(Baonghean) - Thời gian qua, có thể nói lĩnh vực kinh tế tập thể đã nhận được sự quan tâm nhất định từ chủ trương, đường lối, đến cơ chế, chính sách như: Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX), Kết luận 56 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Kết luận 37-KL/TU ngày 16/8/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sửa đổi ban hành Luật HTX 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP, Đề án đổi mới phát triển HTX tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014 - 2020… Bên cạnh đó, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ và đầu tư  cho lĩnh vực khu vực kinh tế tập thể như dồn điền, đổi thửa, bê tông hoá kênh mương, hỗ trợ thành lập HTX mới, đào tạo nghề cho xã viên... nhưng đến nay, lĩnh vực kinh tế này vẫn chưa thực sự thể hiện được vai trò, vị trí của mình, chưa xây dựng được những HTX mạnh, mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
 
Đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 583 HTX (bình quân mỗi năm thành lập mới được từ 20 - 30 HTX), trong đó: có 406 HTX nông nghiệp, 6 HTX giao thông vận tải, 55 Quỹ TDND, 30 HTX tiểu thủ công nghiệp, 27 HTX dịch vụ, thương mại, 4 HTX môi trường, 20 HTX dịch vụ điện, 9 HTX xây dựng, 24 HTX lĩnh vực khác với khoảng 265.775 xã viên và 58.560 lao động làm việc thường xuyên; tổng doanh thu ước đạt trên 499.441 triệu đồng. Tuy nhiên nhiều lĩnh vực hoạt động của kinh tế tập thể không tăng trưởng như: lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế tập thể năm 2014 chỉ đạt 15,2 tỷ đồng giảm 10,31% so với năm 2013; lĩnh vực du lịch đạt 1,453 tỷ đồng, giảm 6,76% so với năm 2013; giá trị xuất khẩu đạt 373.000 USD, chỉ bằng 45,9% so với năm 2013. Qua đó có thể thấy, tuy khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến nhưng chưa thực sự tìm được hướng phát triển hiệu quả, bền vững. 
 
Để khắc phục điều đó, cần tập trung: Thay đổi nhận thức, lối suy nghĩ, xác định rõ tư tưởng của cán bộ, người lao động khi tham gia hoạt động trong lĩnh vực kinh tế tập thể; Triển khai thực hiện tốt Đề án đổi mới phát triển HTX tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014 - 2020, dứt khoát sàng lọc những HTX yếu kém, hoạt động không hiệu quả, HTX tồn tại nhờ "cơ chế", theo chương trình, dự án. Đối với các HTX cần phải mạnh dạn nhìn thẳng vào thực lực thực tế để có phương án, xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, tạo sự bình đẳng của kinh tế tập thể với các loại hình kinh tế khác để nâng cao tính cạnh tranh trong hoạt động; cần từ bỏ tư duy "cố giữ", nâng cao nhận thức về sự phá sản, giải thể đối với HTX hoạt động không hiệu quả là hiện tượng bình thường. 
 
Để tạo điều kiện định hướng phát triển khu vực kinh tế tập thể, trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX), Kết luận 56 của Bộ Chính trị, Kết luận 37-KL/TU ngày 16/8/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, thời gian tới cần nghiên cứu để đưa vào nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhằm định hướng phát triển kinh tế tập thể một cách thống nhất, có hệ thống, để có sự giám sát, chỉ đạo hiệu quả hơn.
 
Phan Cường 
(Phòng Kinh tế - Văn phòng Tỉnh ủy)