Các cường quốc quân sự Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa giới thiệu 2 dòng xe tăng không người lái Uran-9 và Black Knight. Đây là thành tựu mới nhất, đánh dấu bước tiến trong quá trình phát triển phương tiện chiến đấu bộ binh không người lái (UGV).
Cả Uran-9 và Black Knight đều hiện nhiệm vụ trinh sát từ xa và hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng chiến đấu bộ binh đặc biệt.
Ưu điểm đặc biệt nhất là cả 2 loại chiến tăng này là không cần sự điều khiển trực tiếp của con người mà được điều khiển thông qua trung tâm chỉ huy di động trong phạm vi 3km với nhiều máy tính và thiết bị liên lạc vô tuyến.
Chúng có thể tự động điều hướng, xác định địa hình xung quanh khi di chuyển, tránh chướng ngại vật và tự thiết lập hành trình cho riêng mình.
Dự kiến, trong những tình huống chiến đấu nguy hiểm, chúng sẽ được sử dụng thay thế cho chiến tăng có người lái, giúp giảm thiểu thương vong cho binh sĩ.
Mặc dù cùng thực hiện nhiệm vụ chung, nhưng 2 chiến tăng không người lái này lại được thiết kế dành cho những ưu tiên trọng điểm khác nhau.
Uran-9 - Đối thủ đáng gờm trên chiến trường
Xe tăng Uran-9 do Tập đoàn vũ khí nhà nước Rosoboronexport phát triển. Nguyên mẫu Uran-9 đã được giới thiệu vào đầu năm 2016 và dự kiến dòng xe tăng này sẽ được đưa vào trang bị trong quân đội Nga vào cuối năm 2017.
Chiến tăng này đã nhận được nhiều lời khen ngợi, không chỉ từ phía Nga mà còn từ phương Tây và Mỹ. Chuyên gia phân tích quân sự Dave Majumdar của Tạp chí The National Interest gọi đây là “sứ giả của tương lai”.
Điều này hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi, trên thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, chưa một Quốc gia nào thuộc Liên minh NATO sở hữu hay sản xuất được một đấu tăng không người lái có hỏa lực tấn công mạnh như Uran-9 (bất chấp thực tế là Mỹ đã tiến hành nghiên cứu chế tạo phương tiện chiến đấu không người lái suốt 20 năm qua).
Chiến tăng có chiều dài 5,1m, rộng 2,53m, cao 2,5m, trọng lượng chiến đấu 10 tấn. Thân xe được bọc giáp có khả năng chống vũ khí cá nhân. Xe sử dụng khung gầm bánh xích cho phép di chuyển trên nhiều địa hình khác nhau. Động cơ diesel đa nhiên liệu đạt tốc độ tối đa 35km/h.
Uran-9 có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 6km vào ban ngày và 3km vào ban đêm nhờ được trang bị hệ thống cảm biến tinh vi, trong đó có hệ thống báo động laser, thiết bị phát hiện, nhận dạng và bám mục tiêu.
Nhờ dàn hỏa lực “khủng”, Uran-9 thực sự là mối đe dọa trên chiến trường. Nó có khả năng tác chiến chống lại xe tăng hạng nặng trên chiến trường. Chiến tăng sử dụng tháp pháo thiết kế đặc biệt tích hợp pháo tự động 2A72 và một súng máy đồng trục 7,62mm.
Vũ khí uy lực nhất trên Uran-9 là 4 tên lửa chống tăng 9M120 Ataka. Tên lửa được dẫn hướng bằng sóng vô tuyến có thể tiêu diệt xe tăng trong phạm vi từ 400 đến 6.000m.
Bên cạnh đó, trên Uran-9 còn có 2 hệ thống tên lửa phòng không 9S846 Strelets MANPADS (mỗi hệ thống lắp 3 quả tên lửa 9K33 Igla). Ngoài tên lửa, Uran-9 còn được trang bị 6 ống phóng đạn nhiệt áp RPO Shmel với tầm bắn tối đa 1.700m.
Đây là vũ khí rất hiệu quả trong việc tiêu diệt bộ binh ẩn nấp trong hầm hào. Với dàn hỏa lực hiện đại như vậy, Uran-9 thậm chí còn mạnh hơn hẳn xe bọc thép Stryker của Mỹ vốn chỉ được trang bị đại liên M2 và súng phóng lựu MK19.
Black Knight - bước về trên xe tăng phòng thủ không người lái
Mỹ và phương Tây không bao giờ chậm bước trong việc phát triển các phương tiện yểm trợ hỏa lực tiên tiến.
Tại Triển lãm công nghệ quân sự Global Forces Symposium and Exposition-2017 diễn ra từ ngày 13/3 đến ngày 15/3 tại thành phố Huntsville (bang Alabama, Mỹ), Công ty Quốc phòng Anh BAE Systems đã giới thiệu “đối thủ” của Uran-9 - Chiến tăng không người lái Black Knight.
Dự kiến, dòng xe tăng này sẽ được trang bị cho bộ binh Mỹ vào năm 2018.
Black Knight là chiến tăng hạng trung, dài 5m, nặng khoảng 12-13 tấn. Đây là vũ khí hỗ trợ hỏa lực hữu hiệu cho tăng M1A2 Abrams. Nó có thể triển khai từ máy bay vận tải quân sự C-130.
Ngoài nhiệm vụ chính là hỗ trợ hỏa lực và phòng thủ, Black Knight còn có thể thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu hộ binh sĩ trong vùng tác chiến, cung cấp lương thực và tiếp đạn.
Thân xe được chế tạo bằng hợp kim nhôm, bên ngoài được phủ áo giáp tổng hợp cho phép chống lại đạn xuyên giáp động năng cỡ nòng 25mm. Hai cửa thoát hiểm bọc thép được bố trí phía bên hông chiến tăng, giúp binh sĩ có thể thoát hiểm khẩn cấp khi xe bị bắn cháy.
Black Knight có tầm quan sát khá rộng nhờ hệ thống camera quan sát được lắp đặt trên 5 modul xoay tự động hình trụ trên tháp pháo (1 modul trung tâm và 4 modul bao quanh).
Modul trung tâm linh hoạt nhất, có thể quét dọc và ngang toàn bộ không gian rộng xung quanh. 4 modul bao quanh quan sát không gian hẹp ngay sát vị trí của chiến tăng. Các camera kết nối với hệ thống cảm biến và cảnh báo nên có thể nhanh chóng phát hiện đối tượng di chuyển trong vùng hoạt động.
Để tăng cường hỏa lực cho chiến tăng, trên tháp pháo được lắp đặt một pháo tự động 30mm và súng máy đồng trục 7,62mm điều khiển từ xa có thể tùa chỉnh. Black Knight được trang bị động cơ diesel Caterpillar công suất 300 mã lực, đạt tốc độ đạt 75 đến 80km/h.
Có thể nhận thấy rõ ràng, do trọng điểm của Uran-9 đặt vào khả năng tấn công thọc sâu nên nó có khối lượng nhẹ hơn (10 tấn) so với Black Knight (12-13 tấn) để di chuyển dễ dàng hơn và có thể giảm khả năng bị bắn trúng.
Cùng với dàn hỏa lực mạnh mẽ Uran-9 sẽ là lực lượng xung kích trong các trận đánh vào các cứ điểm kiên cố của kẻ địch, hỗ trợ hỏa lực trực tiếp và đắc lực cho bộ binh.
Trái ngược “đối thủ” với Uran-9, Black Knight không chú trọng vào tấn công tổng lực trên vùng tác chiến rộng mà tập trung vào tính linh hoạt trong việc thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ, chi viện, yểm trợ trong vùng chiến đấu trung tâm.
Black Knight có lớp áo giáp bảo vệ dày hơn, tầm quan sát tốt hơn và tốc độ nhanh gấp hơn 2 lần tốc độ của Uran-9.
Dù Uran-9 và Black Knight khác nhau về thiết kế cũng như nhiệm vụ ưu tiên chính, nhưng đại diện của hai trường phái chế tạo này hứa hẹn sẽ mang lại cho quân đội sở hữu chúng ưu thế lớn trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào.
Theo Quân đội nhân dân