143520-1.jpg

Đồng ruble của Nga tại Thủ đô Moskva, ngày 24/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Trao đổi với hãng tin Sputnik, ông Denis Gonchar, Vụ trưởng Vụ 4 về các quốc gia thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga, cho biết nước này đã bắt đầu thực hiện các biện pháp từ trước để giảm thiểu rủi ro liên quan đến các lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt, điều mà Moskva cho là gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Ông nêu rõ, Nga đã nhất trí tăng cường việc sử dụng đồng nội tệ trong các khoản thanh toán.

Hiện Nga là đối tác kinh tế hàng đầu của Azerbaijan và cũng đang tìm cách mở rộng hợp tác với Armenia. Khoảng 30% tổng kim ngạch thương mại Nga - Azerbaijan được thực hiện bằng đồng ruble, trong khi Armenia đã bắt đầu thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble.

Cùng ngày, trao đổi với báo Die Welt của Đức, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell cho biết một lệnh cấm vận hoàn toàn hoặc áp thuế trừng phạt đối với dầu và khí đốt nhập khẩu từ Nga đã không nhận được đủ sự ủng hộ từ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Quan chức này cũng cho biết, chủ đề này sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh EU tiếp theo diễn ra vào cuối tháng tới. Tuy nhiên, ông để ngỏ khả năng Ủy ban châu Âu (EC) có thể sẽ đưa ra đề xuất về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga trong tuần này. Theo ông Borell, tất cả các quốc gia EU đang nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga, đồng thời bày tỏ tin tưởng cuối cùng thì khối này sẽ có thể giảm bớt sự phụ thuộc này.

Trước đó cùng ngày, Phó Chủ tịch EC kiêm Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovski đã để ngỏ khả năng khối này chuẩn bị gói trừng phạt thứ 6 chống Nga liên quan tới chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine, có thể bao gồm một lệnh cấm vận dầu mỏ. Ông cho biết khi áp các lệnh trừng phạt, EU cần làm theo một cách thức nào đó để gia tăng sức ép lên Nga nhưng lại giảm thiểu tối đa các tổn thất không mong muốn. Theo ông Dombrovskis, chi tiết về các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ Nga chưa được nhất trí. EU có thể xem xét loại bỏ dần việc mua dầu mỏ của Nga, cũng như áp đặt thuế quan xuất khẩu trên một mức giá trần nhất định.

Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho châu Âu. Năm 2020, Nga cung cấp 26% dầu mỏ nhập khẩu của EU. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2, EU, Mỹ và Anh cùng một số quốc gia khác đã tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và thực thể của Nga. Riêng EU đã thông qua 5 gói trừng phạt đối với Nga, trong đó có lệnh cấm vận đối với than đá đã được 27 nước nhất trí thông qua. Gói trừng phạt này cũng có lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa trị giá 10 tỷ euro cho Nga, trong đó có các mặt hàng công nghệ cao, và đóng băng tài sản của một số ngân hàng Nga. Ngoài ra, EU cũng đang mở rộng các mặt hàng cấm nhập khẩu từ Nga, trong đó có nguyên liệu thô và thiết bị quan trọng, ước tính trị giá 5,5 tỷ euro mỗi năm.