Ukraine mua 210 tên lửa chống tăng Javelin và 37 ống phóng của Mỹ năm 2018 với giá khoảng 47 triệu USD. Cuối năm 2019, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã phê duyệt bán lô thứ 2 với 150 tên lửa và 10 ống phóng cho Ukraine.
Tuy nhiên, đi kèm với các hợp đồng này là các điều kiện hạn chế sử dụng, trong đó có điều khoản các tên lửa Javelin phải được cất giữ ở miền Tây Ukraine, cách xa các khu vực xảy ra xung đột.
Tuy nhiên, dù Washington kêu gọi Kiev chỉ sử dụng Javelin vì các mục đích phòng vệ và yêu cầu tên lửa này phải được cất giữ ở các cơ sở an toàn ở xa vùng xung đột, thì cũng không có hạn chế nào về mặt địa lý đối với việc triển khai tên lửa trên thực tế và điều này đồng nghĩa với việc các lực lượng Ukraine có thể vận chuyển, phân phối và sử dụng chúng bất cứ lúc nào.
Ukraine và việc sử dụng tên lửa Javelin
Nếu tên lửa Javelin được chuyển đi, điều này cũng chưa chắc đồng nghĩa với việc chúng sẽ được sử dụng. Theo tính toán của Kiev, hiện vẫn chưa đến lúc cần khai hỏa loại vũ khí này. Các nguồn tin ở Ukraine này nói rằng, lằn ranh đỏ có thể là việc xe tăng Nga vượt qua biên giới vào lãnh thổ Ukraine.
Trong tuyên bố ngày 12/4, Ngoại trưởng các nước G7 – gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu – đã chỉ trích việc Nga đưa binh sỹ tới sát biên giới Ukraine, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về động thái này.
“Việc điều động binh sỹ quy mô lớn này, mà không có thông báo trước, là hành động đe dọa và gây mất ổn định. Chúng tôi kêu gọi Nga dừng các hành động khiêu khích và ngay lập tức hạ nhiệt căng thẳng phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế”, tuyên bố nêu rõ...