Hãng thông tấn Interfax, dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Nga Vitaly Savelyev cho hay, các lệnh trừng phạt đã khiến Nga không thể tiếp cận với hầu hết nguồn cung máy bay, phụ tùng máy bay và các dịch vụ hàng không, trong khi các hãng hàng không Nga phải thuê tới 515 máy bay ở nước ngoài.

Cũng theo Bộ trưởng Savelyev, 78 máy bay Nga đã bị thu giữ ở nước ngoài và sẽ không được trả lại. Nga từng có 1.367 máy bay vào thời điểm các nước ban hành lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow, và gần 800 chiếc trong số này giờ đây có trong danh sách đăng kiểm của Nga.

ngabigiuhangchucmaybaythanhphoukrainehungbomsieumanh633735_2332022.jpegMáy bay của hãng hàng không Nga Aeroflot tại Sân bay Quốc tế Moscow. Ảnh: Reuters

Hầu hết các máy bay được Nga thuê là của các hãng Boeing và Airbus, và được đăng ký tại Bermuda và Ireland. Tuy nhiên, vào tuần trước, giới chức Bermuda và Ireland đã đình chỉ cấp giấy chứng nhận an toàn cho máy bay do các hãng hàng không Nga vận hành.

Nhằm đảm bảo hoạt động hàng không dân dụng tránh bị gián đoạn, Moscow sau đó đã thông qua luật cho phép các hãng hàng không nội địa đăng kiểm cho các máy bay thuê từ các công ty nước ngoài tại Nga.

Thành phố Mariupol của Ukraine hứng bom ‘siêu mạnh’

Giới chức thành phố Mariupol phía Đông Nam Ukraine cho biết ,"hai quả bom siêu mạnh" đã phát nổ và làm rung chuyển thành phố này trong hôm 22/3, giữa lúc các nỗ lực sơ tán dân thường đang diễn ra.

"Rõ ràng đối phương không có hứng thú gì với Mariupol. Họ muốn xóa sổ và san phẳng thành phố này", hội đồng Mariupol ra thông cáo cho hay, nhưng không cho biết thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng.

Ukraine cũng chỉ trích lực lượng Nga cản trở các đoàn xe viện trợ lương thực và nhu yếu phẩm cho Mariupol, cũng như xe bus đưa người dân sơ tán. "Chúng tôi yêu cầu mở hành lang nhân đạo cho dân thường. Quân đội Ukraine đang dũng cảm phòng thủ thành phố, chúng tôi sẽ không chấp nhận tối hậu thư", Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk trước đó tuyên bố trên truyền hình.

Mariupol, nơi sinh sống của khoảng 450.000 dân trước chiến tranh, đã bị quân Nga tấn công gần như liên tục kể từ đầu tháng 3. Các hình ảnh cho thấy thành phố bị tàn phá nghiêm trọng do trúng bom đạn và tên lửa. Một quan chức quốc phòng Mỹ hôm 22/3 cảnh báo, quân đội Nga đã xuất hiện bên trong thành phố này.

Quan chức Ukraine cáo buộc Nga dùng vũ khí có phốt pho trắng

Trong một bài đăng trên Facebook hôm 22/3, Oleksiy Biloshitsky, Phó Giám đốc thứ nhất của cơ quan Cảnh sát Quốc gia Ukraine khu vực Kiev, đã cáo buộc quân đội Nga bắn một đầu đạn chứa phốt pho trắng vào thành phố Kramatorsk, thuộc tỉnh Luhansk phía Đông Ukraine.

Phốt pho trắng thường được quân đội nhiều nước trên thế giới sở hữu và được sử dụng hợp pháp trong chiến đấu, với tác dụng tạo hỏa mù vào ban ngày và thắp sáng vào ban đêm. Tuy nhiên, việc sử dụng phốt pho trắng đối với dân thường là bất hợp pháp, vì loại hóa chất này có thể gây bỏng nghiêm trọng hoặc đau đớn khi tiếp xúc với da.

Phía Nga chưa đưa ra phản hồi trước cáo buộc này

Mỹ nói mục tiêu của Nga tại Ukraine đã 'thất bại', Moscow phản ứng

Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 22/3, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Nga đã không đạt được các mục tiêu của mình ở Ukraine.

Theo ông Sullivan, Nga đã đặt ra 3 mục tiêu khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt đối với nước láng giềng: khuất phục Ukraine, nâng cao sức mạnh và uy tín của Moscow, đồng thời gây chia rẽ phương Tây. “Cho đến nay, Nga rõ ràng đã không hoàn thành được cả 3 mục tiêu trên, mà thực tế còn chứng minh điều ngược lại”, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nhận định.

Dù vậy, ông Sulivan cảnh báo bất chấp những dấu hiệu chững lại từ phía Nga, xung đột tại Ukraine sẽ không thể kết thúc một cách "dễ dàng hay nhanh chóng".

Trong khi đó, giới lãnh đạo huy quân đội Ukraine nhận định các lực lượng Nga chỉ còn đủ nhiên liệu, lương thực và đạn dược để tiếp tục tham chiến tại nước này trong vòng 3 ngày nữa, sau khi các chuỗi cung ứng của quân Nga bị đứt gãy.

Moscow sau đó đã bác bỏ những nhận định từ Mỹ và phương Tây, và nhấn mạnh chiến dịch vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch.

“Chúng tôi đang nói về chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra, và nó vẫn đang được tiến hành hoàn toàn theo đúng kế hoạch”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với CNN.

Nga nêu thời điểm có thể dùng vũ khí hạt nhân

Cũng trong buổi phỏng vấn với CNN hôm 22/3, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, chính sách an ninh của Nga quy định vũ khí hạt nhân sẽ chỉ được sử dụng trong trường hợp sự tồn vong của nước này bị đe dọa.

“Chúng tôi có khái niệm về an ninh nội địa và nó được công khai, bạn có thể đọc tất cả các lý do vũ khí hạt nhân được sử dụng. Vì vậy, nếu xuất hiện một mối đe dọa hiện hữu đối với đất nước của chúng tôi, thì nó (kho vũ khí hạt nhân) có thể được sử dụng theo khái niệm của chúng tôi” ông Peskov giải thích bằng tiếng Anh.

Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn tại Ukraine

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 22/3 đã kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine, và cho rằng cuộc xung đột này sẽ "không đi đến đâu".

"Đã đến lúc chấm dứt cuộc xung đột này (ở Ukraine)", ông Guterres phát biểu với báo giới tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), đồng thời nhấn mạnh cần giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, và kêu gọi các bên ngừng bắn trong một cuộc điện đàm kéo dài khoảng 1 tiếng với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ông Macron cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Mariupol, đồng thời kêu gọi dỡ bỏ bao vây thành phố cảng chiến lược ở miền Nam Ukraine.

Văn phòng của Tổng thống Macron cho biết, đây là lần điện đàm thứ 8 giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2.