(Baonghean) - Xa xưa Lễ hội Đền Hùng được tổ chức với tính chất dân gian do dân làng Hy Cương, Chu Hóa đảm nhận.
Thời Vua Lê Thánh Tông, nhà nước phong kiến đã có những quy định khá cụ thể về Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng, đặc biệt là triều Nguyễn vào năm 1917 có quy định hội chính vào năm chẵn, chủ tế là quan tuần phủ Phú Thọ, bồi tế là quan huyện Sơn Vi (Lâm Thao), lý trưởng làng Hy Cương. Sau khi đất nước giành được độc lập (1945), Giỗ Tổ Hùng Vương được duy trì song vẫn giới hạn phạm vi tổ chức ở địa phương. Những năm gần đây, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng được tổ chức đúng với tầm vóc quốc lễ trang trọng và thành kính với nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống trong một không gian trải rộng từ Đền Hùng đến Việt Trì và các huyện lân cận như Lâm Thao, Phù Ninh.
Năm 2013, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng tuy là năm lẻ do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì, có sự tham gia của 9 tỉnh: Lạng Sơn, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đắc Lắc, Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang theo đề án đóng góp các nguồn lực tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm đã được Thủ tướng phê duyệt, song đây là kỳ Giỗ Tổ Hùng Vương đặc biệt gắn với việc tổ chức Lễ đón nhận bằng của UNESCO công nhận “Tín ngưỡng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vì vậy, thời gian tổ chức lễ hội kéo dài 7 ngày với nhiều hoạt động đặc sắc trong phần lễ và phần hội.
Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng ngày 4/3 âm lịch (14/4/2013), tổ chức lễ vinh danh, đón nhận bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ (2013). Một chương trình nghệ thuật lớn với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội – Đất Tổ Hùng Vương” với sự tham gia trực tiếp của 1.500 diễn viên, hạt nhân văn nghệ quần chúng, nghệ nhân dân gian. Đặc biệt, tại lễ vinh danh này có sự hiện diện của đại diện 24 nước trong Ủy ban liên chính phủ thực hiện công ước 2003 của UNESCO, đại sứ quán các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản; đại biểu các tỉnh, thành phố của các nước có quan hệ hợp tác với tỉnh Phú Thọ và một số đại diện đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài.
Du khách về thăm Đền Hùng. Ảnh: Hữu Tuấn
Ngày 6/3 âm lịch, Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương sẽ tổ chức Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; tổ chức rước kiệu truyền thống của 7 xã, phường, thị trấn thuộc Thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao. Ngày 10/3 âm lịch, tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại đền Thượng. Các hoạt động diễn ra tại Khu di tích Đền Hùng gồm: Liên hoan hát xoan và dân ca Phú Thọ lần thứ 3 của các phường xoan, Câu lạc bộ hát xoan và dân ca các địa phương trong tỉnh; hội trại văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày sản vật và văn hóa ẩm thực của 13 huyện, thị, thành; giao lưu dân ca, văn hóa nghệ thuật các tỉnh, thành phía Bắc có di sản phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, biểu diễn của 12 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ đồng bào về dự Lễ hội ở Đền Hùng, Thành phố Việt Trì và các huyện lân cận; tổ chức các giải thể thao truyền thống: bóng chuyền nam, cờ tướng, vật dân tộc, bắn nỏ của các huyện, thị, thành; tổ chức chiếu phim màn ảnh rộng và các hoạt động dịch vụ du lịch và trưng bày các sản vật, mặt hàng lưu niệm phục vụ đồng bào.
Tại Việt Trì, tổ chức lễ hội đường phố với chủ đề: “Văn hóa Đất Tổ Hùng Vương hội tụ và tỏa sáng” có sự tham gia của gần 3.000 người, triển lãm trưng bày hiện vật tại Bảo tàng Hùng Vương, triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Văn hóa Đất Tổ - cội nguồn dân tộc” gắn với triển lãm mỹ thuật của các tác giả Hàn Quốc và Phú Thọ. Tổ chức giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh Cúp Hùng Vương 2013, giải quần vợt hữu nghị Hùng Vương, Hội thi bơi chải trên sông Lô. Đặc biệt, tối 4/3 âm lịch tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại Quảng trường Hùng Vương.
Nét mới năm nay, diễn trường lễ hội trải dài từ Đền Hùng đến Bạch Hạc và các huyện Lâm Thao, Phù Ninh kết hợp với nhiều hoạt động quảng bá giới thiệu tuyên truyền tiềm năng văn hóa du lịch Phú Thọ. Lần đâu tiên, Phú Thọ tổ chức chương trình hát xoan cổ trong tour du lịch từ Việt Trì – Đền Hùng – Kim Đức – Phượng Lâu để phục vụ khách du lịch; tổ chức lễ dâng hương tại tất cả các di tích thờ cúng Vua Hùng. Dịp Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ (2013), một số công trình văn hóa trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng: như Quảng trường Hùng Vương rộng 50ha, hệ thống đường dạo khu vực ngã 5, Đền Giếng – Khu di tích Đền Hùng.
Để không làm đồng bào và du khách phiền lòng, Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương (2013) chỉ đạo các đơn vị, các địa phương quyết tâm thực hiện: Không để tắc đường, không có ăn mày, ăn xin, người lang thang cơ nhỡ, không có tình trạng chèo kéo khách trong Khu di tích Đền Hùng, không dùng loa đài quá công suất, không xẻ thịt thú rừng bày bán ở các quán ăn…
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng trước kia, hiện nay và trong tương lai luôn là điểm hội tụ tâm linh hướng về cội nguồn dân tộc, tổ tiên, những người có công dựng làng lập nước của mọi người dân đất Việt!