiệc. Chất khí được bơm vào bóng cười là “ khí cười” (N2O) có tên quốc tế là Dinitrogen monoxide hoặc Nitrous oxide.
Hiện tại, N2O chưa bị xem là ma túy vì không bị luật pháp ngăn cấm và vẫn còn đang được sử dụng trong y học. Tuy nhiên, theo các bác sỹ chuyên môn việc lạm dụng hít 'bóng cười' có thể gây tác hại khôn lường: ảnh hưởng trực tiếp tới tim mạch, rối loạn thần kinh và đặc biệt là tổn thương não bộ vĩnh viễn, hậu quả xấu nhất có thể xảy đến là dẫn tới trầm cảm hoặc thiệt mạng.
Sự việc 7 nạn nhân tử vong trong đêm nhạc hội xảy ra ở công nước Hồ Tây ( Hà Nội) vào tháng 9 năm 2018 là bài học cảnh tỉnh đối với giới trẻ trong việc sử dụng các chất gây nghiện. Bởi quá trình khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an đã thu giữ được một số túi nylon chứa ma túy ketamine và nhiều vật dụng nghi vấn chứa ma túy tổng hợp, cùng hàng trăm quả bóng cười đã sử dụng.
Quá trình xử lý gặp khó
Khó khăn hiện nay là theo Công ước quốc tế về ma túy, chất N2O chưa được xếp vào danh mục tiền chất hay chất gây nghiện tương tự ma túy nên rất khó trong việc xử lý. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý một số điểm vui chơi, giải trí như quán bar, karaoke, cà phê có bán bóng cười nhưng chỉ mới dừng lại ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính nên chưa tạo được sự răn đe đủ mạnh, nhất là đối với nguồn "cung ứng".
Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng cần có sự chung tay, phối hợp giữa chính quyền các cấp, gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn- hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sân chơi lành mạnh để thanh thiếu niên tránh xa những mối nguy hại từ “ bóng cười”, nhất là trong dịp tết đến, xuân về. Bởi đây là thời điểm học sinh được nghỉ học, sinh viên các trường cao đẳng, đại học về quê ăn tết, gặp gỡ, giao lưu cùng bạn bè với tâm lý " nghỉ xả hơi" nên dễ bị rủ rê, lôi kéo sử dụng các chất kích thích.