(Baonghean) -  Với những người Huế đã và đang mưu sinh ở Vinh  không biết họ đã xem mình là một phần của thành phố này chưa. Với riêng tôi, tôi thấy như họ thuộc về Vinh từ lâu rồi. 
 
Phàm đã là đàn ông, con trai ai chẳng ít nhất mỗi tháng 1 lần đến tiệm hớt tóc. Đàn ông, con trai sinh sống vùng đô thị lại càng chăm đi cắt tóc, tỉa tót nhiều hơn. Tôi không phải là ngoại lệ. Và đã hơn 10 năm nay tôi chỉ đến đúng một địa chỉ để “làm đẹp” cho mình. Đó là tiệm cắt tóc của anh chàng người Huế hành nghề tại đất Vinh non 20 năm nay. 
 
Tôi không hiểu nhiều về người Huế và tính cách của họ, nhất là đàn ông đất cố đô. Tôi chỉ biết đại khái họ là những người chất phác, cẩn trọng trong mỗi lời nói, tỉ mẩn từng việc làm. Họ là những người vô cùng chịu khó và thích làm những công việc thiên về tính nghệ thuật, thẩm mỹ.
 
Chẳng thế mà nhiều người miền Trung nói chung và người Vinh nói riêng khi xây nhà đều có xu hướng chọn thợ Huế. Vì sao ư? Vì với họ khi xây nhà, việc cẩn trọng đối với từng viên gạch và làm cho từng mạch vữa sắc nét được coi trọng ngang nhau. Nhiều người từng làm việc với thợ xây đến từ Cố đô Huế đều có chung một nhận xét: Thợ Huế hiếm khi lãng phí vữa hồ, cát sỏi. Mỗi bức tường, hàng gạch, phào chỉ trong ngôi nhà dường như đều lưu lại một dấu ấn nghệ thuật. 
 
 
images1729324_5b.jpgAnh Trần Đình Lai cắt tóc cho khách.
 
Thời còn là sinh viên ở Hà Nội, để có thêm tiền trang trải cuộc sống ở thủ đô, tôi đã từng theo một nhóm thợ xây Huế đi khắp 5 cửa ô. Là cậu trai bê gạch, xách hồ giữa những người thợ dạn dày kinh nghiệm, tôi đã có một quãng thời gian sống rất vui vẻ với họ. Tất cả đều là người Huế, đặc biệt anh chủ thầu hoàn toàn không biết chữ. Mỗi khi đi nhận công trình anh phải nhờ người em trong nhóm đọc hợp đồng, xem xét thủ tục rồi truyền đạt lại. Phần của anh, anh chỉ biết nguệch ngoạc tên mình. Vậy mà công việc vẫn đâu ra đấy.
 
Những nhà ở dân sinh, công trình “bê” rồi “bê phẩy” người thầu khoán và mấy anh thợ đến từ  đất sông Hương, núi Ngự đều làm một cách thành thục và đẹp đến không ngờ. Trong suy nghĩ của tôi ngày ấy họ là những vị anh hùng thực sự. Và lần đầu tiên đứng trên tầng thượng của ngôi nhà 5 tầng có đóng góp bằng công sức bé mọn của mình tôi thấy hạnh phúc biết mấy.  
 
Người ta cho rằng, mảnh đất Phú Xuân được lịch sử lựa chọn để trở thành chốn kinh kỳ, nơi tụ hội của các bậc vua chúa, vương công. Hẳn vậy nên mọi mối quan hệ xã hội, mọi hoạt động kinh tế, nghề nghiệp đều tuân theo quy luật chọn lọc của môi trường, điều kiện tự nhiên. Bởi thế, người Huế mới hình thành tính cách trọng tài hoa thẩm mỹ, chuộng nghệ thuật. Và cho đến nay, người thợ đến từ cố đô vẫn giữ được cái “chất” đó trong những nghề nghiệp, công việc mà mình theo đuổi. 
 
Không ai thống kê được hiện nay ở thành phố Vinh có bao nhiêu người gốc Huế đang làm việc, mưu sinh. Có lẽ nếu phân khu theo nghề nghiệp thì người Huế đang hoạt động theo 3 nhóm chính: Nhóm làm đẹp (cắt tóc, may thời trang), nhóm ẩm thực và nhóm xây dựng - sửa chữa (xe máy). Dường như cả 3 nhóm ấy tôi đều ít nhiều có những quen biết, liên quan. 
 
Đều đặn mỗi tháng tôi đi cắt tóc một lần ở tiệm Lai Huế trên đường Đinh Công Tráng. Chủ tiệm là một người đàn ông trung niên tên Trần Đình Lai. Anh này đến Vinh lập nghiệp bằng nghề cắt tóc đã gần 20 năm nay. Từ một tiệm nhỏ, nay anh Lai đã mở rộng quy mô tiệm với 3 thợ cả chưa kể 5 cô gái chuyên phụ giúp gội đầu, cạo mặt, lấy ráy tai. Dám chắc bất cứ người đàn ông nào từng được thợ Huế cắt tóc đều nhận định rằng, thợ Huế làm tỉ mỉ, cẩn thận, luôn làm khách ưng ý. Tiệm hớt tóc của Lai Huế cũng vậy. Chẳng thế mà tại đây luôn có vài ba trăm khách quen từ hàng chục năm nay.
 
Từ nghề “làm đẹp” cho đàn ông này, Lai đã đưa cả em út, vợ con từ Huế ra Vinh đóng đô lâu dài. Cậu em trai của Lai tên là Ky cũng đã mở được tiệm cắt tóc của riêng mình trên đường Nguyễn Thái Học. Ở Vinh, người ta còn có thể tìm thấy hàng chục địa chỉ cắt tóc của người Huế trên nhiều tuyến đường, trong đó riêng đường Đinh Công Tráng, Ngư Hải đã có dăm, bảy hiệu.
 
 
Chị Tôn Nữ Thanh Loan và gia đình nổi danh với món bún Huế ở thành phố Vinh.
 
Nhưng người Huế đâu chỉ có nổi danh với nghề cắt tóc nam. Chính người Huế chứ không phải ai khác đã góp phần tạo dựng nên “danh phận” cho ẩm thực miền Trung với món bún Huế trứ danh được phổ biến khắp trong Nam, ngoài Bắc. Với dân Vinh, người ta không còn xa lạ gì món ăn bình dân nhưng rất đậm đà này. Tôi đã nhiều lần thưởng thức bún Huế ở nhiều quán hàng khác nhau trên thành phố Vinh. Dạo xưa tôi thường hay lui tới quán bún trên đường Ngư Hải, cũng nhiều lần ăn bún Huế ở đường Nguyễn Tấn Tài, rồi Phùng Phúc Kiều, kể cả những con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Phong Sắc… đều đã từng ghé qua. Chủ quán chất phác, món ăn đậm đà, hương vị đặc trưng - nhận xét luôn là vậy.
 
Nhưng trong số những nơi tôi đã thưởng thức món bún bò giò heo nổi danh của xứ Huế, tôi thấy hài lòng hơn cả là quán bún Thanh Loan nằm trong con ngõ ở đường Nguyễn Thị Minh Khai. Chị chủ quán tên Tôn Nữ Thanh Loan có gương mặt phúc hậu, lành hiền với làn da trắng hồng. Cũng là bún bò giò heo nhưng món ăn ở đây có đôi chút khác biệt. Sợi bún mềm, nước dùng ấm hương sả lại có vị thanh thanh. Ngoài tỏi dầm, ớt ngâm và măng giấm, trên bàn ăn luôn có một lọ sa tế nhỏ để phục vụ nhu cầu của thực khách.
 
Chị chủ quán và những anh em khác của chị đến đất Vinh hơn 30 năm nay. Trong “bộ sưu tập” của gia đình, chị Loan còn có 2 người anh em mưu sinh bằng việc mở quán bún, 1 người làm nghề sửa chữa xe máy. Đặc biệt chị Loan là con của bà Hai Huế nổi danh đất Vinh với món bún. Hiện nay mấy anh em chị Loan đều đã có nơi ăn chốn ở ổn định. 
 
Cách quán ăn của chị Loan dăm chục mét trên đường Nguyễn Thị Minh Khai là hiệu sửa chữa xe máy của em trai chị. Bình Huế - đó là tên của cửa hiệu. Có lẽ người dân mạn Hưng Bình, Lê Mao, Lê Lợi không ai là không biết đến cửa hàng sửa chữa xe máy này của người chủ tên Tôn Thất Bình. Trước hết, người ta đến đây vì tay nghề của người chủ, sau là đức tính cẩn thận, khoáng đạt, dễ gần của Bình.
 
Những năm đầu đến đất Vinh, Bình từng có một mái ấm nhưng sau đó anh đã phải trải qua cú sốc về hôn nhân và cuộc sống gia đình. Anh gần như trắng tay như ngày đầu tìm đến mưu sinh tại thành phố này. Bình đã làm lại và làm được, hiện nay anh đã mua được đất, xây được nhà, ra đường đã lại có thể cười tự tin với mọi người. Bình đã từng nói với tôi rằng cuộc sống hãy còn nhiều bấp bênh, toan lo nhưng cái mà anh tạo dựng thành công trên mảnh đất này chính là tình cảm, niềm tin mà mọi người trao cho anh. Và thành Vinh đã chọn anh, cho anh cơ hội được làm người con của phố Vinh.
 
Tôi vẫn luôn cho rằng khi đã yêu, đã quý một vùng đất nào đó người ta luôn muốn mình là một phần của nó. Với những người Huế đã và đang mưu sinh ở Vinh  không biết họ đã xem mình là một phần của thành phố này chưa. Với riêng tôi, tôi thấy như họ thuộc về Vinh từ lâu rồi. 
 
 
Quốc Sơn