Bài học từ Đại hội Quốc dân Tân Trào cách đây 70 năm hiện vẫn mang tính thời sự, mang tầm thời đại chính là đánh giá đúng vai trò của nhân dân, coi đoàn kết sức mạnh toàn dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi.
Dù đã ở ngoài tuổi 90 nhưng nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương Vũ Oanh vẫn tràn trề nhiệt huyết khi nói về câu chuyện cách đây tròn 70 năm với những mốc son rực rỡ của dân tộc: Từ Quốc dân Đại hội Tân Trào đến Tổng khởi nghĩa 19/8 và bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam mới.
Đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Hong Kong, chủ trì thống nhất 3 tổ chức đảng trong nước để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 10/5/1941, sau một thời gian về nước, Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hội nghị đã nhất trí với đề xuất của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi được”. Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh được thành lập, tuyên bố đánh đuổi Nhật, Pháp, xây dựng một nước Việt Nam độc lập và tự do, thành lập Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Thời gian này, Trường Bưởi, Hà Nội, nơi ông Vũ Oanh học khóa 1939-1943,có nhiều giáo viên giàu lòng yêu nước, giỏi chuyên môn; phần lớn học sinh của Trường sớm nuôi chí hướng noi gương oanh liệt chống ngoại xâm của tiền nhân. Khoảng năm 1940, một tổ học sinh yêu nước bí mật được thành lập, lấy tên là Đội Ngô Quyền do ông Vũ Oanh làm Đội trưởng.
Đội Ngô Quyền phát triển tổ chức khắp Trường Bưởi. Những học sinh hăng hái, nhiệt tình nhất đều hoạt động trong Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Các đồng chí Xứ ủy viên Bắc kỳ: Nguyễn Quyết, Nguyễn Khang, Lê Quang Đạo lần lượt phụ trách, hướng dẫn Đoàn Thanh niên Cứu quốc Trường Bưởi.
Những năm 1943-1944, không khí cách mạng ở Hà Nội đã sôi sục. Hoạt động của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Trường Bưởi cũng ngày càng sôi nổi: Rải truyền đơn rộng rãi trong Thành phố; kẻ khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh” lên tường Văn Miếu-Quốc Tử Giám; treo cờ đỏ trên đỉnh Tháp Rùa, trên tàu điện; tổ chức mít tinh ở Mễ Trì, chợ Canh, chợ Nhổn; tổ chức các cuộc diễn thuyết tuyên truyền xung phong ở các rạp hát, rạp chiếu bóng. Diễn giả kêu gọi giáo viên, học sinh, công nhân, nhà trường ủng hộ Việt Minh đánh Pháp đuổi Nhật giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Tình hình thế giới lúc đó có những chuyển biến rất nhanh chóng, rất thuận lợi cho cách mạng của chúng ta. Quân đội Đồng Minh đã thắng phát xít Đức, Ý, Nhật. Phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện. Đây là cơ hội nghìn năm có một để nhân dân Việt Nam đứng dậy tự giải phóng cho mình, giành quyền độc lập, tự do. Vì vậy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh - người lãnh đạo cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, chủ trương phải nhanh chóng triệu tập Đại hội Quốc dân Tân Trào để quyết định những vấn đề chính sách mới.
Đại hội Quốc dân diễn ra tại đình Tân Trào (thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) trong hai ngày 16 và 17/8/1945. Những ngày diễn ra Đại hội, Tân Trào và cả nước sống trong một ngày hội lớn: Ngày hội đại đoàn kết dân tộc.
Tham gia đại hội có 60 đại biểu ở khắp Bắc, Trung, Nam, đại biểu Việt kiều ở Thái Lan và Lào, đại biểu các tầng lớp nhân dân, đại biểu các đảng phái chính trị. Tháng 6/1945, các đồng chí Vũ Oanh, Nguyễn Thị Như, Nguyễn Tài, Văn Tân, Vũ Quang được Xứ ủy Bắc kỳ cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào tại châu Tự Do. Đồng chí Vũ Oanh là Trưởng đoàn. Không khí và ý nghĩa Đại hội theo ông Vũ Oanh “còn hơn cả Hội nghị Diên Hồng, bởi Đại hội không chỉ hiến kế mà đã có rất nhiều quyết định quan trọng, có giá trị không chỉ thời cuộc mà còn tới tận ngày nay”.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đặt vấn đề đại đoàn kết để giành thắng lợi. Người nêu cao phương châm "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công” và phải dựa vào dân, phát huy sức dân để giành thắng lợi. Theo Người, có dân là có tất cả, dân làm chủ cách mạng và dân đẩy cách mạng đi tới thắng lợi.
Đại hội Quốc dân Tân Trào đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, phát động khởi nghĩa giành chính quyền một cách nhanh nhất, để nhân dân Việt Nam đứng lên tự làm chủ vận mệnh mình và đất nước mình. Đồng thời, Đại hội bầu ra cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước - Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức là Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quy định Quốc kỳ, Quốc ca và phát động cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước một cách kịp thời nhất
Không khí Đại hội diễn ra sôi nổi, đầy quyết tâm không chỉ trong buổi họp mà đã lan rộng ra mọi nẻo đường đất nước ngay sau đó. Cuộc họp ở Tân Trào chưa kết thúc thì ở Hà Nội và một số tỉnh thành trong cả nước, nhân dân đã nổi dậy, cuộc khởi nghĩa đã bùng lên và thắng lợi oai hùng.
Ông Vũ Oanh xúc động: “Những ngày đó, người dân khắp nơi, không phân biệt già trẻ gái trai, các tầng lớp xã hội, ai là nòi giống Việt Nam đều đoàn kết lại vì lợi ích của đất nước là giải phóng dân tộc. Chúng tôi trở về Thủ đô trong tiếng hò vang chiến thắng, hạnh phúc ngay trước mắt vẫn ngỡ như mơ”.
Ông Vũ Oanh khẳng định nhiều lần trong cuộc trao đổi với chúng tôi về việc triệu tập Đại hội Quốc dân Tân Trào để thành lập một Chính phủ lãnh đạo cách mạng Việt Nam chính là tầm nhìn chiến lược sáng suốt của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Từ đó chúng ta mới danh chính ngôn thuận chớp thời cơ và tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Bác Hồ đã thay đổi hoàn toàn chiến lược, coi việc giải phóng dân tộc là trên hết. Bác xóa bỏ mọi ranh giới giai cấp mà kêu gọi đồng bào vì lòng yêu nước, yêu tự do hãy vùng lên. Tư tưởng đó thực sự rất kịp thời khiến cho người người nghe theo, nhà nhà hưởng ứng và đồng tình. Hợp lòng dân và vì dân - đó là bài học vô giá cần được thế hệ hôm nay thấm nhuần và tiếp tục phát huy.
Trong suốt câu chuyện của mình, ông Vũ Oanh nhắc đi nhắc lại nhiều lần về bài học 70 năm qua vẫn còn nguyên giá trị khi Đảng và Nhà nước ta biết đánh giá đúng vai trò của nhân dân, coi việc đoàn kết sức mạnh của nhân dân là nhân tố quyết định thắng lợi.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã chứng tỏ nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách mạng tháng Tám đã tạo nên một cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ chưa từng thấy với đông đảo lực lượng tham gia, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp trong cả nước. Cuộc tổng khởi nghĩa đó tiêu biểu cho sức mạnh dân tộc và khối đại đoàn kết toàn dân. Bài học này tiếp tục được vận dụng thành công trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập./.
Theo Chinhphu.vn