Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Tel Aviv đã phát hiện ra dùng đồ uống có chứa đạm gầy trước bữa sáng sẽ làm giảm hàm lượng đường glucose không ổn định ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.
Đạm gầy là phần chất lỏng còn lại sau khi sữa được lên men thành pho mát. Đạm gầy không chỉ kiềm chế hàm lượng đường glucose của bệnh nhân tiểu đường mà còn giúp làm giảm nhu cầu về insulin.
"Uống nhiều sữa đã từ lâu được cho là giúp làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 cũng như bệnh tim mạch. Đạm gầy từ sữa làm tăng sản sinh một loại hormone ở ruột có tên GLP-1 giúp tổng hợp insulin. Điều này giúp làm giảm lượng đường trong máu sau khi ăn xong," bác sỹ Daniela Jakubovic thuộc khoa Tiểu đường, Trung tâm Y tế Wolfson, Đại học Tel Aviv cho biết.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu với 15 bệnh nhân được cho là kiểm soát tốt bệnh tiểu đường tuýp 2 của mình. Trước bữa sáng, họ được uống 250ml sữa, trong đó có 50ml đạm gầy hoặc thuốc trấn an. Cùng lúc, họ được lấy mẫu máu kiểm tra. Sau đó, các bệnh nhân được ăn bữa sáng gồm ba lát bánh mì trắng có trét nhiều đường nhằm làm tăng đường huyết của họ lên cao.
Các xét nghiệm máu sau đó cho thấy đường huyết của các bệnh nhân uống sữa chứa đạm gầy đều giảm 28% trong vòng 3 tiếng đồng hồ sau bữa ăn. Họ cũng có lượng insulin được sản sinh cao hơn 150% và lượng GLP-1 cao hơn 141%.
Khả năng tăng sản sinh insulin của đạm gầy khiến nó "đứng ngang hàng, thậm chí cao hơn một bậc so với các loại thuốc chống tiểu đường khác," theo bác sỹ Jakubowicz. Hiện các nhà nghiên cứu đang tiến hành đưa vào các đợt trị liệu tiểu đường thử nghiệm dài ngày dùng đạm gầy dựa theo những kết quả nghiên cứu của mình./.
Theo Vietnam+