Được chơi trên sân nhà, trước sự cổ vũ của đông đảo khán giả, quen sân bãi, thời tiết và có thể cả sự ưu ái nào đó từ lịch thi đấu, từ ban tổ chức, trọng tài… như truyền thống của bóng đá vùng trũng, luôn là lợi thế không nhỏ của các đội bóng chủ nhà. Và từ những lợi thế không nhỏ đó, nếu biết phát huy triệt để sức mạnh vốn có và những yếu tố kể trên, chiến thắng luôn ở trong tầm tay. Nhưng trên thực tế, không phải lúc nào mọi việc cũng xuôi chèo mát mái bởi trái bóng tròn luôn chứa đựng những tình huống và kết cục khó lường.
ĐT Việt Nam thời Tiger Cup 1998 thắng đến 3-0 trước đại kình địch Thái Lan ở bán kết để đi tới trận chung kết, U23 Việt Nam tại SEA Games 2003 cũng đạt thành tích tương tự sau những màn trình diễn rực sáng của Văn Quyến, Quốc Vượng… là những minh chứng cụ thể, rõ nét. Tại SEA Games 31 lần này, U23 Việt Nam được chơi trên sân nhà, sẽ có những lợi thế đáng kể nếu phát huy tốt nhất năng lực, sở trường, cởi bỏ áp lực tâm lý của việc bảo vệ tấm HCV đạt được hơn 2 năm về trước để thi đấu thanh thoát, tự tin, đột biến trước mọi đối thủ.
Nhưng rõ ràng, nhìn vào lịch sử chưa xa, vào thực tế hiện nay, việc nhiều người tỏ ra băn khoăn, lo lắng cho U23 Việt Nam tại SEA Games 31 không phải là không có cơ sở. Ví dụ như lứa U23 hiện tại không có nhiều tài năng chói sáng như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Văn Sỹ Hùng… ngày nào, cũng không thể so với Văn Quyến, Công Vinh hay gần nhất là Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng… ở các sân chơi trẻ khu vực và châu lục.
Trong khi đó, mọi bài vở của ông Park Hang-seo cũng không còn quá “độc” như cách nay vài ba năm khiến đối thủ bất ngờ, khó chịu và bất lực. Không ai dám nói là trước áp lực lớn của việc giành ngôi vua, của sự kỳ vọng lớn lao từ khán giả nhà, lứa U23 này sẽ làm tốt hơn các đàn anh hồi Tiger Cup 1998, hay SEA Games 2003 khi vào tới trận chung kết nhưng bất lực phải nhường ngôi cho người Singapore và người Thái Lan?
Riêng lứa U23 lần này còn khó khăn hơn là bảo vệ tấm HCV SEA Games duy nhất đạt được khi bóng đá Việt trong 4 năm qua luôn đứng ở đỉnh khu vực trong chu kỳ thành công nhất nhưng đang bị nhiều thách thức đáng kể. Đó là những người đàn anh ở ĐT Việt Nam trong khi lọt tới Vòng loại thứ 3 World Cup, thắng giòn giã người hàng xóm Trung Quốc, hòa được cả đội hàng đầu châu lục Nhật Bản trên sân khách nhưng lại để mất ngôi vua lần thứ 2 giành được tại AFF Cup 2021 trước kình địch Thái Lan. Vẫn dưới tay chiến lược gia Park Hang-seo, liệu U23 Việt Nam có nối dài được chu kỳ thành công đã có hay lại là nơi để chứng minh sự khép lại của chu kỳ đó, với việc không bảo vệ được tấm HCV SEA Games trên sân nhà, là điều không ai dám khẳng định? Ngay cả ông Park Hang-seo cũng không dám mạnh miệng tuyên bố về một điều gì cụ thể liên quan đến câu chuyện này?
Đó là việc trong khi U23 Việt Nam không gây được nhiều niềm tin ở kỳ thi đấu vòng loại U23 châu Á, ở các giải đấu giao hữu trước thềm SEA Games mới đây. Trong khi đó, các đối thủ hàng đầu như U23 Indonesia, U23 Thái Lan lại cho thấy sức mạnh ở cả thầy và trò qua các giải đấu vừa qua. Việc lứa U23 Indonesia sẵn sàng chấp nhận thất bại tạm thời để phục vụ cho mục tiêu cọ xát, trưởng thành với mục tiêu cao nhất ở SEA Games là điều ai cũng biết và khiến mọi đối thủ phải e ngại, trong đó có chủ nhà U23 Việt Nam, nhất là ông thầy Park Hang-seo trước tài năng vượt trội của người đồng hương Shin Tae-yong. Và khi người Thái chăm chú, chuyên tâm cho SEA Games, sẽ không chỉ U23 Việt Nam mà bất cứ đội bóng khu vực nào cũng phải “xem lại mình” trước khi đề ra một mục tiêu nào đó, nhất là tấm HCV môn bóng đá nam?
Tất thảy những điều đó sẽ tạo thành một áp lực không nhỏ cho thầy trò ông Park Hang-seo và nếu không có biện pháp thích ứng, kịp thời để giải tỏa, trút bỏ gánh nặng tâm lý thì mọi việc sẽ không thể kiểm soát nổi. Vì vậy, trước khi tính đến chuyện vượt qua mọi đối thủ, thầy trò ông Park Hang-seo phải đủ bản lĩnh, tự tin để vượt qua chính mình đầu tiên và đó là điều khó nhất, cần kíp nhất.
Truyền thông, người hâm mộ, gia đình… cũng không nên tạo ra những áp lực không cần thiết cho U23 Việt Nam trước trong và sau kỳ thi đấu quan trọng này. Phải làm sao tạo ra tâm lý thoải mái, tin cậy, cùng nhau cộng hưởng sức mạnh, cùng nhau vượt khó, giải phóng mọi lực cản, sức ỳ, nhất là trong những thời điểm cân não, quyết định. Để ông thầy cũng như những người gánh vác nhiệm vụ luôn có đầu óc tỉnh táo, đôi chân nhẹ nhõm, những pha xử lý thăng hoa, xuất thần, làm tốt nhất những việc cần làm, có thể làm được lúc này, lúc đó, ngoài ra không có bất cứ điều gì vướng bận, âu lo khác…