Đúng với những gì dư luận lo ngại ngay từ khi "cuộc cách mạng Maidan" mang theo "làn gió dân chủ" phương Tây lật đổ Tổng thống Ukraine thân Nga Viktor Yanukovych, Kiev và Mátxcơva lại bước vào một "cuộc chiến" khí đốt mới. 
 
images995892_khi_dot.jpgTrạm trung chuyển khí đốt từ Nga sang Châu Âu tại Ukraine.
 
Cuộc đàm phán mới nhất về vấn đề này giữa Nga và Ukraine do Liên minh Châu Âu (EU) làm trung gian đã kết thúc mà "không có kết quả" hay đạt được bất cứ thỏa thuận nào về thời điểm hai bên có thể gặp lại nhau.
 
Cũng trong một động thái được dự liệu từ trước, Tập đoàn Khí đốt quốc gia Gazprom của Nga đã thông báo chuyển sang hình thức trả trước trong hợp đồng cung cấp khí đốt với Công ty Naftogaz của Ukraine do công ty này chưa thanh toán nợ trước thời hạn chót mà Nga đưa ra. Theo quyết định của Gazprom, kể từ 10h00 (giờ Mátxcơva, tức 13h00 giờ Hà Nội) ngày 16-6, thời hạn được coi là "giờ G" để Kiev thanh toán nợ nần, Gazprom sẽ áp dụng hình thức trả trước đối với Naftogaz. Như vậy, Ukraine sẽ phải trả tiền vào ngày cuối cùng mỗi tháng cho số lượng khí đốt định mua trong tháng sau.
 
Theo các nhà phân tích, việc chuyển sang hình thức thanh toán trả trước sẽ khiến nguồn cung khí đốt từ Nga sang Ukraine rơi vào tình trạng không ổn định. Vì hiện tại, nền kinh tế của đất nước bên bờ Biển Đen đang trong tình trạng nguy ngập. Món nợ 4,458 tỷ USD với Gazprom còn treo lơ lửng, ngân khố thì trống rỗng phải nhờ vào sự trợ giúp từ bên ngoài. Trong khi đó, yêu cầu trả trước tiền cho lượng khí đốt mà Ukraine mua chưa chắc đã là đòi hỏi cuối cùng mà Mátxcơva đưa ra đối với quốc gia láng giềng đang nỗ lực tách khỏi quỹ đạo Nga. Do mối quan hệ căng thẳng với Nga, Ukraine cũng đã chuẩn bị các kế hoạch ứng phó trước việc Mátxcơva dừng cung cấp khí đốt hoàn toàn và khẳng định có thể tự bảo đảm nguồn cung khí đốt cần thiết trong vài tháng tới nhờ lượng khí đốt dự trữ và sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nếu không đạt được thỏa hiệp với Gazprom, chắc chắn mùa đông sắp tới sẽ là khoảng thời gian vô cùng khó khăn với Ukraine. 
 
Điều đáng nói là những cuộc đàm phán về khí đốt sắp tới, nếu có, cũng đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ bởi những căng thẳng không ngừng gia tăng ở miền Đông Ukraine, sau khi lực lượng ly khai bắn hạ một máy bay vận tải của quân đội Ukraine làm 49 quân nhân thiệt mạng. Sau khi xảy ra vụ việc, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết sẽ đưa ra các biện pháp đối phó mạnh tay hơn. Vụ tấn công cũng làm leo thang căng thẳng ngoại giao giữa Nga và phương Tây - những quốc gia vừa lớn tiếng cảnh báo Mátxcơva sẽ phải trả giá nếu không ngăn chặn dòng vũ khí tuồn qua biên giới. Trong khi đó, Nga đã nhiều lần yêu cầu chính quyền Ukraine chấm dứt hành động quân sự tại miền Đông - Nam, nơi có đông đảo cộng đồng người Nga và người nói tiếng Nga sinh sống, đồng thời kêu gọi Ukraine tiến hành đối thoại dân tộc, bảo đảm quyền lợi của "mọi công dân Ukraine".
 
Thêm một lần nữa an ninh năng lượng, một vấn đề nhức nhối của EU trong những năm gần đây, có thể sẽ lại làm các nhà lãnh đạo của khối này lên "cơn sốt". Vai trò trung gian đang là một thử thách lớn với EU vì những rắc rối giữa các mối quan hệ song phương, đa phương, đan xen với lợi ích kinh tế, chính trị. Hay nói một cách khác, quan hệ ba bên Nga - Ukraine - EU hiện đang như một mớ bòng bong với nhiều nút thắt khó gỡ. Chắc chắn, nhiều quốc gia Châu Âu không muốn quay trở lại những ngày đông giá rét cách đây 5 năm, khi toàn bộ 4 đường ống dẫn khí đốt chiến lược từ Nga qua Ukraine đến Cựu lục địa bị đóng hoàn toàn. Hơn 15 quốc gia, từ Balkan tới Trung - Nam Âu và cả Tây Âu phải sống trong cái giá lạnh thấu xương dưới âm 250C mà không có khí đốt để sưởi ấm.
 
Vào thời điểm này, việc xác định "ai đúng, ai sai" là một quá trình sẽ chỉ làm tình hình thêm rắc rối. Vì dù nguyên nhân sâu xa đằng sau cuộc khủng hoảng này là gì đi chăng nữa thì quan điểm cứng rắn của Mátxcơva yêu cầu Kiev trả hết nợ khí đốt cũng là đòn đánh mạnh vào nền kinh tế Ukraine, và là cái giá Kiev phải tính đến nếu tiếp tục chính sách "Tây tiến" của mình.
 
Theo HNM