(Baonghean) - 1. Về mục tiêu tổng quát: 
 
Một câu hỏi đặt ra là: Mục tiêu phát triển (mục tiêu tổng quát) cho nhiệm kỳ 2015 - 2020 nên được xác định như thế nào theo phương hướng đã xác định? Nếu thể hiện mục tiêu (dù là tổng quát) như ở cuối trang 25 đầu trang 26 thì vẫn chưa thật rõ là mục tiêu cho nhiệm kỳ 2015 - 2020. Phải chăng mục tiêu của nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ Nghệ An phải là:
 
- Duy trì và thúc đẩy cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế để đến năm 2020 GDP tính theo đầu người của Nghệ An đạt mức bình quân chung của các nước (hiện nay mới đạt 70%).
 
- Cùng với đó tạo ra những điều kiện, tiền đề về cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, về sự đồng thuận xã hội, về nguồn nhân lực, về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, về đội ngũ cán bộ (theo nghĩa rộng) công chức… để nhiệm kỳ 2020 - 2025 Nghệ An thực sự có bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
 
images1370977_dsc_0055.jpgĐầu tư công nghệ chế biến để nâng giá trị sản phẩm đá Quỳ Hợp (Trong ảnh: Máy khắc đá công nghệ 3D tại Công ty đá Phủ Quỳ). Ảnh: Hữu Nghĩa
 
- Đạt được các tiêu chí để thực sự là trung tâm của vùng Bắc Trung bộ ở một số lĩnh vực (có thể lựa chọn một số thôi; khó đạt được tất cả) như: Tài chính thương mại, giáo dục đào tạo, y tế. Còn các lĩnh vực như khoa học công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa, thể thao có lẽ phải đến nhiệm kỳ 2020 - 2025.
- Nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế của tổ chức Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống trong đảng viên, đặc biệt đảng viên là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý công chức.
 
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, tạo điều kiện của chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì và chủ động tạo lập sự đồng thuận cao trong xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.
 
2. Nhiệm vụ chủ yếu:
 
Bản dự thảo còn được xem xét kỹ lưỡng về một số vấn đề sau đây:
 
Về phát triển kinh tế của Nghệ An qua nhiệm kỳ 2015 - 2020
 
a) Dù nông nghiệp chỉ còn chiếm 24,2% về tỷ trọng trong tổng thể kinh tế Nghệ An, nhưng không vì thế mà không bàn một cách đến nơi đến chốn theo tư duy mới. Nền nông nghiệp tỉnh ta vẫn nhỏ lẻ, phân tán và manh mún nên sẽ không có sự phát triển nhanh và bền vững, càng không tạo ra địa bàn kinh tế để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Do đó phải tổ chức lại nền nông nghiệp, coi đó là khâu đột phá.
 
- Tổ chức lại nền nông nghiệp là một quá trình để đưa nền nông nghiệp tỉnh ta từ sản xuất hàng hóa nhỏ lên sản xuất hàng hóa lớn, từ nông nghiệp truyền thống lên nông nghiệp hiện đại, từ nông nghiệp dựa trên cơ sở kỹ thuật thô sơ làm nông nghiệp dựa cơ sở công nghệ cao.
 
Đây thực sự là một cuộc cách mạng; là quá trình mới, phải mươi, mười lăm năm mới có thể hoàn thành. Song, đã đến lúc phải làm, càng không thể chậm trễ hơn nữa.
 
b) Ở trang 25, khi nêu các quan điểm phát triển dự thảo báo cáo chính trị chỉ rõ: Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cầu hạ tầng, nhất là hạ tầng trọng yếu, coi phát triển hạ tầng là khâu đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, nội dung "về thủy lợi" (trang 33) với các vấn đề đã trình bày thì thấy rằng tư duy về thủy lợi không có gì mới. Tại sao ở nhiệm kỳ này chưa đặt ra nhiệm vụ thủy lợi cho vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và cả các cây trồng cạn với tư duy thủy lợi công nghệ cao (tưới phun, tưới nhỏ giọt, tưới từ dưới lên có sự chỉ dẫn của các thiết bị điện tử theo mô hình Israel). Có giải quyết thủy lợi theo tư duy công nghệ cao mới tạo ra cơ sở cho nông nghiệp công nghệ cao.
 
c) Coi phát triển du lịch là một trong các mũi trọng điểm trong phát triển kinh tế là chính xác. Vấn đề là làm gì, làm thế nào để du lịch thành mũi nhọn? Đó phải chăng là: khảo sát, nghiên cứu thị trường để có các sản phẩm du lịch đáp ứng được "cầu" của thị trường, có đội ngũ hướng dẫn viên du lịch thật sự chuyên nghiệp cho từng loại hình, từng sản phẩm du lịch. Đặc biệt là phải xây dựng được môi trường xã hội thân thiện, cởi mở, lành mạnh từ các điểm du lịch. Đây là việc rất hệ trọng để thu hút khách du lịch, giữ chân khách du lịch, để khách đến một lần rồi nhớ mãi và lại sẽ đến.
 
d) Trong khi tách phát triển kinh tế biển, thì dự thảo báo cáo lại để rừng trong nhiệm vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn và vẻn vẹn chỉ có 7 dòng. Xác định như vậy liệu đã thỏa đáng? Bởi: Rừng và đất rừng là nguồn tài nguyên giàu có của tỉnh ta, nếu được khai thác, sử dụng đúng hướng, đúng cách, đúng xu thế, trên cơ sở tư duy hiện đại về kinh tế rừng thì mới vực dậy được miền Tây rộng lớn, mới làm giàu cho Nghệ An được. Đề nghị cân nhắc thêm điều này.
 
e) Vực dậy 6 huyện vùng cao Nghệ An: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong chưa thấy đề cập trong dự thảo báo cáo. Đề nghị nên bổ sung nội dung này. Hiện tại 6 huyện này đang như là "gánh nặng" đối với kinh tế tỉnh ta. Phải làm thế nào đó để 6 huyện này phát triển. Là địa bàn đặc biệt, đặc thù đương nhiên phải có chủ trương đặc thù, giải pháp đặc thù, và sự lãnh đạo, chỉ đạo đặc thù. Cần chú ý 3 nội dung sau đây cho 6 huyện này: Một, cơ sở hạ tầng trực tiếp, nhất là giao thông. Hai, nâng cao dân trí, đặc biệt là thay đổi cung cách làm ăn. Ba, đội ngũ cán bộ thật sự gắn bó với địa phương và có tri thức kinh tế cần thiết.
 
Về phát triển văn hóa - xã hội:
 
Mục 5 (trang 39, 40): Khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường. Cách đặt vấn đề như trong dự thảo báo cáo có phần nặng về học thuật. Nên chăng đặt lại vấn đề theo một cách khác. Phát triển khoa học công nghệ của tỉnh ta trong 5 năm tới phải theo hướng: Từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trở lại phục vụ đắc lực và hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội - gắn nghiên cứu với chuyển giao và ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Tiếp nhận, làm chủ các công nghệ cao để đưa vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Từ đó khoa học công nghệ thực sự là nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội đồng thời nâng tầm năng lực khoa học công nghệ cũng như đội ngũ trí thức của tỉnh.
 
Về nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại:
 
Trong công tác đối ngoại (qua hợp tác, xúc tiến đầu tư…) Nghệ An phải giải quyết một điểm nghẽn tồn tại lâu nay: đó là niềm tin của đối tác và sự mặc cảm khi quan hệ với Nghệ An. Muốn giải quyết điểm nghẽn này, tức là xóa bỏ mặc cảm khi hợp tác làm ăn với Nghệ An, tạo niềm tin cho đối tác, chúng ta phải làm đối ngoại có trọng điểm, làm đến nơi đến chốn, làm có hiệu quả để mỗi một quan hệ được xác lập không chỉ có hiệu quả trực tiếp mà còn tạo sức lan tỏa, tạo dư âm tốt đẹp. Đó là cách quảng bá hình ảnh của Nghệ An với bè bạn xa gần tốt nhất, có kết quả nhất.
 
Mấy ý kiến cụ thể về nhiệm vụ xây dựng Đảng thể hiện trong dự thảo báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh.
 
a) Công tác chính trị, tư tưởng: 
 
Ngoài những nội dung đã được thể hiện trong dự thảo (đầu trang 42) cần bổ sung thêm một số nội dung: cần làm nhiều hơn những nội dung và tư tưởng kinh tế chứ "không chỉ làm về tư tưởng chính trị, vì chỉ có nhận thức tư tưởng kinh tế thì mới có hành động đúng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của từng địa phương cũng như cả tỉnh. Cần khắc phục từng bước những biểu hiện của tư tưởng bảo thủ, kinh nghiệm chủ nghĩa… vốn đang trói buộc tư duy và hành động trong cán bộ và Đảng viên tỉnh nhà.
 
b) Công tác tổ chức cán bộ (nửa cuối trang 42)
 
- Dự thảo nêu nhiệm vụ đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Nếu như vậy là không sai, nhưng chung chung. Vấn đề này, Trung ương nói thế, nay tỉnh cũng nói thế mà chưa đưa ra được một phương án cụ thể khả thi nào, mà thực tế lại đang diễn ra theo chiều ngược lại, tổ chức bộ máy từ Trung ương đến tỉnh ngày một phình ra chứ không tinh và càng không gọn. Nhiệm kỳ này tỉnh phải làm gì, làm thế nào với nhiệm vụ này? chưa thấy dự thảo báo cáo nêu ra.
 
- Điều cốt tử nhất của công tác cán bộ là phải chọn đúng người đứng đầu các cơ quan nhà nước. Họ là người có kiến thức về quản lý nhà nước, về chuyên môn (ngành, lĩnh vực) đặc biệt họ phải có tính đảng cao. Đảng cầm quyền chính là thông qua những người này.
 
- Đi liền với điều này phải đặc biệt chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, cơ quan các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Xin lưu ý tổ chức cơ sở đảng nào cũng có vai trò của nó. Song tổ chức cơ sở đảng, trong các cơ quan có vai trò đặc biệt bởi nó nằm chính ở các cơ quan đầu não. Cũng xin nói thêm, đã rất nhiều chục năm kể cả ở cấp Trung ương vẫn chưa có cách đặt vấn đề thật đúng về vai trò của tổ chức đảng trong các cơ quan đầu não thuộc hệ thống chính trị.
 
- Với công tác phát triển đảng viên ở vùng đồng bào theo đạo, cũng như việc tổ chức và sinh hoạt chi bộ ở đây cần có một số quy định đặc thù nếu xét thấy cần thiết.
 
c) Công tác kiểm tra, giám sát:
 
- Phải khẳng định: hoạt động kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng (từ chi bộ trở lên), của cấp ủy đối với cả trên, cả dưới, đối với mọi đảng viên (bất kể giữ chức vụ gì) là việc làm thường xuyên ở mọi nơi, mọi việc, mọi lúc chứ không chỉ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Do đó, mọi chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước khi tổ chức thực hiện đều phải có kế hoạch kiểm tra, giám sát kèm theo.
 
- Cần có những quy định để tăng quyền kiểm tra, giám sát của chi bộ, chi ủy trong các cơ quan nhà nước, các cơ quan đầu não đối với những người đứng đầu ở cơ quan đó. Làm được điều này thì Đảng mới "nắm" được thực chất đảng viên là người được giao địa vị cầm quyền. Và cũng chỉ có như vậy mới thực hiện được một nguyên tắc tuy đơn giản nhưng rất hệ trọng của Lê nin: "Mọi đảng viên (bất kể giữ cương vị, chức vụ nào) đều phải sinh hoạt và chịu sự quản lý của chi bộ, không cho phép bất kỳ đảng viên nào được quyền đứng ngoài chi bộ, đứng trên chi bộ cả!
 
Trương Công Anh
---------------------------------
(*) Đầu đề do Báo Nghệ An đặt.