Giới quan sát đã bình luận, chuyến thăm Nga của Tổng thống al-Sisi khi đó đã thắt chặt quan hệ, đưa Nga và Ai Cập vào một giai đoạn hợp tác mới đi vào chiều sâu và thực chất. Tất yếu, chuyến công du của Ngoại trưởng Nga Lavrov lần này cũng không nằm ngoài mục tiêu làm sâu sắc thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên. Thế nhưng không dừng lại ở đó, việc Ngoại trưởng Nga lựa chọn Ai Cập làm điểm đến trong chuyến công du lần này không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương, ông Lavorv còn được cho đang muốn tận dụng mối quan hệ này làm bước đệm để tiếp cận và xử lý điểm nóng Libya - một địa bàn địa chiến lược khác chỉ sau Syria mà Moscow đang muốn gia tăng ảnh hưởng.
Libya - quốc gia láng giềng phía Tây của Ai Cập, một điểm tiếp cận chiến lược đối với khu vực Trung Đông - Bắc Phi cũng như khu vực Sahel của châu Phi. Thời gian qua, Nga và Ai Cập đều ủng hộ Tướng Khalifa Haftar - chỉ huy quân đội ở miền Đông Libya. Hồi tháng 7/2020, Quốc hội Ai Cập đã phê duyệt điều khoản quy định Tổng thống al-Sisi có quyền triển khai quân đội ở nước ngoài để chống lại các nhóm khủng bố và dân quân. Theo giới quan sát, mặc dù Ai Cập không có khả năng triển khai quân đội vào Libya nếu không có lý do đặc biệt nghiêm trọng, nhưng Nga lại ấp ủ những kế hoạch dự phòng với Cairo để chuẩn bị cho bất kỳ một kế hoạch nào nếu cần. Các kế hoạch này bao gồm cả việc cho phép Ai Cập sử dụng các căn cứ hoạt động của các nhóm lính đánh thuê Wagner - mà phương Tây cáo buộc là do Nga hậu thuẫn, trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự. Song song với việc chuẩn bị các giải pháp dự phòng, chính quyền Tổng thống Putin cũng luôn sẵn sàng đứng ra chủ trì các cuộc đàm phán giữa các phe phái tại Libya, giữ vai trò trung gian hòa giải, tăng cường tiếng nói và vị thế tại khu vực.
Gửi thông điệp với phương Tây
Nhưng mặt khác, có ý kiến cho rằng, có vẻ như Nga và Iran cũng đang tồn tại một số khác biệt về vấn đề đàm phán hạt nhân. Nếu như Iran bày tỏ thái độ cứng rắn trong đàm phán thỏa thuận với các cường quốc, thì quan điểm của Nga là đều có thể thương lượng trong mọi vấn đề. Hay trong vấn đề Syria, chính quyền Tehran cũng chỉ trích phía Moscow không thực sự cứng rắn, khi Israel thực hiện các vụ tấn công vào các cơ sở của các lực lượng thân Iran ở Syria thời gian qua. Bởi thế, chuyến thăm lần này cũng là dịp để hai bên cùng giảm thiểu khác biệt và tăng cường hợp tác vì lợi ích chung là ứng phó với Mỹ và phương Tây.
Ở góc độ khác, thực tế thời gian qua, Nga chọn cách can dự một cách tích cực, thiện chí vào khu vực Trung Đông theo hướng các bên “cùng có lợi” và Nga là một nhân tố đáng tin cậy. Điều này lý giải cho việc Nga vừa thân thiện với Iran nhưng cũng vừa xích lại gần cả Israel, Saudi Arabia hay Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng có ý kiến cho rằng, có thể Nga đang cùng với các nước như Trung Quốc, Iran và Triều Tiên để cùng bắt tay chống lại Mỹ và phương Tây theo một cách nào đó. Việc Ngoại trưởng Lavrov chọn đến thăm Iran vào thời điểm mà hàng loạt điểm nóng như vấn đề Sysia, Yemen, Palestine... vẫn đang ngổn ngang, cũng là thông điệp gửi đến chính quyền mới tại Mỹ. Đặc biệt là khi, Tổng thống Joe Biden đang có xu hướng đặt trọng tâm nhiều hơn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thay vì khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Đó là chưa kể, quan hệ tốt với các nước trong khu vực sẽ chỉ mang lại các hợp đồng mua bán vũ khí khổng lồ cho Nga. Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Hợp tác kỹ thuật - quân sự của Nga, xuất khẩu quốc phòng của nước này sang khu vực Trung Đông và Bắc Phi đạt ít nhất 6 tỷ USD mỗi năm và luôn giữ mức doanh thu ổn định.
Về quan hệ song phương, dự kiến Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm nay (13/4) sẽ hội đàm với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif. Những nội dung thảo luận trọng tâm gồm có các dự án năng lượng, giao thông, triển vọng hợp tác văn hóa, nhân đạo và đặc biệt là hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Minh chứng cho quan hệ tốt đẹp giữa hai bên là Iran hồi tháng 1 năm nay đã ký thỏa thuận mua và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V của Nga. Như thế, bất chấp các nước lớn đang tích cực tiếp cận Trung Đông - Bắc Phi bằng nhiều cách, như các chuyến thăm liên tục của các quan chức Mỹ hay Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Nga Valadimir Putin có lẽ vẫn có cách tiếp cận riêng để đảm bảo “vận hành ổn định” chính sách với khu vực địa chiến lược này./.