Nga bắt đầu sản xuất S-500

s-400_qkrm.jpgHệ thống S-500 được cho là có tầm bắn xa hơn hệ thống S-400 hiện tại. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Tập đoàn Rostec Nga Sergei Chemezov thông báo, nước này đã bắt đầu sản xuất hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 và sẽ sớm biên chế vào quân đội. “Đây là hệ thống ưu việt hơn hệ thống S-400 nhưng tôi sẽ không nói về nó vào lúc này vì nó vẫn chưa được giao cho quân đội”, ông Chemezov nói. Chủ tịch Rostec cho hay, hệ thống S-500 sẽ được biên chế sau các cuộc thử nghiệm nhưng không nói rõ thời điểm.

Trước đó, Phó Thủ tướng Yury Borisov thông báo, quân đội nước này sẽ nhận các hệ thống S-500 sớm hơn dự kiến sau các cuộc thử nghiệm thành công. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết, nhà sản xuất sẽ bắt đầu chuyển giao S-500 cho quân đội vào năm 2020 và hệ thống này có thể hoạt động trong vòng 25 năm.

Hàn Quốc phát hiện vật thể bay lạ tại biên giới liên Triều

Quân đội Hàn Quốc thông báo đã phát hiện vật thể bay chưa xác định ở giới tuyến liên Triều. Ảnh: Không quân Mỹ

Quân đội Hàn Quốc triển khai nhiều máy bay truy tìm một vật thể lạ xuất hiện ở biên giới, không lâu sau cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ - Triều, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc ngày 1/7 cho biết. Theo JCS, vật thể bay này hoạt động ở độ cao khoảng 4,5 km, bên trong khu vực cấm bay mà hai nước thiết lập dọc biên giới theo thỏa thuận quân sự được ký vào tháng 9/2018.

Thông tin về vật thể lạ xuất hiện chưa đầy một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên có cuộc gặp bất ngờ tại DMZ. Trong cuộc gặp, Trump đã bước qua đường phân giới, tiến vào lãnh thổ Triều Tiên và bắt tay Kim Jong-un. Hai lãnh đạo sau đó tới Nhà Tự do bên lãnh thổ Hàn Quốc để họp kín.

Afghanistan chìm trong bạo lực ở thời điểm đàm phán hòa bình then chốt

Chuyển nạn nhân bị thương trong vụ đánh bom tại Kabul, Afghanistan, tới bệnh viện ngày 1/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn Bộ Y tế Afghanistan Wahidullah Mayar cho biết, ít nhất 34 người thiệt mạng và 68 người bị thương trong một vụ đánh bom lớn xảy ra tại thủ đô Kabul của Afghanistan sáng 1/7 tại một địa điểm đông dân và gần trụ sở Bộ Quốc phòng và Cơ quan Tình báo nước này. Trong số người thương vong có nhiều trẻ em. Giao tranh đã xảy ra sau đó giữa các tay súng với lực lượng đặc nhiệm Afghanistan khiến nhiều người dân lo sợ.

Lực lượng Taliban đã nhận thực hiện vụ tấn công, khẳng định mục tiêu nhằm vào các cơ sở hậu cần của Bộ Quốc phòng Afghanistan. Liên hợp quốc, Các tổ chức phi chính phủ và Chính phủ Afghanistan đã lên án Taliban thực hiện vụ tấn công, gây nhiều thương vong cho dân thường.

Iran yêu cầu Mỹ tôn trọng nếu muốn đàm phán

Ảnh minh họa: indianexpress.com

Ngoại trưởng Iran khẳng định, nước này có thể vượt qua áp lực từ các lệnh cấm vận của Mỹ bằng sức mạnh nội tại. "Iran sẽ không bao giờ đầu hàng trước áp lực từ Mỹ. Họ nên thể hiện sự tôn trọng với Iran nếu muốn đàm phán", Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phát biểu trên truyền hình. Ông kêu gọi tăng cường sản xuất hàng hóa nội địa nhằm giảm ảnh hưởng của Mỹ tới nền kinh tế Iran, cũng như đẩy mạnh thực hiện giao dịch với nước ngoài mà không dùng đồng USD.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Tehran vẫn ở mức cao, gây lo ngại về nguy cơ nổ ra xung đột quân sự sau vụ Iran bắn rơi máy bay không người lái (UAV) Mỹ hôm 20/6. Tehran cáo buộc UAV xâm phạm không phận và phớt lờ cảnh báo, nhưng Washington khẳng định máy bay lúc đó vẫn hoạt động trong vùng trời quốc tế.

Các nước Liên minh châu Âu vẫn bất đồng về nhân sự cấp cao

Cựu Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmemans, ứng cử viên hàng đầu cho chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Ảnh: EPA

Một thỏa thuận đạt được giữa một số nhà lãnh đạo chủ chốt của châu Âu, theo đó trao cho cựu Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmemans chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã bị phá vỡ tại hội nghị thượng đỉnh bất thường vào tối 30/6 sau khi các nhà lãnh đạo Đông Âu và Trung Âu từ chối kế hoạch này.

Theo phóng viên TTXVN tai Liên minh châu Âu (EU), ông Frans Timmermans thuộc đảng Xã hội của Hà Lan đã nổi lên như một ứng viên hàng đầu để thay thế ông Jean-Claude Juncker làm chủ tịch Ủy ban châu Âu sau khi các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Tây Ban Nha đồng ý ủng hộ ông. Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự phản đối gay gắt bất ngờ từ Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia. Bế tắc này đã cho thấy một vấn đề rộng hơn về việc ra các quyết định đối với các chính phủ 28 nước EU. Các chính phủ đến từ các nhóm chính trị khác nhau và luôn bất đồng trong một loạt các cuộc khủng hoảng những năm gần đây từ vấn đề người di cư cho đến vấn đề kinh tế.

New Zealand bắt đầu cấm túi nhựa, phạt đến 67.000 USD

Những loại túi nhựa dùng một lần được xác định là bất kỳ loại túi nhựa nào có quai xách và có độ dày ít hơn 70 micromet - Ảnh: STUFF

Với việc Quy định giảm thiểu rác thải được đưa ra năm 2018 chính thức có hiệu lực từ hôm 1/7, các nhà bán lẻ của New Zealand như siêu thị, cửa hàng và nhà hàng sẽ không được phép bán hay phát cho khách hàng những chiếc túi nhựa dùng một lần.

Những chiếc túi nhựa dùng một lần được xác định là bất kỳ loại túi nhựa nào có quai xách và có độ dày ít hơn 70 micromet. Trong khi đó, các loại túi mua hàng bằng nhựa ở khu vực trái cây và rau củ cùng 1 số khu vực nhất định trong siêu thị là loại túi duy nhất được miễn trừ. Các công ty vi phạm lệnh cấm trên sẽ bị phạt nặng, trong đó có mức tiền phạt lên tới 100.000 đô la New Zealand (67.000 USD).