(Baonghean) - Việc Dân ca ví, giặm xứ Nghệ được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại đã đưa số di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở nước ta được UNESCO ghi danh lên có số 17. Vấn đề đặt ra ở đây là, sau khi được vinh danh rồi thì phải là gì và làm như thế nào để nâng tầm di sản lên tương xứng với danh hiệu đã được cả thế giới công nhận?
 
Có một thực tế là khi đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn và sự xem xét cực kỳ kỹ lưỡng, khắt khe trong quá trình xét duyệt, thì khi được UNESCO vinh danh, giá trị của mỗi di sản không chỉ là niềm tự hào của một địa phương, một quốc gia, mà còn là cầu nối giúp nâng tầm “thương hiệu quốc gia” trên trường quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh con người, đất nước Việt Nam. Vì thế, cần “đánh thức di sản” biến danh hiệu thành những lợi thế phục vụ cho sự phát triển kinh tế văn hóa, xã hội của vùng di sản.
 
Muốn làm được điều đó, thì việc trước hết là phải có các giải pháp, chương trình hành động thiết thực, liên tục để gìn giữ, kế thừa và phát huy di sản theo hướng ổn định, bền vững. Bởi nếu sau một thời gian nhất định, những tiêu chí giúp công nhận và chương trình hành động không thực hiện được đúng như cam kết ban đầu thì rất có thể sẽ bị  UNESCO ra quyết định thu hồi danh hiệu. Điều đó đã từng xảy ra khi 3 di sản thế giới là: Thung lũng Dresden (Đức); Thành phố Ayutthaya (Thái Lan) và Khu bảo tồn linh dương sừng thẳng Ả-rập, do không phục dựng và giữ gìn được những gì đã cam kết trước khi được công nhận nên đã bị tước danh hiệu. Di sản thế giới Vịnh Hạ Long cũng đã từng bị  UNESCO cảnh cáo về tình trạng ô nhiễm hay khai thác du lịch quá mức ở Cố đô Huế, Phố cổ Hội An...; và Ca trù thì đang ở mức báo động. 
 
Đi cùng với bảo tồn, gìn giữ thì phải biết cách quảng bá, giới thiệu và phát huy các giá trị di sản. Và cách toàn diện nhất là liên kết với ngành Du lịch, vì vừa giới thiệu được di sản, vừa thu hút được khách du lịch, có thêm kinh phí để đầu tư cho việc bảo vệ, giữ gìn di sản. Muốn đạt được mục đích đó, phải giải quyết tốt bài toán giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch, gắn kết quyền lợi của người dân trong vùng di sản. Đó là cách để người dân vừa là chủ thể tham gia gìn giữ di sản bằng các hoạt động cụ thể, vừa là khách thể được hưởng lợi từ di sản. Chỉ có gắn kết với cộng đồng thì người ta mới bảo vệ di sản được tốt và từ việc bảo vệ di sản được tốt thì du lịch mới phát triển và mới khai hiệu quả các di sản đó. Tiêu biểu cho cách làm “nhất cử lưỡng tiện” đó là Hội An. Người Hội An giàu lên nhờ biết cách làm du lịch thông qua việc bảo tồn tốt các di sản đồng thời là tài sản của mình. Vì thế, người ta rất chủ động và cũng rất sáng tạo trong quá trình gìn giữ và phát huy di sản. Họ coi di sản Hội An là nguồn sống của chính họ. Đương nhiên, mỗi di sản thì có một cách làm khác nhau, không rập khuôn, không bắt chước được. Điều quan trọng nhất là phải có cách phát huy sức mạnh của cả cộng đồng để bảo tồn di sản, từ đó phát triển lên; để di sản văn hóa không chỉ là một danh xưng, mà còn là một thương hiệu, một nguồn lực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. 
 
Đó chính là một cách làm hay để tạo thêm giá trị thực tế và nâng tầm di sản.
 
Duy Hương