"Chúng tôi luôn sẵn sàng tiến hành các cuộc thảo luận về việc cung cấp hệ thống phòng không S-400 Triumph với các nước, bao gồm cả Iran, đặc biệt là khi hệ thống này không nằm trong danh sách cấm và hạn chế của Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ban hành ngày 20/6/2015", Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga ngày 28/6 tuyên bố.
Tuyên bố được Nga đưa ra sau khi tờ Bloomberg dẫn nguồn tin giấu tên cho biết Tehran đã gửi đề xuất mua tên lửa S-400 cho Moskva nhưng bị Tổng thống Vladimir Putin từ chối. Theo nguồn tin, ông chủ Điện Kremlin dường như lo ngại sự xuất hiện của hệ thống S-400 trên lãnh thổ Iran có thể làm tăng căng thẳng tại Trung Đông, vượt ngoài tầm kiểm soát và gây nguy cơ nổ ra xung đột quân sự.
Tuy nhiên, quân đội Nga cho biết hiện chưa nhận được bất cứ đề nghị nào của Iran liên quan đến hợp đồng mua S-400.
Căng thẳng tại Vùng Vịnh tiếp tục gia tăng sau khi Iran bắn rơi 1 UAV trinh sát Mỹ ở eo biển Hormuz hôm 20/6. Tổng thống Donald Trump sau đó cho biết Mỹ đã sẵn sàng không kích Iran để trả đũa, nhưng ra lệnh hủy cuộc tấn công do lo ngại số thương vong quá cao. Thay vì hành động quân sự, Washington gia tăng áp lực lên Tehran bằng cách áp thêm lệnh trừng phạt kinh tế với lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và các quan chức cấp cao nước này.
Các tướng quân đội Iran tuyên bố sẽ không khuất phục trước sức ép cấm vận từ Mỹ và sẵn sàng bắn hạ nếu UAV Mỹ tiếp tục xâm phạm không phận nước này.
Quan hệ quốc phòng giữa Moskva và Tehran được đẩy mạnh trong nhiều năm qua với hàng loạt cuộc gặp cấp cao giữa quân đội 2 nước, cũng như nhiều hợp đồng bán vũ khí và hợp tác kỹ thuật quân sự được thực hiện.
Iran đã mua và biên chế 4 tổ hợp phòng không tầm xa S-300PMU-2 vào năm 2015 sau khi Nga gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Đây là một trong những tổ hợp phòng không uy lực nhất thế giới với khả năng phát hiện mục tiêu tàng hình, cũng là nền tảng để Moskva phát triển S-400.