Triều Tiên tuyên bố dừng thử hạt nhân, tên lửa
kim8205085_2142018.jpgNhà lãnh đạo Kim Jong Un cùng vợ vỗ tay trong dịp sự kiện tôn vinh các nhà khoa học và kỹ sư hạt nhân đã có công trong cuộc thử bom hydro thành công. Ảnh: Reuters
 

Triều Tiên tuyên bố, nước này sẽ đóng cửa một bãi thử hạt nhân ở miền Bắc để chứng tỏ sự cam kết cho việc dừng thử hạt nhân. Tuyên bố sẽ được xem như một bước rất quan trọng trong tiến trình ngoại giao xung quanh bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên phát đi thông báo khi chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là tới cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tại khu phi quân sự ở giữa hai nước, và cũng ngay trước cuộc gặp dự kiến giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể diễn ra vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới.

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong- un cho rằng lúc này Triều Tiên "không cần thiết phải tiến hành thêm bất cứ hoạt động thử hạt nhân hay tên lửa tầm xa, tên lửa ICBM nào nữa", và "bãi thử hạt nhân phía bắc đã hoàn thành sứ mệnh của nó".
Ngay sau thông báo của Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump phản hồi trên Twitter: "Triều Tiên đã đồng ý dừng mọi cuộc thử hạt nhân và đóng cửa một bãi thử hạt nhân lớn. Đây là tin tốt lành cho Triều Tiên và thế giới - một bước tiến lớn".
Tổng thống Syria trả Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh 
Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Pháp. Ảnh: Rafu
 

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã trả lại huân chương Bắc đẩu Bội tinh mà Pháp đã trao cho ông năm 2001. Giải thích lý do, Assad nói rằng ông không muốn đeo huân chương từ "một nô lệ của Mỹ", sau khi Pháp tham gia cùng Mỹ và Anh không kích Syria ngày 14/4 để đáp trả việc Damascus bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học.

Bắc Đẩu Bội tinh là huân chương cao quý nhất của nhà nước Pháp được Napoleon Đại đế lập ra năm 1802 để tặng thưởng những cá nhân hoặc tổ chức có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp. Mỗi năm khoảng 3.000 người được trao tặng phần thưởng này, trong đó có khoảng 400 người nước ngoài. Huân chương có 5 bậc, trong đó hạng nhất chỉ có 75 chiếc.

 Khi thăm Pháp năm 2001, ông Assad được Tổng thống Pháp Jacques Chirac  trao huân chương Bắc đẩu Bội Tinh hạng nhất. Tuy nhiên, động thái này không được công bố. 8 năm sau, đại sứ quán Syria ở Pháp mới hé lộ việc này.
Pháp ngày 16/4 thông báo kế hoạch tước huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Assad. Tuy nhiên, trước khi Paris kịp đưa ra thông báo chính thức, Assad đã trả lại huân chương cho Pháp.
Xác định danh tính nghi phạm đầu độc Sergei Skripal 
Cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal và con gái Yulia. Ảnh: AFP
 Cuộc điều tra vụ ám sát cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal và con gái Yulia dường như đã có đột phá lớn, khi cảnh sát Anh tuyên bố đã xác định được danh tính những nghi phạm đứng sau âm mưu đầu độc này. Cơ quan tình báo Anh cho rằng các nghi phạm đang lẩn trốn trên lãnh thổ Nga.
Danh tính nghi phạm, cũng như báo cáo tình báo được cảnh sát Anh thu thập, vẫn chưa được công bố nhưng họ cho biết một trong các manh mối về nghi phạm được thu thập từ danh sách chuyến bay rời Anh sau vụ ám sát.
 Nga chuyển S-400 tới Syria
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik
 máy bay vận tải chiến lược An-124 của Nga được cho là đã hạ cánh xuống căn cứ quân sự Hmeymim ở tỉnh Latakia phía tây nam Syria. Đây là máy bay có tải trọng lên tới 150 tấn, từng được Không quân Nga sử dụng để vận chuyển hệ thống phòng không S-400 tới Syria hồi cuối năm 2015.
Một số nguồn tin cho rằng máy bay vận tải An-124 có thể đã chuyển hệ thống phòng không S-300 tới Syria. Tuy nhiên, thông tin này chưa được xác nhận. An-124 hiếm khi được triển khai tới Syria, do vậy sự xuất hiện của máy bay này tại Latakia đã đặt ra nhiều câu hỏi trong bối cảnh tình hình chiến sự tại quốc gia Trung Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva nhận thấy không có lý do nào ngăn cản việc nước này cung cấp hệ thống S-300 cho Syria sau cuộc không kích của liên quân Mỹ, Anh, Pháp nhằm vào các mục tiêu tại Syria hôm 14/4. S-300 là tổ hợp tên lửa đất đối không tầm xa với tầm hoạt động của radar lên tới 300 km, có thể phóng tới 12 tên lửa nhằm vào 6 mục tiêu khác nhau cùng một lúc.
Đảng Dân chủ kiện đội ngũ tranh cử Tổng thống Trump và Chính phủ Nga
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Tom Perez. Ảnh: Fortune
 

Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) đã nộp đơn kiện lên một tòa án ở Manhattan, New York nhằm vào đội ngũ tranh cử của ông Donald Trump, Chính phủ Nga và tổ chức Wikileaks. DNC cáo buộc Nga xâm nhập vào hệ thống thư điện tử nội bộ của đảng, sau đó Wikileaks đã công bố chúng với sự khuyến khích từ chiến dịch tranh cử của ông Trump. DNC cho biết họ bị thiệt hại hàng hàng triệu USD, cũng như bị ảnh hưởng một cách tiêu cực từ sự việc trên.

Đây là vụ khiếu nại dân sự, hoàn toàn độc lập với cuộc điều tra hình sự do công tố viên đặc biệt Robert Mueller, cũng như các ủy ban điều tra thuộc lưỡng viện tiến hành nhằm vào cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

 Đội ngũ tranh cử của ông Trump và đảng Cộng hòa hiện chưa có bình luận về vụ kiện này. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần phủ nhận chiến dịch tranh cử của ông có liên hệ với Nga.