Phát biểu với báo chí tại Washington, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết nước này hối thúc Mỹ không trộn lẫn dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 với hoạt động chính trị.
Novak đã thăm Washington ngày 26/6 để tham dự Hội nghị Khí đốt Thế giới. Trong chuyến thăm, vị bộ trưởng của Nga đã gặp gỡ Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry của Mỹ để thảo luận về Dòng chảy phương Bắc 2, bên cạnh các vấn đề khác.
“Tôi đã bày tỏ quan điểm rằng Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án sẽ đem lại lợi ích về kinh tế cho châu Âu, làm lợi cho người tiêu dùng châu Âu và được các công ty châu Âu cùng thực hiện với Gazprom”, ông nói.
“Và dĩ nhiên, để bảo đảm an ninh năng lượng của châu Âu cũng như thỏa mãn yêu cầu của châu Âu về các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường trong một tầm nhìn dài hạn, việc thực thi các dự án cơ sở hạ tầng dạng này nên dựa trên nền kinh tế, không có những phán xét về mặt chính trị”, ông phát biểu.
“Như họ khẳng định, chúng tôi đã trao đổi các quan điểm. Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này, vì Bộ trưởng Perry và tôi nhất trí duy trì liên lạc”, Novak nói thêm.
Sau khi Mỹ trở thành nước nhập khẩu ròng khí thiên nhiên lần đầu tiên trong 60 năm qua do phát triển lĩnh vực khí thiên nhiên hóa lỏng LNG, Washington đã bắt đầu đe dọa Nga bằng các đòn trừng phạt nhằm vào dự án đường ống dẫn khí đốt tới châu Âu Dòng chảy phương Bắc 2. Giới chức Âu và Nga nhiều dịp đã khẳng định rằng chính sách trừng phạt của Mỹ nhằm ép Nga rời khỏi thị trường năng lượng châu Âu và thúc đẩy các nguồn cung LNG của nước này. Đạo luật Chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua các đòn trừng phạt (CAATSA) cho phép Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt đơn phương với các công ty tham gia dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga sẽ hoan nghênh sự tham gia của châu Âu trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Ông nêu tên hãng Total của Pháp là một trong những đối tác tiềm năng.
Đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2019. Đường ống này sẽ chạy từ bờ biển của Nga dọc đáy Biển Baltic tới bờ biển của Đức. Mỗi nhánh trong 2 nhánh của đường ống sẽ có dung tích 27,5 tỷ mét khối. Đường ống mới, dự kiến nối cơ sở tài nguyên của Nga với các khách hàng châu Âu, sẽ tăng gấp đôi công suất của đường ống đầu tiên và về cơ bản đi theo tuyến đường cũ. Chi phí xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 dự kiến khoảng 9,5 tỷ euro.
Đường ống này sẽ chạy qua các nước Ukraine, Belarus, Ba Lan và nhiều nước khác, và sẽ chạy qua các vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển thuộc lãnh thổ 5 nước: Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.