Sau sự kiện Mỹ kích hoạt tổ hợp tên lửa đánh chặn Aegis Ashore tại Romania và khởi động xây dựng tổ hợp vũ khí tương tự tại Ba Lan, áp sát lãnh thổ Nga, giới truyền thông Nga đã nói nhiều về dòng vũ khí từng làm đau đầu giới chức Mỹ và khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong thời Chiến tranh lạnh là đoàn tàu hạt nhân Barguzin.

Giới chuyên gia quân sự Nga nhận định, Barguzin chính là một trong những đối trọng mạnh mẽ với chương trình phòng thủ tên lửa BMD của NATO đang thực hiện tại châu Âu. Vậy thực tế dòng vũ khí đặc biệt từng có lịch sử từ thời Chiến tranh lạnh này là gì?

Vũ khí chiến lược làm đau đầu Mỹ và NATO

Trước khi Barguzin được giới thiệu, trong những năm 1980, Liên bang Xô Viết từng phát triển dòng vũ khí có khả năng tương tự là tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục (ICBM) RT-23 Molodets. Khi đưa vào trang bị năm 1987, tổ hợp vũ khí này đã mang lại thành công trên cả mong đợi của giới chức quân sự Liên Xô.

Ảnh minh họa.

Đoàn tàu hạt nhân Molodets với hình dáng y hệt các đoàn tàu chở hàng hoạt động không nghỉ trong hệ thống đường sắt quốc gia Liên Xô. Các biện pháp theo dõi của Mỹ và NATO đã bó tay với loại vũ khí này. Cơ quan phân tích ảnh vệ tinh Mỹ không thể tìm ra dấu vết các đoàn tàu hạt nhân Liên Xô bằng ảnh vệ tinh lẫn ảnh quang phổ (tìm dấu vết đồng vị phóng xạ) và nhiều phương pháp khác. Thậm chí, Mỹ đã tính tới kế hoạch triển khai các container hàng trá hình, trong lắp đặt các thiết bị giám sát tinh vi trà trộn vào hệ thống đường sắt Liên Xô để theo dõi “đoàn tàu ICBM”, nhưng cũng "bó tay".

Quân đội Liên Xô và sau này là Liên bang Nga đã triển khai 56 đoàn tàu chở tên lửa RT-23UTTh. Tổ hợp vũ khí “có một không hai” này chỉ bị loại biên vào năm 2007 tuân thủ theo theo Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược START II giữa Nga và Mỹ.

Tới gần đây, khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước ABM và tăng cường việc triển khai các thành phần hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, Nga đã phải nối lại chương trình phát triển đoàn tàu hạt nhân. Kết quả của quá trình này là tổ hợp Barguzin ra đời.

So với “người tiền nhiệm” RT-23 Molodets, Barguzin được tích hợp công nghệ quân sự thế hệ mới của Nga với khả năng đối kháng điện tử và tàng hình tốt hơn. Barguzin cũng kế thừa phương thức hoạt động của Molodets trên hệ thống đường sắt lớn thứ 2 thế giới của Nga. Khả năng cơ động tuyệt vời của hệ thống cho phép tổ hợp Barguzin di chuyển tới hơn 1.000km mỗi ngày và không thể theo dõi.

Mỗi đoàn tàu hạt nhân Barguzin trang bị 6 đạn tên lửa ICBM RS-24 Yars có thể chuyển trạng thái chiến đấu trong vòng vài phút. Yếu tố này có thể làm bó tay những hệ thống phòng thủ tên lửa tương tự như loại Mỹ đang triển khai ở châu Âu.

Nga dự kiến đưa vào trang bị đoàn tàu hạt nhân Barguzin vào năm 2020. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, thời hạn này có thể được rút ngắn.

Mỹ đang “chuyển lửa” tới châu Âu

Tổ hợp Aegis Ashore , Mỹ triển khai tại Romania.

Tổ hợp Aegis Ashore thực tế là phiên bản trên bộ của tổ hợp điều phối hỏa lực trên hạm Aegis trang bị trên các khu trục hạm lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm lớp Ticonderoga. Tổ hợp trên là sự kết hợp giữa hệ thống ra-đa cảnh giới, dẫn bắn đa nhiệm AN/SPY-1 và 24 bệ phóng thẳng đứng đa dụng Mk 41. Theo lời giới chức quân sự Mỹ và NATO, các bệ phóng trên trang bị tên lửa đánh chặn siêu thanh SM-3 Block IB. Tuy nhiên, bệ phóng Mk 41 cũng phù hợp để trang bị các dòng tên lửa hành trình tấn công hiện đại như Tomahawk có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Các chuyên gia quân sự Nga đánh giá, việc tổ hợp Aegis Ashore ở Deveselu, Romania đi vào hoạt động không có khả năng gây ảnh hưởng tới các đơn vị tên lửa chiến thuật, chiến lược của Quân đội Nga ở phần lãnh thổ châu Âu. Tuy nhiên, nếu 24 bệ phóng Mk 41 trang bị tên lửa hành trình tấn công thì toàn bộ các cơ sở dân sự, quân sự ở khu vực Tây Nam nước Nga, bao gồm cả bán đảo Crưm đều nằm trong tầm bắn.

Nếu kịch bản trên là sự thực thì nó vi phạm Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) ký năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô. Đây là yếu tố cực kỳ nguy hiểm đối với nền an ninh chung của cả châu Âu.

Theo qdnd.vn

TIN LIÊN QUAN