Nga tuyên bố sẵn sàng trở lại hiệp ước INF với các điều kiện mới

aezln11ap0nqilsqopbkjnthfztm83po.jpgChủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Vladimir Shamanov. Ảnh: duma.gov.ru

Ngày 13/2, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Vladimir Shamanov khẳng định Moskva sẵn sàng trở lại hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) theo những điều kiện mới. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, Nga buộc phải bảo vệ chủ quyền của nước này.

Theo ông Shamanov, các loại vũ khí mới mà Nga đang triển khai là biện pháp đáp trả những hành động của phương Tây. Loại vũ khí mới mà ông Shamanov đề cập là tàu ngầm không người lái được Nga chế tạo mang tên "Poseidon," mà Tổng thống Vladimir Putin đã nhắc đến trong Thông điệp Liên bang đọc ngày 1/3/2018.

Mỹ lên kế hoạch tăng cường binh lính tới Ba Lan để đối phó Nga

Một lính Mỹ tham gia tập trận tại Ba Lan tháng 1/2017. Ảnh: AFP

AFP đưa tin, phát biểu trước thềm một hội nghị an ninh cấp cao tại Ba Lan, Đại sứ Mỹ tại Warsaw Georgette Mosbacher ngày 13/2 cho biết Mỹ có kế hoạch tăng cường hiện diện quân đội ở Ba Lan ngoài quân đoàn gồm 4.000 binh sỹ hiện đã được triển khai ở đây để "đối phó với một nước Nga đang trỗi dậy". 

Phát biểu với Tờ Financial Times, Đại sứ Mosbacher khẳng định đáp lại yêu cầu từ chính phủ cánh hữu của Warsaw, sẽ có sự thúc đẩy lớn trong sự hiện diện của quân đội Mỹ. Bà Mosbacher nhấn mạnh: "Điều đó sẽ rất có ý nghĩa. Tôi nghĩ rằng (Ba Lan sẽ) có được hầu hết những điều họ muốn," song bà không ấn định về thời gian biểu cho hoạt động chuyển quân.

Tổng thống Venezuela yêu cầu Anh trả lại 80 tấn vàng

Tổng thống Nicolas Maduro phát biểu trong sự kiện Ngày Thanh niên 12/2 tại thủ đô Caracas. Ảnh: Reuters

Trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 12/2, Tổng thống Maduro nói Venezuela có 80 tấn vàng dự trữ gửi ở ngân hàng trung ương Anh. Ông Maduro nhấn mạnh số vàng này là tài sản quốc gia hợp pháp thuộc về ngân hàng trung ương Venezuela và yêu cầu Anh phải trả lại để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế.  “Tôi hy vọng Anh tôn trọng luật pháp quốc tế và ngân hàng trung ương Venezuela", Tổng thống Maduro nói.

Chính phủ Venezuela trong nhiều tháng qua đã nỗ lực lấy lại số vàng, nhưng các cuộc đàm phán bất thành. Theo trang tin Bloomberg, chính phủ Mỹ đã buộc Anh phải đóng băng tài sản quốc gia của Venezuela, cùng lúc Washington tăng cường biện pháp trừng phạt nước này nhằm tăng cường gây áp lực buộc Tổng thống Maduro phải chuyển giao quyền lực.

EU bổ sung Saudi Arabia và Panama vào danh sách đen rửa tiền

Ảnh minh họa: iStock

Reuters đưa tin, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 13/2 cho biết tổ chức này đã bổ sung Saudi Arabia, Panama và các chính quyền khác vào danh sách đen các quốc gia và vùng lãnh thổ gây ra mối đe dọa cho khối này do sự kiểm soát lỏng lẻo về chống tài trợ khủng bố và rửa tiền. Trong tổng số 23 chính quyền bị liệt kê, có Afghanistan, vùng lãnh thổ hải ngoại Samoa thuộc Mỹ, Bahamas, Botswana, Triều Tiên, Ethiopia, Ghana, Guam, Iran, Iraq, Libya, Nigeria, Pakistan, Panama, Puerto Rico, Samoa, Saudi Arabia, Sri Lanka, Syria, Trinidad và Tobago, Tunisia, quần đảo Virgin của Mỹ và Yemen.

Ngoài sự gây tổn hại uy tín, các chính quyền này cũng bị coi là đã làm phức tạp quan hệ tài chính với EU. Các ngân hàng của khối này sẽ phải tiến hành kiểm tra bổ sung về các khoản thanh toán liên quan tới các thực thể từ những chính quyền bị liệt vào danh sách nói trên.

Nợ công Mỹ lần đầu tiên vượt 22.000 tỷ USD

Nợ công tăng kéo theo nhiều nguy cơ. Ảnh: Reuters

Con số mà Bộ Tài chính Mỹ chính thức công bố là 22.012 tỷ USD hôm 12/2 (giờ Washington D.C), theo tờ USA Today. Có thể nói nợ công Mỹ gia tăng với tốc độ nhanh hơn trước sau khi Tổng thống Donald Trump công bố gói giảm thuế 1.500 tỉ USD, và sau khi quốc hội Mỹ nỗ lực gia tăng các khoản chi ngân sách cho những chương trình nội địa và quốc phòng.

Tốc độ tăng nợ công quá nhanh là dấu hiệu mới nhất cho thấy tình hình tài chính của Mỹ không chỉ rơi vào tình trạng bất ổn mà có thể còn tệ hơn nữa, theo chuyên gia Michael A. Peterson, tổng giám đốc điều hành Tổ chức Peter G. Peterson. Theo giới chuyên gia, người Mỹ nên lo lắng khi nợ công phình to vì theo thời gian, lãi suất tiêu dùng và thương mại buộc phải tăng theo, gây hậu quả cho nền kinh tế trên diện rộng.

Tây Ban Nha dự kiến đóng cửa toàn bộ 7 nhà máy điện hạt nhân vào năm 2035

Tây Ban Nha đặt mục tiêu đóng cửa toàn bộ 7 nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: Reuters

Tây Ban Nha đặt mục tiêu đóng cửa toàn bộ 7 nhà máy điện hạt nhân trong giai đoạn từ năm 2025-2035. Đây là một phần trong kế hoạch sản xuất điện hoàn toàn từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2050 của quốc gia châu Âu này.

Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera đã đưa ra thông báo trên và đồng thời cho biết chính phủ sẽ trình bày dự thảo kế hoạch về chống biến đổi khí hậu trước Quốc hội vào ngày 22/2 tới. Theo dự thảo kế hoạch vốn được soạn thảo hồi năm ngoái, Chính phủ Tây Ban Nha đặt mục tiêu cấm bán xe chạy xăng, dầu diesel và xe hybrid từ năm 2040 và khuyến khích xây dựng cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo như trang trại gió và nhà máy điện mặt trời có công suất ít nhất 3.000 megawatt/năm.