Bóng cười 

Thời gian gần đây, từ các quán bar đến quán vỉa hè, không khó để bắt gặp cảnh giới trẻ hít bóng cười… Họ vô tư sử dụng vì cho rằng đây chỉ là một thú tiêu khiển, không có tác hại như các loại ma túy gây nghiện khác. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng bóng cười rất nguy hiểm, thậm chí có thể giết người.

Bóng cười thực chất là bóng bay được bơm vào khí nitrous oxide (N2O). Khí nitrous oxide khi hít vào người tạo cho người ta hưng phấn, tạo ảo giác gây cười.

46c1537175917_651460806_1992018.jpgNhiều bạn trẻ hào hứng với bóng cười mà không biết rằng đây là trò chơi có thể nguy hiểm chết người.

Chỉ cần dùng miệng ngậm vào đầu quả bóng hít khí trong đó rồi lại thổi ngược ra cho quả bóng to lên. Cứ như vậy lặp lại khoảng 4 - 5 lần sẽ khiến bất cứ ai dù đang vui hay buồn đều sẽ cười "thả phanh".

Trông tưởng như bình thường, nhưng chơi và hít hơi bóng cười lại ẩn chứa nhiều mối nguy hại. Việc hít bóng cười hay khí cười ảnh hưởng trực tiếp tới tim mạch, hệ thần kinh mà hậu quả xấu nhất nếu lạm dụng là dẫn tới trầm cảm hoặc thiệt mạng. 

Các nhà khoa học trên thế giới đã cảnh báo, bóng cười có thể khiến người chơi tử vong nếu sử dụng trong không gian hẹp hoặc dùng bao nilon. Điều nguy hại là nếu lạm dụng chất gây ảo giác lâu ngày sẽ rất dễ đi đến sử dụng thuốc gây nghiện thật sự, thậm chí là sử dụng ma túy.

Khu vực bán những quả bóng giá 200.000 đồng tại hành lang đi vào sân khấu lễ hội âm nhạc tại Hà Nội vừa qua.
Theo cơ quan chức năng, chất N2O - được bơm trong “bóng cười” - chưa xếp vào danh mục tiền chất hay chất gây nghiện tương tự ma túy, cho nên việc xử lý là chưa có quy định. Tuy nhiên, cơ quan quản lý thị trường và chính quyền sở tại có thể áp dụng cách thức xử lý về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không được phép kinh doanh khí N2O nhưng vẫn kinh doanh và xử lý về an toàn cháy nổ do kinh doanh bình khí nguy hiểm nhưng không có biện pháp phòng ngừa, trang bị an toàn PCCC theo quy định. 
Thực tế cho thấy, “mối nguy” của thú chơi “bóng cười” đã hình thành sự ám ảnh khác là sự cố cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở các địa điểm kinh doanh này.
Kẹo nổ
Đây là một loại kẹo được khá nhiều học sinh tiểu học, trung học ưa thích. Theo mô tả, nếu khi bẻ lắc đi, lắc lại cho vào bóng tối thì phát sáng, một thứ ánh sáng lung linh, huyền ảo nhưng nếu ném vào chậu nước thì nó sẽ phát nổ. Cái thú của bọn trẻ là ở chỗ phải thật khéo léo thì mới làm cho kẹo phát nổ được, cho nên cứ đua nhau mua kẹo, ăn kẹo để phát nổ nhằm khẳng định trình độ cao hơn bạn khác. 
Nhiều loại kẹo nổ với bao bì bắt mắt được quảng cáo tràn lan trên mạng và xuất hiện đầy rẫy trước cổng trường.
Không chỉ riêng loại kẹo này mà còn có khá nhiều loại kẹo tương tự cũng được bán tràn lan trước cổng trường như kẹo ma, viên màu ngâm trong nước… đều đánh trúng tâm lý tò mò, hiếu kỳ của các em học sinh. Đặc điểm chung của các loại kẹo này là đều rất rẻ, có bao bì, màu sắc rực rỡ, bắt mắt và tuyệt nhiên đều không có hạn sử dụng hay thông tin nguồn gốc xuất xứ, hầu hết trên bao bì đều in chữ Trung Quốc, không có nhãn mác được dịch sang Tiếng Việt. 
Theo các chuyên gia, hầu hết các loại kẹo này sử dụng các loại phẩm màu độc hại, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí có thể gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng con người, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Do đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý thị trường cần tích cực vào cuộc, xử lý nghiêm các hành vi bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm đến con em mình, không để các em sử dụng các loại bánh kẹo, các chất kích thích không lành mạnh, ngăn ngừa các hậu quả đáng tiếc xảy ra.