(Baonghean.vn) - Thời tiết nắng nóng, thức ăn gia súc khan hiếm, nông dân Nghi Lộc dùng cây lạc khô, ngô nghiền làm thức ăn cho gia súc.
Gia đình anh Thạch Quang Tỵ ở xóm 9, xã Nghi Trường sản xuất 8 sào lạc. Nhờ thâm canh tốt, mỗi năm gia đình thu về hơn 1 tấn lạc củ, khoảng 7 tạ cây lạc khô. Anh Tỵ cho biết: "Nhà tôi nuôi thường xuyên 2 con trâu, 2 con lợn nái. Vì ở xã vùng màu, lượng rơm thu về sau vụ gặt không nhiều. Nếu không có cây lạc làm nguồn thức ăn bổ sung thì sẽ không đủ thức ăn cho đàn gia súc nuôi trong năm".
Cây lạc sau khi lấy hết củ được nông dân phơi khô. Điều quan trọng là sản phẩm phụ này không được để ẩm. Nếu bị ẩm, cây sẽ lên men hoặc mốc, dễ gây bệnh cho gia súc. Khi trời nắng to, chỉ cần phơi vài ba ngày là cây lạc khô, có thể đưa đi nghiền nhỏ (người dân gọi là đập bột), làm thức ăn khô cho gia súc.
Kinh nghiệm của bà con là tiết trời càng nắng nóng, cây lạc phơi khô càng giòn thời là điểm tốt nhất để mọi người làm công việc này. Bởi cây khô khén máy dễ nghiền, đỡ tốn điện, bột nhẹ cân, tiền công chi trả giảm.
Những ngày nắng nóng các điểm xay xát phải làm việc hết công suất. Ông Hoàng Việt Tiến ở xóm 8, xã Nghi Trường làm nghề nghiền thức ăn gia súc đã vài chục năm nay, ông cho biết: "Mấy ngày nay, gia đình tôi phải bố trí 3 lao động, làm việc liên tục từ đầu giờ chiều đến khuya mới giải quyết hết lượng hàng cho khách trong ngày".
Ở các xã trọng điểm lạc như Nghi Long, Nghi Trung, Nghi Trường, Nghi Thịnh, Nghi Thạch, Nghi Phong... mỗi xã có tới chục máy nghiền cây lạc. Thời gian hoạt động nghiền bột cây lạc chỉ kéo dài vài ba tuần. Mỗi vụ, máy nào đông khách có thể nghiền tới 50 tấn cây. Với giá tiền công 70.000 đồng/tạ bột thành phẩm, sau khi trừ chi phí điện, vật tư, nhân công, chủ những máy xay nghiền này mỗi vụ thu về khoảng 30 triệu đồng.
Cây lạc giàu chất dinh dưỡng, có hàm lượng đạm 15 -16%, cao gấp 2 lần lượng đạm trong ngô hạt. Thân cây lạc khô nghiền nhỏ dễ bảo quản, sử dụng được lâu. Đây là thức ăn chủ lực cho trâu, bò, lợn khi nguồn rau xanh bị khan hiếm./.
Nhật Tuấn