Cuộc gặp thượng đỉnh của nhà lãnh đạo các nước “Bộ tứ Normandy” gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kết thúc tại Paris, Pháp bằng một cuộc họp báo chung ngày 10/12 (theo giờ Hà Nội). Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng, song hội nghị thượng đỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
“Các bên đã cố gắng vượt qua khoảng thời gian yên ắng” trong tiến trình giải quyết xung đột ở Donbass - đó là lời ca ngợi dành cho Hội nghị thượng đỉnh Normandy của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Đặc biệt thống nhất sửa đổi Hiến pháp Ukraine dựa trên công thức Steinmeier và bày tỏ cam kết thiết lập thỏa thuận ngừng bắn đầy đủ tại Donbass vào cuối năm 2019. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi việc giải quyết khủng hoảng ở Ukraine đang ngày càng “nóng lên” và phát triển đúng hướng.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky bày tỏ sự tiếc nuối khi nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết trong cuộc họp lần này tại Paris.
Đề cập đến chủ đề bán đảo Crimea và phác thảo lập trường quan điểm của Kiev trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Normandy, tuy nhiên, Tổng thống Zelensky lại không nhận lại được bất kỳ sự phản hồi, hay thảo luận chi tiết nào liên quan tới vấn đề này.
Tổng thống Zelensky thừa nhận đã “chuẩn bị rất kỹ” cho cuộc thảo luận về Crimea, song diễn biến không như ông mọng đợi, và bày tỏ sự tin tưởng rằng, tại Hội nghị Normandy tiếp theo sau 4 tháng nữa, vấn đề Crimea sẽ được đưa ra bàn đàm phán.
Vận chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine cũng là một vấn đề rất được quan tâm tại hội nghị. Mặc dù hợp đồng vận chuyển khí đốt tự nhiên giữa Kiev và Moskva đã dừng lại, Tổng thống Zelensky hy vọng các bên sẽ tìm thấy giải pháp mới trong thời gian ngắn, trong đó Kiev sẵn sàng xem xét khả năng thu hồi khoản nợ từ Gazprom - mà Tòa trọng tài quốc tế đã phân xử, không phải bằng tiền mặt mà bằng khí đốt tự nhiên.
Tổng thống Zelensky gọi đây là “vị trí thỏa hiệp” của Ukraine. Về phía mình, Tổng thống Putin cho rằng, giá xăng cho người tiêu dùng công nghiệp ở Ukraine có thể thấp hơn 25% nếu Moskva và Kiev đồng ý “hợp tác trung thực” với nhau.
Hội nghị “Bộ tứ Normandy” lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với tất cả các bên tham gia. Nhưng nó mang ý nghĩa chính trị đặc biệt to lớn đối với Tổng thống Zelensky.
Không có thỏa thuận hòa bình toàn diện nào được như mong đợi từ cuộc họp tại Paris lần này, song các bên cũng hy vọng rằng, cuộc họp sẽ giúp xây dựng niềm tin, đặt nền móng cho những bước tiến xa hơn giữa 2 quốc gia láng giềng Nga - Ukraine vốn có nhiều bất đồng này.