Thỏa thuận về việc từ bỏ các khiếu nại lẫn nhau là một phần của nghị định thư về hợp tác khí đốt mà Nga và Ukraine đã ký vào ngày 20/12 vừa qua. Việc các bên đạt được thỏa thuận, trong đó có việc xóa bỏ các khiếu nại lẫn nhau đã giúp cởi nút thắt về nguồn cung khí đốt ở một số nước châu Âu, trong bối cảnh hợp đồng hiện tại sắp hết hạn vào cuối năm và nguy cơ tái hiện cái gọi là cuộc "chiến tranh khí đốt" như hồi năm 2009.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào hôm qua, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, hai bên đã đạt được thỏa thuận rằng từ ngày 1/1 năm tới sẽ bắt đầu từ con số 0 và những khiếu nại lẫn nhau giữa 2 bên sẽ bị vô hiệu hóa. Các vụ tịch thu tài sản theo các quyết định của tòa án cũng sẽ được hủy bỏ.
Theo thỏa thuận mới giữa Nga và Ukraine, khối lượng trung chuyển tối thiểu ở mức 65 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2020 và 40 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2024. Sau thời hạn này, hợp đồng có thể sẽ được gia hạn tới 10 năm.
Liên quan đến việc giải quyết các bất đồng pháp lý, công ty Gazprom của Nga đã đồng ý trả cho Công ty Naftogaz của Ukraine 2,9 tỷ USD theo quyết định đã được tòa trọng tài Stockholm đưa ra. Chính phủ Ukraine đổi lại phải ký một thỏa thuận hòa giải về việc dỡ bỏ những khiếu nại chống độc quyền trị giá 7,4 triệu USD với Công ty Gazprom. Đại diện của Gazprom cho biết thêm, việc thanh toán được thực hiện đúng thời hạn theo giao thức ngày 20/12. Theo đó, cuộc chiến khí đốt thứ ba đã được hoãn lại, Nga và Ukraine đồng ý vận chuyển khí đốt sang châu Âu.
Bộ trưởng Năng lượng và bảo vệ môi trường Ukraine Oleksiy Orzhel cho biết: "Điều rất quan trọng là sẽ có vận chuyển khí đốt và Ukraine sẽ nhận được số tiền theo quyết định của tòa trọng tài Stockholm vào cuối năm nay. Điều đó có nghĩa là Ukraine và Công ty Naftogaz nói riêng, sẽ nhận 2,9 tỷ USD theo quyết định của tòa trọng tài Stockholm. Trong trường hợp này, thỏa thuận trọn gói sẽ chấm dứt các các vụ kiện trong tương lai. Điều này có nghĩa là khi Nga thanh toán 2,9 tỷ USD thì các vụ kiện khác sẽ bị hủy bỏ”.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Kozak cho rằng, việc trả tiền phạt như là “giọt nước trên biển” và việc bồi thường là có lợi, giúp tránh khỏi các rủi ro tiềm ẩn. Ông nói rằng, Nga quan tâm đến việc duy trì tuyến đường cung cấp thông qua Ukraine tới Liên minh châu Âu cho tới cả sau năm 2024 khi thỏa thuận sắp tới hết hạn.
Như vậy, sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận về tiếp tục vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu qua lãnh thổ Ukraine và điều chỉnh các yêu cầu chung. Hồi năm ngoái, Tập đoàn Gazprom đã cung cấp cho châu Âu khoảng 200 tỷ mét khối khí đốt, 40% trong số này đi qua Ukraine, giúp Ukraine thu về 3 tỷ USD tiền phí vận chuyển mỗi năm.
Tuy nhiên, đàm phán giữa hai bên về hợp đồng mới thời gian qua gặp nhiều trục trặc do căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và tranh chấp pháp lý giữa nhà cung cấp khí đốt Gazprom của Nga và Công ty năng lượng Naftogaz của Ukraine. Hợp đồng hiện tại giữa Nga và Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31/12. Việc hai bên đạt thỏa thuận mới về vận chuyển khí đốt sẽ giúp tránh nguy cơ tái hiện cái gọi là cuộc "chiến tranh khí đốt" như hồi năm 2009. Thời điểm đó, do Nga và Ukraine chưa thống nhất được về giá cả nên việc vận chuyển khí đốt bị đình trệ, khiến nhiều vùng của châu Âu không có khí sưởi ấm trong mùa đông lạnh giá./.