(Baonghean) - Từ khi quả bóng tròn World Cup 2014 chuẩn bị lăn, Cảnh sát Brazil đã rất bận rộn với các vụ việc biểu tình của người dân Brazil tại các thành phố Sao Paulo và Rio de Janeiro ngay trong ngày diễn ra khai mạc World Cup 2014 - ngày 13/6. 
 
images996020_qt.jpgBạo động và đàn áp diễn ra song song với các trận đấu World Cup 2014.
 
Những tưởng khi quả bóng lăn, không khí cuồng nhiệt của bóng đá sẽ xoa dịu sự bức xúc trong một bộ phận người dân, nhưng mọi việc đã diễn biến tồi tệ hơn các dự báo của nhà chức trách. Những cuộc biểu tình nhỏ vẫn tiếp diễn và ngày 15/6 vừa rồi có tin cho rằng cảnh sát đã buộc phải nổ súng về phía người biểu tình. Đến nay, bạo lực vẫn tiếp tục đe dọa đường đi của quả bóng Brazuca – tên gọi của quả bóng dùng tại World Cup 2014. Những xung đột xã hội leo thang ở Brazil cho thấy đây không còn đơn thuần là vấn đề liên quan đến môn thể thao vua mà là một vấn đề về xã hội không thể xem thường.
 
Thật là sai lầm nếu cho rằng người dân Brazil không yêu thích World Cup, không yêu thích bóng đá hay không yêu thích đội tuyển quốc gia, vì có sự  xuất hiện đám đông biểu tình tại Sao Paulo và Rio nhiều giờ trước khi đội tuyển Brazil đánh bại đội tuyển Croatia với tỉ số 3-1 trong trận khai mạc tại sân Arena Corinthians. Điều này trước đó hàng tháng trời những người Brazil tham gia biểu tình đã nhiều lần khẳng định như vậy. Nguyên nhân chính vẫn là việc nhà cầm quyền đã bỏ qua những dấu hiệu bất hợp lý, mất cân đối khi thực thi các chính sách xã hội. “Chúng tôi yêu World Cup và yêu đội tuyển quốc gia của mình. Nhưng chúng tôi chưa sẵn sàng để tổ chức giải đấu này. Sẽ thật tốt nếu người ta sử dụng số tiền tổ chức để xây dựng trường học, bệnh viện” - Juan da Silva, một sinh viên xã hội học của Đại học Sao Paulo chia sẻ với các cơ quan báo chí quốc tế.
 
Được biết, Lễ khai mạc World Cup 2014 đã gây thất vọng lớn khi số tiền kỷ lục 90 triệu USD không mang về cho Brazil một lễ khai mạc thực sự ý nghĩa và lắng đọng. Vì thế, hàng trăm người biểu tình xuống đường phản đối ngân sách chi cho World Cup 2014 quá lớn, trong khi rất nhiều trường học, bệnh viện, còn nhiều yếu kém, đời sống của nhiều khu dân cư còn khó khăn. Cùng với đó, thay vì kịp thời thực hiện các biện pháp “tháo ngòi nổ” những xung đột xã hội tiềm ẩn, giới cầm quyền ở Brazil lại che đậy những “hình ảnh chưa đẹp”, “hình ảnh không tiêu biểu” vì sợ ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia bằng cách sơ tán một số khu dân cư. Thế là World Cup 2014 đến, trong khi thế giới được thưởng thức “bữa tiệc bóng đá” lớn nhất hành tinh, thì nhiều người Brazil lại mất nhà cửa khi chính quyền buộc phải sơ tán để giữ hình ảnh trong sạch trong mắt các du khách. Chẳng khác gì dầu bị đổ thêm lửa, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn và có lúc va chạm giữa người biểu tình và cảnh sát đã xảy ra.
 
Vì thế, một hiện tượng rất lạ là trong khi nhiều người hâm mộ trên khắp các châu lục tìm mọi cách để có mặt tại xứ sở của “vũ điệu shampa” để hòa chung trong không khí cuồng nhiệt và sôi động tại các sân bóng ở Brazil, thì những người biểu tình ở địa phương lại hô vang khẩu hiệu “Ở đây không có Cup” và cố gắng chặn các lối vào nhiều sân vận động. Theo hãng tin CNN thì có khoảng 3.000 hộ gia đình tại Brazil tham gia phong trào “nói không với World Cup” với hy vọng cộng đồng quốc tế có thể gây áp lực lên chính quyền Brazil trong việc giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp.
 
Thời gian qua, phản ứng của giới cầm quyền ở Brazil trong việc giải quyết các vấn đề xã hội vẫn yếu ớt, khi mà các cuộc biểu tình nhỏ xuất hiện, có vẻ như họ vẫn chỉ mới xem là các vấn đề “bên lề sân cỏ”. Cho đến khi một số va chạm, xung đột leo thang, thì họ mới bắt đầu vội vã, sốt sắng có những phản ứng có bề thái quá. Tại Rio và hai thành phố khác là Belo Horizonte và Porto Alegre, người biểu tình phản đối World Cup đã có những hành động quá khích như dùng đá ném vỡ cửa kính các ngân hàng và cửa hiệu trên đường, lật xe cảnh sát.
 
Kéo theo đó, phản ứng với việc chính quyền đầu tư chi phí hàng chục tỉ USD  chi cho World Cup 2014 và Thế Vận hội 2016, những nhân viên mặt đất của các sân bay tại Rio de Janeiro đã đình công phản đối World Cup và yêu cầu tăng lương. Các giáo viên cũng đình công và gây ách tắc giao thông để “nói không với World Cup”.
 
Mới đây, một đoạn phim của AP đã ghi lại cảnh một sĩ quan cảnh sát Brazil dường như đã bắn vào những người biểu tình chống World Cup hôm 15/6 ở gần sân vận động Maracana của Rio de Janeiro. Các phóng viên có mặt tại Brazil cho biết cảnh sát chống bạo động đã bắn hơi cay và lựu đạn gây lóa vào nhóm những người biểu tình. Nhà cầm quyền địa phương đã nhiều phen “muối mặt” với du khách và giới truyền thông khi những người biểu tình đồng hành hô vang các khẩu hiệu như “FIFA, hãy trở về Thụy Sĩ”. 
 
Mới đây, các hãng truyền thông đã truyền đi một bức hình gây sững sờ cho dư luận thế giới về hình ảnh một phụ nữ đang lục tung thùng rác để tìm đồ ăn trong khi bên cạnh đó là những dòng người đang mặc áo Brazil tiến vào sân xem bóng đá. Chưa bao giờ, dư luận lại phải chứng kiến những hình ảnh đau lòng về thực trạng chênh lệch giàu nghèo do World Cup gây ra lại trở nên nhức nhối như lúc này. 
Hy vọng rằng, những bất cập trong việc thực hiện chính sách xã hội ở Brazil sẽ là bài học đắt giá cho các quốc gia liên quan khi tham gia tổ chức các sự kiện lớn trong khi chưa cân đối được ngân sách một cách hợp lý.
 
Chí Linh Sơn