Gần đây, trên một số báo của Việt Nam có đưa tin và đăng một số bài viết bình luận quan điểm của Nga về tình hình Biển Đông như “Nga gây "sốc" tuyên bố không can dự tranh chấp ở Biển Đông và “Nga ra tuyên bố mới về Biển Đông”.
Xuất phát từ một bài viết gây “sốc”
Gần đây, trên một số báo của Việt Nam có đưa tin và đăng một số bài viết bình luận quan điểm của Nga về tình hình Biển Đông như “Nga gây "sốc" tuyên bố không can dự tranh chấp ở Biển Đông (baomoi.com) và “Nga ra tuyên bố mới về Biển Đông” (giaoduc.net.vn).
Đáng chú ý là bài viết của Hồng Thủy với tiêu đề “Nga ra tuyên bố mới về Biển Đông”, trong đó tác giả đưa ra nhận định gây “sốc” rằng, phía Nga “tiếp tục có xu hướng đánh tráo, đánh đồng khái niệm về các tranh chấp ở Biển Đông hòng bao che, chạy tội cho Trung Quốc trước thềm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông”.
Đây là nhận định có tính chất xuyên tạc quan điểm của Bộ Ngoại giao Nga, gây hoang mang trong dư luận và làm tổn hại đối với quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga mà vừa qua trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga Thủ tướng nước ta Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Cá nhân tôi, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng tuyệt đối vào nước bạn Nga”.
Thực chất vấn đề là gì?
Trước hết, cần khẳng định, đây không phải là “tuyên bố mới nhất về lập trường của Nga trong vấn đề Biển Đông” như tác giả Hồng Thủy nhận định trên giaoduc.net.vn, mà chỉ là sự tái khẳng định quan điểm nhất quán, trước sau như một, của Nga về các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, được đưa ra trong cuộc họp báo của Đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Nga M.Zakharova ngày 10/6/2016, trong đó chủ đề tranh chấp ở Biển Đông chỉ là một nội dung ngắn trong số 19 thông báo về hoạt động đối ngoại của Nga trong những ngày gần đây. Vì sao, Bộ Ngoại giao Nga lại phải tái khẳng định quan điểm này trong cuộc họp báo ngày 10/6/2016?
Đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Nga M.Zakharova giải thích: “Trong thời gian gần đây, chúng tôi đã từng lưu ý về những bài viết trên các phương tiện truyền thông, trong đó có những thông báo trích dẫn lời của các quan chức cấp cao của Nga rằng dường như Nga ngày càng dính líu sâu vào chủ đề về tình hình trên biển Nam-Trung Hoa (Biển Đông). Ngoài ra, trong những bài viết đó đưa ra sự khẳng định rằng chúng tôi đang nghiêng về ủng hộ một trong các bên tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển này. Vì vậy, mặc dù đã rất nhiều lần đề cập tới chủ đề này, hôm nay chúng tôi muốn đưa ra lời bình luận riêng về vấn đề đó”.
Toàn văn bình luận của bà M.Zakharova về tranh chấp ở Biển trong cuộc họp báo ngày 10/6/2016
Để tiện theo dõi, chúng tôi xin dịch và đăng lại toàn văn bài bình luận của Đại diện chính thức Bộ Ngoại giao Nga M.Zakharova ngày 10/6/2016, được lấy từ trang web của Bộ ngoại giao Liên bang Nga:
“Chúng tôi đang chú ý theo dõi sự phát triển tình hình ở Biển Đông. Chúng tôi coi đó là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới an ninh và sự ổn định trong toàn bộ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Nga không phải là một trong các bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và sẽ không để bị lôi kéo vào các cuộc tranh chấp đó. Về nguyên tắc, chúng tôi không đứng về bất cứ bên nào (trong cuộc tranh chấp này). Chúng tôi tin tưởng rằng việc các lực lượng thứ ba tham gia vào các cuộc tranh chấp này chỉ có thể khiến cho tình tình trong khu vực này căng thẳng thêm.
Tất cả các quốc gia tham gia vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ trong khu vực này cần phải tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc không sử dụng sức mạnh, cần tiếp tục tìm kiếm những cách thức giải quyết các vấn đề còn tồn đọng bằng các giải pháp chính trị-ngoại giao dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS), theo tinh thần của Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở biển Nam-Trung Hoa (DOC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002, cũng như các nguyên tắc chỉ đạo thực thi DOC đã được các bên thống nhất vào tháng 7-2011. Chúng tôi cho rằng các cuộc tham vấn và đàm phán về các vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cần phải được thực hiện trực tiếp giữa các bên có liên quan trong khuôn khổ hợp lý do chính các bên xác định.
Xuất phát từ tình hình, yếu tố có ý nghĩa then chốt để giải quyết mâu thuẫn trong tiểu khu vực này có thể là xây dựng một cấu trúc an ninh mới dựa trên các nguyên tắc tập thể, không liên kết và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi đề xuất với tất cả các bên đối tác tích cực tham gia thực hiện sáng kiến do phía Nga đưa ra về việc nghiên cứu xây dựng các nguyên tắc củng cố an ninh và phát triển hợp tác ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Về phần mình, chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)
Chúng tôi để nghị tuân thủ quan điểm cơ bản của Nga khi đưa tin hay viết bài về chủ đề này, không nên viện dẫn lập luận của tác giả này hay tác giả khác, mà là nên xuất phát từ quan điểm nhất quán trước sau như một của chúng tôi”.
Bình luận về những điểm then chốt trong bài phát biểu của Đại diện chính thức Bộ Ngoại giao Nga
(1) Quan điểm nhất quán trước sau như một của Nga là “do không phải là một trong các bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nên Nga không đứng về bất cứ bên nào trong cuộc tranh chấp này” hoàn toàn trùng hợp với quan điểm của Mỹ cũng như nhiều nước khác về tranh chấp ở Biển Đông, hoàn toàn không có ý ủng hộ Trung Quốc như Bắc Kinh cố ý giải thích sai rằng Nga đứng về phía Trung Quốc.
(2) Quan điểm của Nga về việc “các lực lượng thứ ba tham gia vào các cuộc tranh chấp này chỉ có thể khiến cho tình tình trong khu vực này căng thẳng thêm”. Quan điểm của Nga phản ánh một thực tế là, từ trước tới nay, tất cả các cuộc đàm phán về DOC, hay COC, hay tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đều chỉ được tiến hành trong khuôn khổ song phương giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước khác có tranh chấp, hoặc trong khuôn khổ ASEAN-Trung Quốc.
(3) Theo quan điểm của Nga, “các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cần phải được giải quyết trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc không sử dụng sức mạnh, thông qua các giải pháp chính trị-ngoại giao, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là UNCLOS, theo tinh thần của DOC. Nga sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)”. Quan điểm này của Matxcơva đã gián tiếp lên án Trung Quốc bởi hành động của Bắc Kinh xây cất, tôn tạo các bãi đá ở Trường Sa do họ chiếm đoạt của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng DOC và UNCLOS. Hơn nữa, khi Nga nói tới “luật pháp quốc tế” thì trong đó không loại trừ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế. Như vậy, quan điểm của Nga hoàn toàn phù hợp với quan điểm của ASEAN, quan điểm của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế. Đương nhiên, xuất phát từ quan hệ Nga-Trung Quốc, Matxcơva chỉ yêu cầu “các bên tranh chấp tuân thủ DOC và UNCLOS”, mà không chỉ đích danh Trung Quốc. Cũng tương tự như vậy, các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, EU cũng chỉ yêu cầu “các bên kiềm chế”, “không thay đổi nguyên trạng” ở Biển Đông, chứ không chỉ đích danh Trung Quốc.
(4) Về sáng kiến mới của Nga việc “xây dựng một cấu trúc an ninh mới trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương dựa trên các nguyên tắc tập thể, không liên kết và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế”. Sáng kiến này đã từng được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nga ở Sochi nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Nga-ASEAN. Sở dĩ cấu trúc này phải tuân thủ nguyên tắc “tập thể” và “không liên kết” là để mở cửa cho sự tham gia của tất các bên có liên quan nhằm duy trì môi trường hòa bình, an ninh bền vững, hợp tác để phát triển trong khu vực, trong đó có cả các quốc gia đã từng tham gia liên minh quân sự như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines… Đây là một sáng kiến hay, phù hợp với đặc điểm chính trị và an ninh của khu vực này, đáp ứng lợi ích của tất cả các bên và do đó có tính khả thi cao.
Như vậy, xét từ quan điểm nhất quán của Nga về các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, không thể có chuyện Matxcơva “đánh tráo, đánh đồng khái niệm về các tranh chấp ở Biển Đông hòng bao che, chạy tội cho Trung Quốc trước thềm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông”.
Thật khó giải thích về động cơ của những ai, không biết vì lý do gì, lại cố tình xuyên tạc, bóp méo quan điểm của Nga về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, gây hoang mang trong dư luận, làm tổn hại tới quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh chúng ta đang tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng tế, còn Trung Quốc lại đang ra sức cố tình giải thích và áp dụng sai về UNLOS, về DOC, cũng như cố tình xuyên tạc và bóp méo quan điểm của Nga và một số nước khác theo hướng “ủng hộ Bắc Kinh” trong vấn đề Biển Đông.
Thiết nghĩ, trong thời điểm hiện nay, chúng ta cần tranh thủ tất cả những ai có quan điểm tương đồng với Việt Nam để hình thành mặt trận rộng rãi ủng hộ chúng ta trong cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông-một cuộc đấu tranh không cân sức, lâu dài, khó khăn và phức tạp, chứ không nên có hành động gây chia rẽ Việt Nam với các bàn bè và đối tác, trong đó Nga lại là một đối tác chiến lược toàn diện.
Theo Infonet