Sự thật bị “bóp méo”
Theo hãng thông tấn AP của Mỹ, những tài liệu nói trên đã tiết lộ không ít nỗi thất vọng sâu sắc về sự chỉ đạo, điều hành của siêu cường số 1 thế giới trong cuộc chiến tại “chảo lửa” Afghanistan. Những nỗi ê chề này còn bao hàm cả về chiến lược thường xuyên thay đổi “sáng nắng, chiều mưa” của Washington, những cuộc vật lộn để phát triển một lực lượng chiến đấu hiệu quả của Afghanistan và vô vàn thất bại liên tiếp khi không thể đánh bại lực lượng Taliban và chống nạn tham nhũng trong chính phủ sở tại.
“Chúng tôi hoàn toàn thiếu sự hiểu biết căn bản về Afghanistan".
“Chúng tôi hoàn toàn thiếu sự hiểu biết căn bản về Afghanistan - chúng tôi không biết mình đang làm gì” là tiết lộ chấn động của Douglas Lute - một tướng Lục quân 3 sao từng phụng sự với vai trò chỉ huy cuộc chiến Afghanistan dưới thời cựu Tổng thống Bush và cựu Tổng thống Obama, khi trao đổi với đội ngũ phỏng vấn trong chính phủ hồi năm 2015.
Các cuộc phỏng vấn này được tiến hành trong khuôn khổ dự án “Những bài học rút ra” của cơ quan có tên gọi là Tổng Thanh tra Đặc biệt phụ trách Tái thiết Afghanistan (SIGAR) trong vòng vài năm qua. SIGAR đến thời điểm này đã tung ra 7 bản báo cáo từ hơn 400 cuộc phỏng vấn, và hiện vẫn còn một số bản báo cáo khác trong quá trình thực hiện. Tờ The Washington Post đã tìm kiếm và nhận được dữ liệu phỏng vấn thô thông qua Đạo luật Tự do Thông tin và các vụ tranh tụng.
Những tài liệu tiếp cận được dẫn lời các quan chức có quan hệ mật thiết với nỗ lực tham chiến suốt 18 năm qua của xứ sở cờ hoa, và đáng chú ý hơn cả, đã mô tả một chiến dịch do chính phủ Mỹ tiến hành, hòng bóp méo sự thật phũ phàng về cuộc chiến dài hơi này.
“Mọi điểm dữ liệu đều đã bị thay đổi để bày ra bức tranh đẹp nhất có thể”.
“Mọi điểm dữ liệu đều đã bị thay đổi để bày ra bức tranh đẹp nhất có thể”, Bob Crowley, một đại tá Lục quân Mỹ từng giữ vai trò cố vấn chống phe nổi dậy cho các chỉ huy quân sự Mỹ vào năm 2013 và 2014, nói với các nhà phỏng vấn chính phủ và được tờ the Post dẫn lời lại. “Chẳng hạn như, các cuộc khảo sát, hoàn toàn không đáng tin cậy nhưng lại tái khẳng định rằng mọi việc chúng tôi đang làm khi ấy là đúng đắn và chúng tôi trở thành những kẻ tự biên tự diễn”, ông này lý giải thêm.
Hôm 9/12, Lầu Năm Góc cũng đã ra tuyên bố khẳng định bộ này “không có ý định” lừa dối Quốc hội hay công chúng. Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ “đã liên tục thông báo tiến triển cùng những thách thức gắn với những nỗ lực của chúng tôi tại Afghanistan, và Bộ Quốc phòng cung cấp các báo cáo định kỳ cho Quốc hội nêu bật những thách thức này”, Trung tá Thomas Campbell - một người phát ngôn của bộ này cho biết. “Hầu hết các cá nhân được phỏng vấn đều phát ngôn sau khi mọi chuyện đã xảy ra. Sự đã rồi cũng đã cho phép bộ này đánh giá những đường hướng trước đó và sửa đổi chiến lược của chúng tôi, như việc chúng tôi đã làm năm 2017 với sự ra đời chiến lược Nam Á của Tổng thống”.
Thất bại tại vũng lầy
Trên thực tế, SIGAR đã thường xuyên lên tiếng về những thất bại của cuộc chiến Afghanistan thông qua những báo cáo với phổ thời gian cách đây có khi hơn 1 thập kỷ, bao gồm những vấn đề chuyên sâu liên quan đến sự lãng phí khi chi gần 1.000 tỷ USD cho cuộc xung đột này. John Sopko - người đứng đầu SIGAR, đã xác nhận rằng những tài liệu mà họ thu thập được cho thấy “người dân Mỹ đã liên tục bị dối lừa”. Theo AP, SIGAR là cơ quan được Quốc hội Mỹ thành lập hồi năm 2008, nhằm tiến hành các cuộc kiểm tra, kiểm toán và điều tra về việc lãng phí chi tiêu chính phủ cho cuộc chiến tại Afghanistan.
Phản ứng trước những phát hiện mới của câu chuyện về sự dính líu của Mỹ trên đất Afghanistan suốt 18 năm qua, không ngoài dự kiến, các thành viên đảng Dân chủ trên Đồi Capitol đã nhanh chóng bày tỏ thái độ ủng hộ.
Hạ nghị sỹ Ted Lieu đại diện cho cử tri California đã viết trên mạng xã hội Twitter rằng: “Cuộc chiến tại Afghanistan là một thất bại lưỡng đảng kinh khủng. Tôi từ lâu đã kêu gọi rút quân đội Mỹ khỏi vũng lầy đó. Giờ đây có vẻ như các quan chức Mỹ đã lừa dối dân chúng Mỹ về cuộc chiến ấy. Đã đến lúc phải rời Afghanistan. Ngay lập tức”.
Cũng thông qua kênh này, hạ nghị sỹ Ro Khanna bày tỏ: “775.000 binh lính của chúng ta đã được triển khai. 2.400 người Mỹ đã thiệt mạng. Hơn 20.000 người Mỹ bị thương. 38.000 dân thường bị sát hại. Tốn kém hàng nghìn tỷ USD. Rumsfeld đã nói hồi năm 2003: “Tôi không nhìn rõ ai mới là kẻ xấu”.
Trong khi đó, từ góc độ giáo sư chuyên nghiên cứu về chính phủ và các quan hệ quốc tế tại Đại học Cornell, chuyên gia Sarah Kreps khẳng định các cuộc phỏng vấn hé lộ sự thiếu kết nối lớn giữa điều mà giới lãnh đạo quân sự và dân sự được biết về cuộc chiến, so với điều mà người dân Mỹ được biết, nhất là về khía cạnh các khoản chi phí bỏ ra.
Chưa dừng lại ở đó, tờ The Post - công đầu trong việc phát hiện thông tin chấn động lần này, quả quyết rằng trong khi các cuộc phỏng vấn chỉ chứa rất ít tiết lộ về các chiến dịch quân sự trong cuộc chiến, thì chúng lại bao hàm rất nhiều lời lẽ chỉ trích, cho thấy câu chuyện mà các quan chức thường “ba hoa” về những tiến triển đạt được chỉ là “chuyện bịa” mà thôi.
James Dobbins, một cựu nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ, từng đóng vai trò đặc phái viên về Afghanistan dưới thời Bush và Obama đã thẳng thắn đánh giá về cuộc chiến trong phần phỏng vấn của mình. Xin trích lại nội dung này thay cho lời kết: “Chúng tôi không xâm lược các nước nghèo để biến họ trở nên giàu có. Chúng tôi không xâm lược các nước độc tài để biến họ trở nên dân chủ. Chúng tôi xâm lược các nước bạo lực để giúp họ trở nên hòa bình và rõ ràng chúng tôi đã thất bại tại Afghanistan”.