(Baonghean) - Kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine bắt đầu nổ ra từ cuối năm ngoái, đã diễn ra cuộc giằng co vô cùng căng thẳng, giữa một bên là Nga còn một bên là Mỹ và phương Tây. Cuộc giằng co không chỉ diễn ra trên thực địa mà còn trên mặt trận ngoại giao thông qua các phát ngôn và phương tiện truyền thông nhằm chiếm được sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Sức nóng của cuộc giằng co, đấu trí này đang được cả thế giới dõi theo từng bước, bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới quan hệ Nga - Mỹ và phương Tây mà còn có thể xoay chuyển cả chính trường Ukraine những ngày tới.

images939325_anh_ucraina___3.3.jpeg“Lực lượng quân đội - được cho là phục vụ Nga, đi bộ bên ngoài lãnh thổ của một đơn vị quân đội Ukraine ở làng Perevalnoye bên ngoài Simferopol ngày 3/3/2014”.

Liên tục những tuyên bố và động thái của cả Nga và Mỹ cũng như các nước đồng minh phương Tây được tung ra những ngày này tập trung vào điểm nóng Ukraine và bán đảo Crimea. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông va đập và tranh cãi lẫn nhau về nguồn gốc và sự xác thực của thông tin. Trong đó, mỗi bên đều khẳng định những quan điểm và lập trường cứng rắn của riêng mình. Thực tế này phản ánh rõ nét một Ukraine vẫn đang hỗn loạn trước những biến động chính trị lớn gần đây, và cũng cho thấy một cuộc tranh giành lớn giữa các cường quốc vượt ra cả ngoài biên giới nước này. Đó là lợi ích địa chính trị và quyền lợi khu vực của các cường quốc, với một bên là Nga, một bên là Mỹ và các nước phương Tây.

Vốn từ trước đến nay, cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Ukraine vẫn luôn tồn tại, thế nhưng, nó đã đột ngột tăng nhiệt trong những ngày vừa qua. Nhìn vào các diễn biến cấp tập và nhanh đến chóng mặt sẽ thấy ngay điều này. Đầu tiên là những cáo buộc, chỉ trích của Mỹ và phương Tây trước việc Thượng viện Nga phê chuẩn việc triển khai lực lượng vũ trang vào Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu trong Chương trình “Face the nation” của kênh truyền hình CBS đã nói rằng: “Không nên hành xử trong thế kỷ 21 theo cách của thế kỷ 19 khi xâm lược một nước khác với lý do hoàn toàn ngụy tạo”.
 
Trong khi đó về phía Nga, trái với những lo ngại của phương Tây về một khả năng can thiệp quân sự vào Ukraine, trong cuộc phỏng vấn với Kênh truyền hình Rossiya-24 của Nga hôm qua, Chủ tịch Hạ viện Nga, ông Sergei Naryshkin đã khẳng định rõ rằng, quyết định của Thượng viện là trao quyền sử dụng các lực lượng vũ trang trong trường hợp cần thiết, song hiện nay, việc này là không cần thiết. Ông Naryshkin cũng chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ John Kerry "thiển cận" khi đưa ra tuyên bố về sự can thiệp của Nga vào cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Nga cũng đã bác bỏ thông tin nói rằng, nước này đưa ra tối hậu thư tấn công bán đảo Crimea của Ukraine. 
 
Nhưng rõ ràng là Mỹ không thể yên tâm với những tuyên bố của Nga, thể hiện là không chỉ bằng các tuyên bố chỉ trích, Mỹ bằng hành động đã đình chỉ các cuộc đàm phán thương mại và đầu tư sắp tới với Nga, đồng thời cũng tạm dừng tất cả các cam kết hợp tác quân sự với Nga. Rồi một loạt nước đồng minh của Mỹ gồm Anh, Pháp, Đức, Italy và Canada cũng có những động thái phản đối Nga. Cụ thể, Anh và Pháp tuyên bố sẽ không tham gia các cuộc họp trù bị trước Hội nghị G8 chuẩn bị diễn ra tại Thành phố Sochi của Nga. Còn Canada đe dọa sẽ cùng Mỹ tẩy chay hội nghị này. Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO đã ra tuyên bố hối thúc triển khai các quan sát viên quốc tế tới Ukraine. Thậm chí, báo chí Anh còn đăng tải một tài liệu mật liên quan đến kế hoạch trừng phạt Nga của Liên minh châu Âu.
 
Thế nhưng đáp trả lại, Chủ tịch Hạ viện Nga, ông Sergei Naryshkin lại nói rằng: “Chúng tôi đã quen với các cáo buộc thường nhật về việc sử dụng sức mạnh chống lại những người anh em Ukraine. Các âm mưu khiến chúng tôi đụng độ sẽ không có hiệu quả”… Dường như, Mỹ và phương Tây đang ra sức gây sức ép với Nga bằng một chiến lược tổng thể gồm cả ngoại giao và kinh tế. 
 
Lời qua tiếng lại chưa đủ, các thông tin thực địa cũng khiến dư luận phải chóng mặt và không biết đâu là hư, đâu là thật. Về phía Ukraine, theo lực lượng biên phòng nước này thì các tàu từ các cảng Kerch và Sevastopol của Crimea đã được chuyển đến Odessa và Mariupol đồng thời tuyên bố tình hình biên giới của Ukraine ổn định, ngoại trừ Crimea. Theo trang kommersant.ua của Ukraine dẫn thông tin từ thành viên đảng UDAR của lãnh đạo đối lập Klitschko thì nói rằng, quân đội Nga đã tấn công vào một căn cứ hải quân Ukraine ở Sevastopol, các xe bọc thép chở quân đã vây kín lối vào căn cứ của hải đội số 39...
 
Thế nhưng về phía Nga, nước này vẫn kiên định rằng, Nga chỉ làm theo những gì đã thỏa thuận trong Hiệp định về sự đồn trú của Hạm đội Biển Đen của Nga tại bán đảo Crimea, rằng Nga có quyền triển khai tới 25.000 quân tại đây… Trong diễn biến mới thì Tổng thống bị phế truất Ukraine Viktor Yanukovich đã gửi một bức thư cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, kêu gọi ông Putin triển khai quân đội nhằm khôi phục luật pháp, trật tự và sự ổn định tại Ukraine. Tuy vậy, Anh và Pháp đã tuyên bố rằng, đây chỉ là một cách để Nga biện minh cho các hành động của mình.
 
Có thể thấy, giằng co đang càng lúc càng căng thẳng và dường như tất cả các bên vẫn chưa có dấu hiệu xuống thang. Tuy vậy, về phía Mỹ và phương Tây, giới chuyên gia nhận định rằng, dù có nhiều tuyên bố mạnh mẽ nhằm trừng phạt Nga, nhưng các nước này lại đang thiếu phương án khả thi để gây sức ép với Nga. Bởi việc cấm vận kinh tế sẽ ít tác động đến Nga trừ khi đi kèm các biện pháp mạnh khác từ các nước lớn ở châu Âu, những nước có quan hệ thương mại sâu sắc với Nga nhưng lại phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
 
Theo cựu đại sứ Mỹ ở Ukraine và hiện là cố vấn của Viện Brookings ở Wasinhton, ông Steven Pifer nói rằng: “Những gì Mỹ có thể làm một mình là khá hạn chế. Vấn đề là liệu châu Âu có thể đồng tâm hiệp lực hay không”. Rồi việc trừng phạt ngân hàng với Nga cũng khó thực hiện bởi Mỹ vẫn cần sự hợp tác của Nga trong các vấn đề như chương trình hạt nhân của Iran, tình hình Syria, chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên… Hiện nay, chưa biết được cụ thể các biện pháp của Mỹ và phương Tây sẽ tác động thế nào đến Nga, nhưng rõ ràng, mối quan hệ Nga - Mỹ đang rơi vào trạng thái căng thẳng nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh. Và có thể thấy Nga cũng đã phải chịu thiệt hại bước đầu, khi đồng ruble của Nga hôm qua đã mất giá 2%. Rõ ràng, đây sẽ chưa phải là thiệt hại cuối cùng.
 
Những gì đang diễn ra cho thấy, Mỹ và phương Tây đang sốt ruột muốn thực hiện một chiến lược Ukraine tương tự ở Trung Đông và Bắc Phi. Còn với Nga, nước này dường như vẫn sẽ kiên định với quan điểm không can dự nhưng sẵn sàng bảo vệ lợi ích hợp pháp và bảo vệ công dân Nga trên toàn thế giới. Khá nhiều các kịch bản cho Ukraine được báo chí quốc tế đưa ra, trong đó sự can dự của Nga cũng như Mỹ và phương Tây là không thể thiếu. Thế nhưng, có lẽ bất cứ kịch bản nào cũng đều là vô nghĩa nếu không được chính người dân Ukraine định đoạt. Và cuộc đua giữa các cường quốc cũng sẽ phải có một giới hạn không thể vượt qua. Vì nếu để kịch bản xấu xảy ra, không những bản thân quốc gia bị tranh giành sẽ bị tổn thương mà chính các cường quốc cũng sẽ phải trả giá cho những hành động của mình.
 
Phương Hoa