Mỹ tính đòi tăng gấp 5 lần chi phí bảo vệ Hàn Quốc

linhmy_bpux.jpgQuân đội Mỹ - Hàn Quốc. Ảnh: AFP

Trong cuộc họp giữa giới chức cao cấp của 2 nước nhân chuyến công du của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đến Seoul hồi tuần trước, hai bên thống nhất các cuộc thương thảo sẽ diễn ra trên tinh thần "hợp lý và công bằng" để quyết định chi phí tốn kém trước bối cảnh căng thẳng trên bản đảo Triều Tiên, hãng tin Yonhap ngày 30/7 dẫn nguồn từ Bộ ngoại giao nước này.

Nguồn tin không đề cập chi phí cần thiết để truy trì lực lượng 28.500 quân Mỹ-Hàn trong năm 2020 cũng như yêu cầu chia sẻ gánh nặng ngân sách quốc phòng từ phía Washinton đối với Seoul. Tuy nhiên, nhật báo địa phương JoongAng Ilbo tiết lộ Washington tạm thời yêu cầu Seoul tham gia đóng góp 5 tỉ USD, tức cao hơn gấp 5 lần so với năm trước. 

Chiến hạm Nga và Iran có thể tập trận chung ở eo biển Hormuz

Tàu chiến Iran trong một cuộc tập trận năm 2011 tại eo biển Hormuz. Ảnh: IRIN.

"Một cuộc tập trận chung giữa Nga và Iran dự kiến sớm được tổ chức ở Ấn Độ Dương, có thể ở phía Bắc Ấn Độ Dương, bao gồm cả eo biển Hormuz", Đô đốc Hossein Khanzadi, Tư lệnh Hải quân Iran, tuyên bố. Ông tiết lộ hai bên đang đàm phán về khả năng tăng cường phối hợp hành động trong lĩnh vực quốc phòng trên Biển Caspi. Theo Đô đốc Khanzadi, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Iran và Bộ Quốc phòng Nga đã ký biên bản ghi nhớ mở rộng quan hệ song phương. Văn kiện này được coi là bước ngoặt trong quan hệ giữa Moskva và Tehran trong lĩnh vực quốc phòng. 

Tuyên bố của Khanzadi được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang sau hàng loạt sự cố chạm trán tại Vùng Vịnh. Trong khi Mỹ kêu gọi thành lập một liên minh hải quân quốc tế tuần tra eo biểu Hormuz để đối phó với Iran, Nga cho rằng chính Mỹ mới là bên gây căng thẳng khu vực bằng những cáo buộc vô căn cứ, xuất phát từ "hội chứng sợ Iran".

Thủ tướng Anh bị chỉ trích không thực tâm tìm kiếm thỏa thuận Brexit

Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ hiến ScotlandSturgeon. Ảnh: Politics Home

Ngay sau cuộc gặp với  tân Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon công khai chỉ trích ông Johnson là không thực tâm tìm kiếm một thỏa thuận Brexit với Liên minh châu Âu mà chỉ muốn đưa Vương quốc Anh rời khối này mà không có thỏa thuận. Bà Nicola Sturgeon cho rằng vị tân Thủ tướng Anh là đang cố tình theo đuổi một con đường nguy hiểm cho cả Scotland lẫn Vương quốc Anh. 

"Quan điểm mà Chính phủ Anh đưa ra khiến tôi khó có thể hình dung là làm cách nào mà họ có thể đạt được một thỏa thuận với EU, và đó sẽ là thảm họa cho Scotland và cho cả Vương quốc Anh. Tôi đã nói rất rõ với ông Boris Johnson về sự phản đối của tôi đối với Brexit và với Brexit không thỏa thuận, cũng như về việc người dân Scotland phải có quyền tự lựa chọn con đường và tương lai của mình, chứ không phải tương lai do người khác áp đặt”, bà Sturgeon nói.

Israel phá hủy lều, trại của người Palestine ở Bờ Tây
Một tòa nhà của người Palestine tại Sur Baher, Đông Jerusalem bị phá dỡ ngày 22/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nguồn tin của Palestine ngày 30/7 cho biết binh sỹ Israel đã phá hủy các lều và trại gia súc của người Palestine tại khu dân cư Ras al-Ahmar ở Thung lũng Jorrdan sáng cùng ngày. Đây là chiến dịch phá hủy thứ 2 của lực lượng Israel tại khu vực này kể từ tháng Sáu, trong đó một xe ủi đất của Israel đi cùng với các binh sỹ đã phá hủy các lều của người dân và một số trại của người nuôi gia súc làm 17 người phải rời đi.

Theo dữ liệu chính thức, Thung lũng Jordan, nằm về phía Đông Bờ Tây ráp ranh với Jordan, là nơi cư trú của khoảng 65.000 người Palestine và khu vực này chiếm gần 30% diện tích Bờ Tây. Israel nhiều lần nói sẽ không từ bỏ kiểm soát khu vực chiến lược Thung lũng Jordan, trong khi người Palestine cho rằng khu vực này phải là một phần của quốc gia tương lai của mình.

Indonesia trả lại 7 container rác cho Pháp và Hong Kong

Rác thải trong những container nằm tại cảng của Indonesia. Ảnh: AFP.

Theo Susia Brata, đại diện giới chức đảo Batam của Indonesia ngày 30/7 cho biết, tàu chở container chứa rác nhựa và chất thải cấm nhập khẩu vào Indonesia rời cảng, trong khi 42 container khác đang chờ được chuyển đi..

Tổng cộng 7 container rác, trong đó 5 container cho Pháp và 2 container cho đặc khu hành chính Hong Kong, Trung Quốc, đã được chuyển đi. Giới chức Indonesia xác định những container này chủ yếu là rác nhựa và một số chất thải cấm nhập khẩu vào nước này. Ngoài số rác trên, Indonesia vẫn còn 42 container rác tại các cảng đang chờ gửi trả lại Mỹ, Australia và Đức.