(Baonghean) - Hiếm khi nào họ có được một giấc ngủ trọn vẹn, một đêm thảnh thơi, hay một ngày thoải mái với nếp sinh hoạt bình thường. Họ là những người mưu sinh ở chợ đêm đầu mối: chợ cầu Bùng, chợ Giát, Thái Hòa, Vinh…  với bao vất vả để có những phiên chợ đêm…

10 giờ rưỡi đêm, tôi lên xe theo vợ chồng anh Hồ Văn Lân (44 tuổi) ở xã Tân Sơn (Quỳnh Lưu) bắt đầu một chuyến hàng như thường lệ của người buôn bán ở chợ Thái Hòa – một trong những chợ đầu mối rau quả đông đúc, nhộn nhịp phía Tây Bắc tỉnh. Vợ chồng anh vốn quê ở xã Quỳnh Lương, xã trồng rau nổi tiếng từ trước đến nay. Năm xưa, những người trong làng di cư lên núi, là xã Tân Sơn bây giờ, mang theo cả nghề truyền thống của cha ông là trồng rau và chạy chợ.

Ra đến Quốc Lộ 48, anh quay đầu xe về hướng Diễn Châu, rồi bảo: “Vợ chồng tui bán hàng trên chợ Thái Hòa, nhưng đợt này trời hạn, khan hàng, rau quả trong làng không đủ, nên phải vòng xuống Diễn Châu để lấy hàng, rồi mới quay lên trên đó”. Rồi anh kể cho tôi nghe về hành trình của những mớ rau, quả cà… Từ buổi chiều, những nhà có rau, quả trong làng đã xếp hàng vào sọt, mang đến tập kết ở nhà anh.

Nhiều nhà buôn, để tiết kiệm và bớt chút tiền hàng, họ đến tận vườn để hái bí, cà, nhổ hành, nhổ rau, rồi xếp lên xe đi luôn. Đợt nào hàng nhiều, thì 12h – 1h đêm bắt đầu xuất phát, còn hiếm hàng như đợt này, thì phải đi sớm hơn, đến những nơi khác gom cho đủ hàng rồi mới đến chợ. Dân trồng rau bây giờ đỡ vất vả hơn xưa nhiều. Thời xưa, nhà nào trồng rau thì tự đi bán, cứ 2 sọt 2 bên xe đạp, còng lưng đạp xe từ nửa đêm ra chợ, nhà nào có điều kiện hơn thì đi xe máy. Bởi thế người ta mới gọi dân trồng rau là “dân 2 sọt”. Nay thì “chuyên môn hóa” hơn, người trồng rau chỉ việc chăm sóc rau cho tốt, đến khi thu hoạch được là có người đến tận nhà mua. Hiếm có nhà nào còn trồng rau tự mang ra chợ bán.

Giờ đây, những người như anh Lân đã thay họ ngồi buôn ngoài chợ, nhờ cũng xuất thân là người trồng rau, quen biết “nguồn hàng”, lại đủ am hiểu và kinh nghiệm về rau, củ, quả, có tý vốn liếng, mua xe rồi gom rau, củ trong làng đi bán. “Thành cái nghề rồi, đêm mô cũng đi, cũng là một cái kế sinh nhai thôi, lấy công làm lời, chứ sung sướng chi cái việc lấy đêm làm ngày”, anh Lân cứ “vừa đi đường vừa kể chuyện” như thế.

Xe lên đến chợ Thái Hòa thì đã gần 2h sáng, đây cũng là lúc chợ đêm bắt đầu hoạt động. Dưới ánh đèn đường rọi xuống, chợ đêm hiện ra với đủ màu sắc: màu đỏ của cà chua, cà rốt, màu xanh của rau, màu của bầu, bí, hành, tỏi, khoai, và cả đủ các loại hoa, quả táo, xoài, ổi, thanh long. Phía ngoài cổng chợ, lần lượt từng chiếc xe máy chở hàng, xe tải nhỏ vừa chạy đến. Những người buôn bán ở chợ đêm Thái Hòa tập trung đến từ các xã, huyện  lân cận, và thường đi thành từng cặp cả vợ lẫn chồng để còn hỗ trợ cho nhau.

Chị Nguyễn Thị Thúy (37 tuổi) ở Nghĩa Thuận, Thái Hòa chở một xe máy chất đầy rau ngót, bí đao dừng ngay cổng chợ, loay hoay gọi người đến giữ dùm xe, vì hàng hóa nặng, cồng kềnh. Hôm nay, chồng chị bận việc không đi cùng được. Vừa tháo dây chun  dỡ rau xuống chị vừa nói: “Thế này chưa thấm vô mô hết, mọi hôm còn chở những 4,5 tạ kia”. 

793173_small_94469.jpg

Vận chuyển hàng hóa đến chợ đêm.

Tháng 3 âm lịch trở rét nàng Bân, mưa phùn bay phủ lên những dáng người tất tả. Lúc này, người vẫn chưa đông, chủ yếu là những người buôn, đang bốc dỡ hàng từ trên xe xuống, chất thành từng đống, từng thùng về chỗ của mình. Đêm đang ở vào thời khắc yên tĩnh nhất, người lúc này cũng trở nên lặng lẽ, chuyện trò với nhau nhẹ nhàng, ngắn gọn. Thỉnh thoảng, có nhà nào chở một xe mướp đến, thuộc loại hàng hiếm vào thời điểm này, thế là bao nhiêu người xúm vào, tranh nhau.

Những người buôn bán ở đây đều đã có thâm niên hàng chục năm, quen mặt hết tất cả mọi người trong chợ, từ kẻ bán đến khách mua, biết rõ đến cả từng hoàn cảnh gia đình của nhau. Chính vì thế bán hàng ở chợ đêm cũng có những đặc điểm riêng: chợ chỉ bán buôn không bán lẻ, không mặc cả nhiều, cũng chẳng có gian lận hay trộm cắp. Chẳng trộm nào dám xuất hiện ở đây, vì cả chợ như thành người nhà của nhau, nhìn người nào lạ là biết ngay, hễ có việc gì chỉ cần hô một tiếng là bà con xúm lại...

Tôi nhìn từng đống hàng được đổ ra, thấy mỗi người đến mua sỉ, cắp theo cái đèn pin cứ thế tự lựa hàng, cho vào túi bóng, rồi hỏi giá, tự cân lên, nhân thành tiền rồi báo với chủ hàng. Tự nhiên và thoải mái, chẳng ai băn khoăn hay nhìn lại cân xem có cân điêu, cân dối hay không. Họ chỉ trao đổi với nhau hàng hôm nay có đẹp hơn hôm trước không, lên giá hay giảm giá, hoặc hỏi han nhau.



Một góc chợ đêm Thái Hòa.

Anh Lân nói: “Chợ đêm là chợ bán buôn, quen nhau cả, có đặt hàng chúng tôi mới dám lấy về, chứ không phải muốn lấy nhiều từng mô về bán thì lấy, nên người nào việc nấy, lấy từng mô thì tự sắp. Chúng tôi lấy hơn so với giá nhập cũng chỉ một vài giá chứ không nhiều, nếu không thì sao gọi là chợ đêm, chợ đầu mối nữa”. Thời gian ngơi tay cân hàng là lúc người bán tranh thủ chợp mắt tý cho đỡ thèm cơn buồn ngủ. Tôi lượn vòng quanh chợ, ai nấy đều tất bật với công việc của mình, nhưng thỉnh thoảng, không giấu cái ngáp vội và, đôi mắt như díp lại vì quanh năm thiếu một giấc ngủ đêm.

Đến 4 – 5h sáng, chợ tấp nập, đông vui nhất. Lúc này người mua đến đông hơn. Người bán cũng muốn bán hết nhanh kẻo tan đêm mất. Tiếng cười nói, tiếng trao đổi, mời chào hàng như đánh thức cả một khu chợ vốn đã nhộn nhịp dần từ trước đó. Từng đống rau, dứa, bí, xoài… để nguyên trong sọt nhưng đã có thời gian sắp lại sao cho thật… bắt mắt, hấp dẫn người mua. Anh Nguyễn Văn Lục (Quỳnh Lưu) buôn bán ở đây cũng đã hơn 10 năm, chia sẻ “kinh nghiệm”: “Thật ra, hàng chỉ cần đổ ra thôi, có người tự đến mua, vì quen nhau cả rồi, nhưng mình xếp khéo một tý, thì hàng trông đẹp hơn, đều hơn, khách mua thích hơn, chứ để “quăng quật” lại làm hỏng, hạ giá rau mình.

Trời tờ mờ sáng, cũng là lúc những thùng hàng rau, quả được người mua tháo ra, xếp đặt gọn gàng đẹp mắt theo từng dãy chợ. Những người nhập hàng để bán ở chợ nhỏ cũng đã buộc chặt những túi, bì, thùng rau, củ quả… lên xe, rồi vội vàng chạy về cho kịp buổi chợ sáng. Người bán buôn dọn dẹp lại rác, núi ni lông vào một góc, sắp lại những chồng rau, củ, quả còn lại đang nằm ngổn ngang vào cho gọn. Một đêm dài đã trôi qua. Giờ, đến lượt họ cũng ngồi bán lẻ, đến khi nào hết hàng thì mới về nhà, rồi tranh thủ giấc ban ngày, để đêm đến lại tiếp tục hành trình bán mua…

Ngày này qua ngày khác cứ thế trôi, người mưu sinh ở Chợ đêm chấp nhận, như thành một thói quen, tìm được sự gắn bó và niềm vui bình dị trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn ấy. Họ góp thêm phần cho những nhộn nhịp, sầm uất của phố xá ban ngày, bằng những cần mẫn với công việc của mình trong cuộc sống lúc đêm về tĩnh lặng.


Hồ Lài