Ngày 4/3, Chính phủ Nga đã tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia láng giềng Ukraine.
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm về tình hình Ukraine, và lập trường của hai bên là gần như tương đồng.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí về định hướng hành động của Moskva, đó là giúp giảm căng thẳng tại Ukraine và bảo đảm an ninh cho các công dân nói tiếng Nga tại Ukraine.
Tổng thống Nga Putin cũng đã điện đàm với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, đặc biệt là những diễn biến mới tại nước Cộng hòa tự trị Crimea.
Hai nhà lãnh đạo tin tưởng rằng hòa bình tại Crimea sẽ được bảo đảm, đồng thời khẳng định sẽ ủng hộ các cuộc tiếp xúc ở nhiều cấp độ khác nhau để thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu tự trị này.
Trong khi đó, nguồn tin từ chính phủ lâm thời tại Ukraine cho biết Moskva và Kiev đã bắt đầu các cuộc tiếp xúc ở cấp bộ trưởng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị. Tuy nhiên không công bố chi tiết về nội dung nghị sự giữa hai bên. Thông tin này cũng chưa được Nga xác nhận.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng tối cao (tức Quốc hội ) nước cộng hòa tự trị Crimea cho biết một phái đoàn nghị sĩ của bán đảo này sẽ tới Nga vào cuối tuần này để gặp các nghị sĩ tại Hạ viện Nga. Dự kiến các bên sẽ thảo luận về nhiều vấn đề trọng yếu, đặc biệt là viện trợ nhân đạo và năng lượng.
Đáp lại lời kêu gọi từ phía liên minh châu Âu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tới thủ đô Madrid của Tây Ban Nha và có cuộc hội đàm riêng rễ với thủ tướng nước chủ nhà Mariano Rajoy cùng cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton. Tuy nhiên chưa có thông tin gì về cuộc họp này được các bên tiết lộ.
Cùng ngày, nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Italy cho biết Nga đã nhất trí gặp các đại diện của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày hôm nay 5/3 để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Chỉ vài giờ sau cuộc họp báo ngày 4/3 của Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình Ukraine, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng đáp trả, khi nói rằng tuyên bố của ông Putin về Crimea là một sai lầm và rằng Nga đã tự cô lập thông qua những hành động của mình trong khi vẫn có khả năng để Ukraine làm bạn với cả Phương Tây và Nga."
Ông Obama cũng công nhận "Nga có các lợi ích chính đáng với những điều đang xảy ra tại một nước láng giềng," song nhấn mạnh "điều đó không mang lại quyền sử dụng vũ lực như một phương tiện để áp đặt ảnh hưởng lên nước đó."
Những phát biểu cứng rắn của Tổng thống Mỹ được đưa ra trong bối cảnh ông này đang bị chỉ trích là hành động quá yếu ớt trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Về khó khăn kinh tế của Ukraine, ông Obama cũng hối thúc Quốc hội Mỹ và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sớm thông qua một kế hoạch trợ giúp kinh tế trị giá 1 tỷ USD cho chính quyền lâm thời ở Kiev. Tổng thống Mỹ cho rằng khoản viện trợ này sẽ đảm bảo chính phủ lâm thời của Ukraine có khả năng tổ chức cuộc bầu cử sớm dự kiến vào tháng năm tới.
Trong cuộc họp báo trước đó, Tổng thống Nga bác bỏ những cáo buộc rằng Nga đã triển khai binh lính tại Crimea. Ông nói rằng Nga có thể sẽ triển khai các lực lượng vũ trang của mình tại Ukraine nhưng chỉ trong những trường hợp cực kỳ khẩn cấp và dựa trên quy định của luật pháp quốc tế. Ông Putin cũng cho rằng Mỹ và EU đang hậu thuẫn một chính phủ không hợp hiến, không thống nhất, không đại diện cho toàn bộ người dân Ukraine, vì vậy cũng không có tư cách pháp lý quốc tế hay có đủ tư cách quyết định vận mệnh dân tộc.
Trong khi đó, trao đổi với báo giới sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseni Yaseniuk cho biết Kiev đã khởi động các cuộc đàm phán về hỗ trợ tài chính mà Mỹ và Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dành cho Ukraine.
Liên quan tới khó khăn tài chính của Ukraine, cùng ngày, với sự ủng hộ của 280 trong tổng số 450 nghị sĩ, Quốc hội nước này đã phê chuẩn một thỏa thuận vay 610 triệu euro của Liên minh châu Âu (EU) nhằm bình ổn hệ thống tài chính.
Theo thỏa thuận trên, EU sẽ chuyển khoản vay cho Ukraine thành 4 đợt, trong đó đợt đầu khoảng 100 triệu euro và Kiev phải hoàn trả toàn bộ khoản nợ trong vòng 15 năm. Đổi lại, Ukraine buộc phải tiến hành cải cách trong các lĩnh vực năng lượng, thương mại và tài chính.
Tình trạng kinh tế suy sụp với gánh nặng nợ nước ngoài chồng chất đang là một trong những thách thức lớn của chính phủ tạm quyền ở Kiev. Tổng số nợ nước ngoài của quốc gia này tính đến cuối năm 2013 ở mức 80% GDP, tương đương 140 tỷ USD, trong đó, nợ ngắn hạn là 65 tỷ USD, gấp 4 lần dự trữ vàng của Ukraine.
Không chỉ vậy, do khủng hoảng chính trị, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn khỏi quốc gia này và chính phủ mới của Ukraine không còn cách nào khác ngoài giảm chi ngân sách.
Theo ước tính, Ukraine cần khoảng 35 tỷ USD viện trợ để cải thiện nền kinh tế. Tuy nhiên con số mà Mỹ và EU hứa hẹn sẽ viện trợ cho Kiev tới nay mới chỉ lần lượt là 1 tỷ và 1,5 tỷ USD, tức là thấp hơn rất nhiều so với đề nghị viện trợ 35 tỷ USD mà chính phủ lâm thời tại Kiev đưa ra hay cam kết viện trợ 15 tỷ USD của Nga.
Khó khăn càng chồng chất hơn với chính phủ tạm quyền của Ukraine khi trong ngày 4/3, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga tuyên bố từ tháng 4, tập đoàn này sẽ bãi bỏ mức giá khí đốt ưu đãi bán cho Ukraine vì nước này đã không đáp ứng thời hạn thanh toán tiền mua khí đốt theo các điều khoản quy định trong hợp đồng đã ký./.
Theo TTXVN