(Baonghean) Ngày chia tay Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Trần Quốc Thành nhận nhiệm vụ Bí thư huyện Quế Phong, anh em bạn bè nói vui: “Cọp được thả về rừng, tha hồ mà vùng vẫy nhé”. Chả là anh Thành sinh năm 1962- cầm tinh con cọp. Bẵng đi một thời gian, nghe anh nhắn lúc nào rảnh, nhớ ghé Quế Phong ăn cơm gạo mới với cá nuôi ở hồ Kẽm Ải, nói chuyện phiếm… Nhận lời mời, nhưng bận rộn công việc, mới rồi lên “thực tế” ở Thủy điện Hủa Na mới có dịp gặp lại anh.

Mới đó mà gần 1 nhiệm kỳ Bí thư Thành gắn bó với Quế Phong. Không như người ta nói, cán bộ “miền xuôi” tăng cường lên công tác, ít nhiều đều tính ngày tính tháng đợi hết “nhiệm kỳ nghĩa vụ” để trở về. Đối với Trần Quốc Thành, nhiệm kỳ của anh ở đây được tính bằng những công việc anh làm cho bà con. Với cách nghĩ, cách làm hướng về một mục đích là làm sao cho dân bớt nghèo, đỡ khổ và bằng chính hành động của mình, anh đã “cuốn” cả guồng máy của huyện Quế Phong cùng vào cuộc. Quan điểm của anh rất đơn giản: Việc lo cho dân có đầy đủ “cơm ăn áo mặc” là việc làm đầu tiên mà người lãnh đạo phải nghĩ. Quế Phong là huyện miền núi khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn cao nhất, nhì tỉnh, việc lo cho đủ cái ăn cái mặc cho bà con đang là một điều khó khăn, chưa nói đến thực hiện khẩu hiệu “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi”. Nói là làm, anh đã cùng với Ban Thường vụ Huyện ủy tạo nên được những “tín hiệu” vui trên mảnh đất Quế Phong.

780188_small_79880.jpg

Bí thư Huyện ủy Quế Phong Trần Quốc Thành (đứng giữa, áo trắng) giới thiệu mô hình trồng chanh leo với lãnh đạo tỉnh.                          Ảnh: Thành Duy

Một lần vào Tri Lễ, trong bữa cơm xã chiêu đãi, chỉ vào món cá hấp dưa, Chủ tịch xã Lô Xuân Phòng nói: Đây là cá nuôi ở hồ Kẽm Ải, một công trình thủy lợi phục vụ nước tưới cho Khu kinh tế mới Minh Châu. Nhìn con cá nặng chừng gần 2 kg vắt ngang đĩa cùng với màu sắc gia vị trông thật bắt mắt, ai cũng trầm trồ. Ghé tai tôi, ông Phòng nói nhỏ: Dân ở đây gọi là cá “ông Thành”. Miền núi là nơi khan hiếm thực phẩm, nhất là cá tươi lại cực hiếm. Thấy mặt nước sông suối, ao hồ thì sẵn mà dân lại chưa có thói quen nuôi cá, vốn xuất thân từ ngành Thủy sản, Trần Quốc Thành cùng với các cộng sự lặn lội ra Viện Giống nuôi trồng thủy sản tìm giống phù hợp, tranh thủ tìm đối tác…

Kết quả là một dự án nuôi cá lồng trên hồ Kẽm Ải được hình thành với sự tài trợ của một tổ chức nước ngoài. Người dân tiếp cận được vốn và hình thức nuôi công nghiệp với máy chế biến thức ăn do dự án cung cấp. Hàng chục lồng bè của người dân ven đập hình thành, một hợp tác xã nuôi trồng thủy sản ra đời. Nước mới, sẵn nguồn phù du nên cá lớn nhanh, tiêu thụ dễ dàng (chỉ mới đủ cung cấp cho bà con trong vùng), tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho mấy chục hộ xã viên. Bà con biết ơn Bí thư Huyện ủy nên gọi là “cá ông Thành”.  

Sau cá là đến “cơm gạo ông Thành”. Quế Phong là huyện vùng cao, mong muốn có giống lúa chịu lạnh để bà con sản xuất, một lần đọc báo thấy ở phía Bắc một số địa phương đang trồng thử nghiệm giống lúa chịu lạnh có tên Japonoca có nguồn gốc từ Nhật Bản. Trong một chuyến công tác, Bí thư Thành rủ Chủ tịch huyện Lữ Đình Thi đến Viện Di truyền giống để tìm hiểu. Cảm kích trước tấm lòng của 2 vị lãnh đạo đứng đầu một huyện lo cho dân, ông Viện trưởng tặng hai anh mấy chục kg giống cùng với hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng. Tri Lễ- một địa phương được mệnh danh là “Sa Pa của Quế Phong” được Bí thư Thành chọn làm nơi trồng thử nghiệm. Do không nắm vững kỹ thuật canh tác, năm đó chỉ có 3 hộ thành công. Từ kết quả ban đầu vụ đông xuân 2011- 2012, huyện bỏ tiền mua thêm giống thực hiện trồng khảo nghiệm 1 ha ở xã Mường Nọc. Kết quả thật bất ngờ, năng suất đạt 5 tấn, gạo ngon, thơm dẻo. Ngày hội thảo đầu bờ, gặt vội vài mét vuông sấy khô giã lấy gạo nấu cơm phục vụ hội nghị, ai ăn cũng phải tấm tắc khen ngon. Huyện ký hợp đồng mua đủ lượng giống (với giá cao gấp 3 lần thóc thịt) để nhân giống ra toàn huyện… và rồi dân Tri Lễ lại gọi đây là “giống lúa ông Thành”.

Không chỉ lo cho dân cái ăn, cái mặc mà ông Bí thư còn tìm cách cho dân làm giàu. Trong một chuyến công tác, phát hiện ở Tri Lễ có nhiều chanh leo dại, một suy nghĩ chợt đến trong đầu Bí thư Thành: Ở Tri Lễ nhiệt độ bình quân thấp hơn các nơi khác trong huyện, phải chăng đây là điều kiện lý tưởng để cây chanh leo phát triển. Nghĩ là làm, trước hết anh đưa ra Thường vụ bàn bạc, cộng với việc tham khảo tài liệu, ý kiến của các nhà khoa học, một đoàn khảo sát được thành lập. Sau khi tìm hiểu tại Lâm Đồng, đến năm 2010, cây chanh leo có mặt ở Tri Lễ với diện tích 2 ha, năm 2011 tăng thêm 2 ha, năm 2012 diện tích trồng chanh leo đã lên đến 8 ha.

Nhà ông Vi Thanh Xuân - Chủ nhiệm HTX dịch vụ Tri Lễ trồng 1.150 m2 năm đầu thu 16 triệu đồng. Năm nay ước thu khoảng 30 triệu đồng. Theo tính toán, đầu tư cho 1 ha chanh leo khoảng 100 triệu đồng, năm đầu tiên cho thu nhập khoảng 150 - 200 triệu đồng. Năm thứ 2 trở đi thu nhập trên 300 triệu đồng. Đầu ra của cây chanh leo đã có nhà máy dứa cô đặc lo. Nhà máy đã chọn đây là vùng nguyên liệu chính. Nhà máy cũng đã khảo sát quy hoạch để đầu tư khoảng 800 ha, đất Tri Lễ không đủ, xã Nậm Giải có khí hậu tương tự đang được khảo sát. Để phát triển nhanh vùng nguyên liệu, nhà máy sẽ hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Trong một tương lai gần, với 800 ha chanh leo chắc chắn sẽ làm thay đổi hẳn cuộc sống của bà con ở đây.

Không chỉ “đau đáu” với việc tìm giống cây, con phù hợp cho năng suất chất lượng cao để tăng thêm thu nhập cho bà con, Bí thư Thành còn luôn luôn theo sát dân; tìm hiểu cách nghĩ, cách làm của họ để dần uốn nắn cho phù hợp. Từ chỗ tìm hiểu kết hợp với thực tế, Bí thư Thành đã đúc kết thành bài học cho công tác khuyến nông ở miền núi. Trong một cuộc hội thảo do Sở Khoa học Công nghệ tổ chức, báo cáo của Bí thư Thành được đánh giá rất cao.

Từ các mô hình cây, con phù hợp với điều kiện tự nhiên, được đồng bào các dân tộc chấp nhận, đồng tình nên hiệu quả ngày càng rõ nét. Nhiều nơi bà con đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, đặc biệt có những gia đình đã biết mua phân chuồng về bón cho cây trồng, biết đầu tư mua phân dúi bón cho lúa. Có địa phương sau khi tiếp nhận mô hình đã triển khai rất bài bản, mang lại hiệu quả cao. Như xã Châu Kim, thực hiện mô hình nuôi lợn Móng Cái, lúc đầu chỉ có hơn 100 con giống, nuôi ở bản Đô. Phương châm phát triển đàn lợn là nuôi cuốn chiếu, đến nay nhiều bản đã có lợn Móng Cái để nuôi. Hay mô hình nuôi gà ác ở xã Châu Kim từ tháng 10/2011 đến nay tại bản Chổi, hiệu quả kinh tế cao, được bà con áp dụng thành công. Hiện nay, địa phương và các gia đình nuôi gà ác đang tìm đầu ra cho sản phẩm bằng cách phối hợp với các nhà hàng ở Thành phố Vinh để tiêu thụ.

Với phương châm kết hợp giữa “4 nhà” của người đứng đầu cấp ủy, chắc chắn các mô hình đang thực hiện trên đất Quế Phong sẽ giúp đồng bào các dân tộc nơi đây có việc làm và tăng thu nhập, góp phần đắc lực trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi cao này. Nhiều người nói rằng, Bí thư Huyện ủy Trần Quốc Thành là người luôn nặng lòng với nông dân chính là ở chỗ đó. Và thực tế, chỉ có những cán bộ vì dân, gần dân và lắng nghe dân, suốt ngày lo sinh kế cho dân mới có thể vượt qua được các lực cản để đi đến thành công.


Công Sáng - Xuân Hoàng